(Sự kiện, Quảng Trị) Về buổi nói chuyện với chủ đề "THAY ĐỔI ĐỂ VƯƠN LÊN" của GS Trương Nguyện Thành

1. Thời gian: 8h00 ngày 28/12/2018
2. Địa điểm: Hội trường, Phân hiệu ĐHH tại Quảng Trị
3. Khách mời: GS Trương Nguyện Thành
4. Đăng ký tham gia tại địa chỉ: https://goo.gl/C8No6X

#vtms GS Trương Nguyện Thành
5. Tiểu sử (Theo VNEXPRESS)
Giáo sư Trương Nguyện Thành sinh năm 1961, là con thứ ba trong gia đình nghèo 7 anh chị em. Từ bé Thành được ông bà nội ở Bình Định nhận nuôi vì "vui cửa vui nhà", còn cha mẹ sống Sài Gòn để mưu sinh. Cuộc sống càng thiếu thốn hơn khi cha Thành bị liệt nửa người vào năm 1972. Tất cả khó khăn dồn lên đôi vai của mẹ. Thời gian này, Thành được mẹ đưa từ Bình Định lên Sài Gòn. Thương mẹ, cậu bé 11 tuổi ngoài giờ học phải đi bán thuốc lá dạo để có tiền chữa bệnh cho cha và lo cho các em.

Bốn năm sau, gia đình anh chuyển từ Sài Gòn về Lái Thiêu (Bình Dương), với tài sản duy nhất là mảnh ruộng nhỏ và cặp trâu. Từ nghề bán thuốc lá dạo Thành chuyển sang làm thuê cuốc mướn. Cậu bé 15 tuổi có thể làm bất cứ nghề gì để kiếm sống, từ cày bữa, chăn trâu đến trồng khoai.

Chuyện học hành không được quan tâm vì Thành nghĩ "nhà nghèo kiếm cơm trước đã". So với các bạn cùng trang lứa, từ khuôn mặt đến suy nghĩ Thành đều già dặn hơn. Thay vì vui chơi cùng bạn bè, anh tự nhận nhiệm vụ lo chuyện cơm áo gạo tiền cho mẹ và các em. Chính anh đã tự tay dựng nên ngôi nhà bằng đất trộn rơm để gia đình có chỗ che mưa nắng.

Con đường học vấn của Thành chỉ thật sự sang trang mới khi vào năm lớp 12 "lọt vào tầm ngắm" của thầy giáo dạy toán. Trong một buổi học, người thầy này đưa ra vài bài toàn mẹo cho cả lớp, khiến các học sinh giỏi không ai biết. Thành - cậu học sinh "tép riu" gần nhất lớp đứng lên xin trả lời làm thầy và các bạn ngạc nhiên.

Sau đó, thầy gọi cậu học trò nhà nghèo, lười học ở lại và nói: "Em thông minh thế sao không chịu khó học hành". Thành đáp: "Em còn lo đi làm kiếm cơm, nhà nghèo làm gì có tiền mua sách vở thưa thầy". Nghe vậy, thầy giáo đưa cho Thành vài cuốn sách toán và dặn: '"Em cứ đọc sách như đọc truyện. Tháng sau thi học sinh giỏi toàn tỉnh, thầy rất muốn em đi".

Để tiếp tục con đường học hành, anh thi vào một trường trung học ở Mỹ. Rào cản ngôn ngữ khiến anh vất vả mãi mới hoàn thành chương trình. Thầy hiệu trường nói cánh cửa đại học với anh rất khó và giới thiệu anh vào làm tại cửa hàng thực phẩm để kiểm tiền được ngay.

"Ở Việt Nam đã là nông dân, sang Mỹ trải qua bao khốn khó, gian nan để rồi làm tại cửa hàng thực phẩm sao", nghĩ vậy anh xin thầy tiếp tục cho học và hứa cố gắng hết sức. Cuối cùng, nghị lực của bản thân cũng giúp anh bước vào năm thứ nhất Đại học North Dakota.

Khác với sinh viên thường làm thêm tại quán bar hoặc làm công việc phục vụ tại quán ăn để có tiền học phí, anh mạnh dạn xin giáo sư được làm trong phòng thí nghiệm - điều mà không phải sinh viên nào cũng dám. Anh còn vay các khoản từ nguồn cho sinh viên và học bổng của Chính phủ để theo đuổi đam mê.

Tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân hóa học, anh có 4 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí quốc tế uy tín. Tiếp đó, anh học thẳng tiến sĩ và lấy bằng năm 1990, rồi tiếp tục nghiên cứu sau tiến sĩ. Thời gian này anh dành được học bổng của Quỹ khoa học quốc gia cho tiến sĩ trẻ có tiềm năng.

Năm 1992, anh được mời về giảng dạy môn hóa lượng tử tại Đại học Utah. Anh được đánh giá là một trong những nhà khoa học trẻ triển vọng của Mỹ, được cấp bằng giáo sư cao cấp. Từ 1992 đến nay, giáo sư Trương Nguyện Thành có khoảng 200 bài báo được in trên các tạp chí khoa học quốc tế.

Nói về thành công của bản thân, giáo sư Thành cho rằng, bên cạnh khả năng, đam mê, sự quyết tâm và môi trường để phát triển, điều quan trọng là cần nhận thức được cơ hội. "Nếu tôi nghe lời hiệu trưởng làm ở cửa hàng thực phẩm có thể sẽ có xe hơi, nhà to, nhưng tôi chọn thùng sách để theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu. Thật sự tôi đã lựa chọn đúng".

Đúng như tâm nguyện "thành công sẽ về giúp người khác", giáo sư đã trở về Việt Nam, thành lập Viện Khoa học công nghệ tính toán TP HCM hoạt động năm 2009. Anh còn giúp đỡ nhiều sinh viên giỏi từ Việt Nam sang Mỹ du học bằng nguồn từ quỹ nghiên cứu của mình.

(Theo nguồn Đại Học Huế)