Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy số doanh nghiệp tạm
ngừng kinh doanh và chờ giải thể tăng vọt trong tháng 2 so với cùng kỳ
năm ngoái, trong khi số doanh nghiệp đăng ký mới giảm về quy mô vốn và
quy mô lao động.
Kỳ thống kê tháng 2 rơi vào bão dịch Covid-19,
những ngành dự báo bị ảnh hưởng nhiều nhất là hàng không, du lịch, khách
sạn, vốn đã "ngấm đòn" từ trước đó khi lượng khách Trung Quốc giảm mạnh
khi Covid-19, với tên gọi ban đầu là dịch cúm Vũ Hán manh nha khởi phát
từ tháng 12/2019.
Mới đây, một khách sạn tại Hà Nội đã phải treo biển ngừng hoạt động vì 3 tháng tổn thất tới 20 tỷ đồng.
Tính
trên bình diện cả nước, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy trong
tháng cao điểm của dịch Covid-19 này, cả nước có 4.567 doanh nghiệp đăng
ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 61,8%; 3.841 doanh nghiệp
ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 120,7%; 1.186 doanh
nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 12,4%; và 2.215 doanh nghiệp
không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 67,7%.
"Đáng chú
ý, trong 2 tháng đầu năm 2020 có gần 16,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng
kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước", Tổng cục Thống kê cho biết.
Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Cũng
trong tháng 2/2020, có 9.163 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng
ký là 96,8 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 73,1 nghìn lao
động, tăng 10,7% về số doanh nghiệp, giảm 21,4% về vốn đăng ký và giảm
13,5% về số lao động so với tháng 1/2020.
Vốn đăng ký bình quân
một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 10,6 tỷ đồng, giảm 29% so
với tháng trước và giảm 35,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong kỳ thống
kê tháng 2/2019, số vốn đăng ký bình quân của doanh nghiệp thành lập mới
ở mức 16,3 tỷ đồng.
Tính chung 2 tháng đầu năm, số doanh nghiệp
ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 9,4 nghìn doanh nghiệp, giảm
31,4%; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 2,8 nghìn doanh
nghiệp, giảm 11,1%, trong đó có 2,5 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn
dưới 10 tỷ đồng, giảm 13,4%.
Trong cuộc họp của Thường trực Chính
phủ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần tìm ra được biện
pháp cụ thể, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, du lịch, xuất
nhập khẩu và các hoạt động khác trong bối cảnh dịch bệnh.
Bộ Kế
hoạch và Đầu tư cũng cập nhật kịch bản tăng trưởng năm 2020 do tác động
của dịch Covid-19. Theo đó, trong trường hợp khống chế được dịch bệnh
trong quý I/2020 thì tăng trưởng GDP của cả nước năm 2020 dự báo là
6,25%.
Trường hợp dịch bệnh kéo dài sang quý II/2020 mới được
khống chế thì tăng trưởng GDP dự báo là 5,96%, giảm 0,29 điểm % so với
kịch bản khống chế được dịch trong quý I/2020.
Cả hai kịch bản đều đưa ra số dự báo tăng trưởng thấp hơn nhiều mục tiêu 6,8% mà Quốc hội đề ra.