MỘT SỐ GIẢI PHÁP
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TUYỂN SINH HỌC NGHỀ
Người viết bài: Võ Thanh Minh
Email: vtminhvt@gmail.com
Bài viết được đăng tại “Đặc san khoa học và kỹ thuật năm 2015”
1. Một số thuận lợi trong hoạt động dạy nghề: Hệ thống dạy nghề được hỗ trợ bởi hệ thống văn bản pháp luật quy định về hoạt động dạy nghề tương đối đầy đủ và đồng bộ; Cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ dạy nghề đủ về số lượng, đảm bảo cơ bản cho quá trình đào tạo nghề theo 3 cấp trình độ: Sơ cấp, Trung cấp và Cao đẳng nghề; Giáo viên được chuẩn hóa từng bước và đạt trình độ phục vụ cho việc dạy lý thuyết và thực hành.
Công tác dạy nghề được nhà nước xác định đúng tầm quan trọng, quan tâm đầu tư nhằm đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, dịch vụ có năng lực thực hành nghề tương xứng với trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong bối cảnh và thực tế đã đặt ra cơ cấu lao động trực tiếp chiếm từ 70-80% lực lượng lao động.
2. Về thực tế tuyển sinh học nghề: Thực trạng công tác tuyển sinh học nghề trong những năm gần đây của các cơ sở dạy nghề (1) ngày càng khó khăn, đa số các cơ sở dạy nghề gặp phải thách thức trong quá trình tuyển sinh đầu vào, số lượng đầu vào giảm xuống nhanh chóng, do đó các cơ sở thuộc hệ thống dạy nghề không ngừng tuyển sinh, thời gian tuyển sinh kéo dài quanh năm, điều kiện mở lớp cho đến khi đủ số lượng tổ chức lớp học.
3. Nguyên nhân khó khăn trong tuyển sinh.
3.1 Yếu tố tâm lý: Xuất phát từ tâm lý của phụ huynh, học sinh chưa mặn mà với trường nghề, không xem trọng học nghề, từ trong tiềm thức của người dân học nghề gắn với suy nghĩ là ‘công việc nặng nhọc, lương thấp’, thực tế cho thấy việc tuyển sinh học nghề là ‘vét’ những học sinh không đủ khả năng vào các trường cao đẳng, đại học. Điều đó hoàn toàn trùng hợp với lối suy nghĩ của phụ huynh xưa nay là: ‘không học được nữa thì cho đi học nghề’.
3.2 Cửa vào Đại học và Cao đẳng ngày càng dễ: Hiện nay, các trường Cao đẳng, Đại học mọc ra như "nấm" với đủ hệ như tại chức, đào tạo tín chỉ, liên thông,.. một số trường Cao đẳng, Đại học còn có cơ chế xét tuyển, khó khăn lại thêm chồng chất cho các cơ sở dạy nghề, sự cạnh tranh này đặt ra cho các CSDN bài toán không có lời giải, đó là lấy nguồn nào để tuyển sinh và làm gì để xoay chuyển cổ máy đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật.
3.3 Cơ hội nghề nghiệp và lương: Tiền lương, điều kiện làm việc, bố trí ăn, ở của doanh nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu của lao động kỹ thuật. Việc xây dựng các chuẩn kỹ năng nghề quốc gia xem ra khá hấp dẫn trong hệ thống đào tạo nghề, nhưng hầu như chưa thuyết phục được nhà tuyển dụng lao động; có quá ít sự khác biệt giữa lao động đã qua đào tạo nghề và từ hệ thống khác.
3.4 Khó khăn trong việc liên thông lên đại học:
Hiện nay việc liên thông chỉ là liên thông dọc, việc liên thông ngang chưa được thể hiện rõ ràng, khiến cho việc thiết kế chương trình đào tạo liên thông còn tách rời nhau, chưa tạo động lực thu hút đông đảo thanh niên đang làm việc ngoài thị trường lao động tham gia học nghề, việc liên thông giữa hệ thống dạy nghề thuộc Bộ LĐTB&XH và Bộ GD-ĐT còn gặp nhiều khó khăn và bất cập.
3.5 Đào tạo chưa gắn với việc làm: Đào tạo cái gì, cho ai, làm ở đâu, thu nhập như thế nào,… được hầu hết người học quan tâm. Mục đích cuối cùng của quyết định theo học nghề là được làm việc và cải thiện đời sống bản thân, như vậy các CSDN nắm chắc yếu tố này cũng một trong những động lực tạo thuận lợi trong công tác tuyển sinh.
3.6 Cơ sở dạy nghề chưa có thương hiệu mạnh: chất lượng đào tạo được nhà tuyển dụng chú ý đầu tiên; khẳng định thương hiệu là cần thiết đối với cơ sở dạy nghề, thương hiệu mạnh là “thương hiệu đã qua quá trình kiểm chứng, đã gây dựng được lòng tin, uy tín trong doanh nghiệp và quần chúng”.
4. Một số giải pháp tăng cường công tác tuyển sinh
4.1 Phân luồng: Trước khi để người lao động và xã hội nhận thức đầy đủ, biện pháp để tạo ra nguồn nhân lực lao động trực tiếp đó là phải phân luồng người học từ các trường THCS, THPT. Cần phân loại đối tượng cụ thể để từ đó định hướng có tính bắt buộc, những đối tượng thuộc bộ tiêu chuẩn sẽ được rẽ nhánh theo con đường học nghề. Cần thống nhất bộ tiêu chuẩn phân luồng giữa Bộ Lao động và Giáo dục.
4.2 Nhận thức về học nghề: Tăng cường công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề, lập nghiệp. Trong khi, các tổ chức như trường học (THCS và THPT) còn nhận thức rất ít về vai trò của trường nghề và nhu cầu về lao động kỹ thuật trong thời kỳ mới, đã gây ra khó khăn, ảnh hưởng đến quá trình phát triển nhận thức về học nghề của học sinh. Nhà nước phải tạo ra nhiều cơ chế nhằm khuyến khích người lao động có kỹ năng nghề giỏi thì có thu nhập cao, xây dựng các tiêu chí thăng tiến, ngoài các điều kiện về bằng cấp thì phải đưa vào các tiêu chuẩn về kỹ năng nghề nghiệp. Trong suy nghĩ của bậc phụ huynh và học sinh thì muốn thăng tiến phải sở hữu tấm bằng Đại học hoặc cao hơn, đây là con đường duy nhất cho sự thăng tiến và phát triển nghề nghiệp mà họ nghĩ.
4.3 Bắt tay với doanh nghiệp trong đào tạo nghề: Trong Luật dạy nghề đã quy định vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với dạy nghề, tuy nhiên đến nay sự gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề khá rời rạc, đơn lẻ, chưa có cơ chế liên lạc cụ thể từ hai phía, sự mất liên lạc này đã làm cho các CSDN tiếp tục cho ra những sản phẩm không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, doanh nghiệp muốn sử dụng lao động thì phải đào tạo lại, hệ quả đã gây ra không ít lãng phí về đào tạo nhân lực. Phải nói rằng công tác dạy nghề được Nhà nước quan tâm nhưng chưa có các giải pháp đồng bộ cho các vấn đề, chưa cụ thể hóa các vấn đề trong luật dạy nghề và thực hiện triệt để.
4.4 Xây dựng thương hiệu mạnh: Các cơ sở dạy nghề chứng minh được chất lượng trước nhà tuyển dụng, đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường lao động và được rộng rãi nhân dân biết đến.
4.5 Giỏi một nghề, biết nhiều kỹ năng: Cơ sở dạy nghề xây dựng chương trình theo hướng giỏi một nghề, biết nhiều kỹ năng, tùy thuộc vào từng nghề, kỹ năng mà ứng biến trước nhà tuyển dụng, đây là cách được nhiều bạn trẻ lựa chọn trên con đường lập nghiệp, nhu cầu lao động của xã hội biến động liên tục đòi hỏi nghề nghiệp cũng phải biến động tương xứng; cần xác định từ việc giỏi một nghề trên cơ sở đó xác định các kỹ năng nghề nghiệp liên quan khác để tiếp tục nghiên cứu, học hỏi; một thợ máy lành nghề sẽ có cơ hội thăng tiến nhanh hơn khi có thêm các kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm.
4.6 Xác định, dự báo được nhu cầu lao động của doanh nghiệp:
Xây dựng cơ quan đầu mối cho việc gắn kết giữa doanh nghiệp và các cơ sở dạy nghề, để từ đó xác định được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp; giúp CSDN có chiến lược xây dựng nghề và chuẩn hóa kỹ năng nghề cho việc đào tạo lao động kỹ thuật phù hợp với thị trường lao động. Không nên đào tạo cái mình có mà chỉ đào tạo cái doanh nghiệp cần, yếu tố cung – cầu luôn có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau, quyết định thành công của phát triển đào tạo nghề trong tương lai.
4.7 Đầu tư theo chiều sâu, quy hoạch lại hệ thống cơ sở dạy nghề: tinh gọn hệ thống dạy nghề trên từng địa phương, nên dựa vào đặc thù kinh tế từng địa phương mà cơ cấu nghề cho phù hợp, tránh đầu tư chồng chéo, lãng phí. Các đơn vị đào tạo phải thuyết phục được nhu cầu đào tạo từng nghề của cơ sở mình dựa trên khảo sát, thăm dò và xây dựng đề án khả thi thuyết phục được các cơ quan chức năng quản lý về dạy nghề; tránh tình trạng đào tạo cho đủ chỉ tiêu, bỏ gõ khâu tìm kiếm đầu ra cho học sinh sau khi tốt nghiệp; CSDN thường xuyên duy trì liên lạc với học sinh đã tốt nghiệp cho đến khi họ đã tìm được việc làm.
4.8 Đừng quá nặng nề chữ ‘nghề’: Xuất phát từ yếu tố tâm lý, chữ ‘nghề’ đã làm cho xã hội khó khăn trong việc nhìn nhận về một chủ trương đúng đắn trong cơ cấu lao động của xã hội, ví dụ về việc quy định cách đặt tên trường phải có chữ ‘nghề’: Trường Trung cấp nghề tỉnh Quảng Trị, Trường Cao đẳng nghề Du lịch ,…. Tính ưu việt của hệ thống đào tạo nghề nên chăng để người sử dụng lao động đánh giá và lựa chọn. Khi không có người tham gia vào học tập tại các trường nghề thì càng khó khăn hơn trong việc chứng minh tính ưu việt của hệ thống đào tạo nghề.
(1): bao gồm các trung tâm dạy nghề, Cao đẳng, trường trung cấp nghề và các cơ sở dạy nghề tư nhân khác.