2025

Cùng đếm ngược đến năm mới 2025! 🎉

00

Ngày

00

Giờ

00

Phút

00

Giây

FB: Tôi dám cá: 80% dân Thừa Thiên Huế không ai biết đến địa danh RÀO TRĂNG 3

 KHE TRĂN HAY RÀO TRĂNG?

Tôi dám cá: 80% dân Thừa Thiên Huế không ai biết đến địa danh RÀO TRĂNG 3, nếu không có vụ sạt lỡ chôn vùi công nhân và 13 nhân mạng đã vĩnh viễn về với đất mẹ quá đau thương!

Đọc nhiều bài viết về Rào Trăn của các anh ở Huế ( LBH, LX) bất chợt tôi ngớ người. Rào Trăn? Có phải là Khe Trăn? Tôi lục tìm lại ký ức và bồi hồi nhớ về quãng thời gian thơ ấu của mình.

Dạo đó, sau 1975, cụ thể là vào những năm 1977-78, dân quê tôi đổ xô lên rừng đầu nguồn sông Bồ để lấy củi. Củi là những chồi cây, nhánh khô...   Phương tiện là những chiếc ghe bằng kim loại. Ghe có hai chèo ở lái và mũi ghe. Một ghe thường có 4-5 người. Thời gian đi về khoảng một tuần...cứ ngược sông Bồ, bơi chèo ròng rã khoảng hơn một ngày sẽ đến CỬA MỆ. 

MỆ- đại từ nhân xưng đầy kính trọng không phải dành cho người phụ nữ ( mệ, mụ, bà...) mà chỉ khu rừng. Cửa Mệ là Cửa Rừng. Đi Mệ là đi rừng.Và Mệ còn chỉ con hổ. Dân quê tôi không dám gọi đích danh Con Hổ (con Cọp) như sợ " phạm huý" phải gọi chệch là Mệ. Đi Mệ sợ nhất: gặp Mệ! Đến Cửa Mệ, thường bày lễ là nhánh chuối, nắm bông, thẻ nhang...cầu xin Mệ bình an, thuận lợi...Khi ra về ngang Cửa Mệ cũng thắp nén nhang tạ ơn Mệ!

Nhà tôi có 7 anh em trai. Năm anh của tôi thường "đi Mệ" kiếm củi. Mỗi chuyến đi trót lọt trở về, nghe các anh kể về Khe Trái, Khe Gió... đầy nguy hiểm với dòng thác cuộn trào, suối chảy xiết rợn người...những lần xuôi dòng xuống thác mà tính mạng con người treo lơ lững, chỉ cần sơ sẩy, ghe, củi bị đập vào đá gãy đôi, nhấn chìm, không ít lần có tiều phu thoát chết trong gang tấc...

Nguy hiểm nhất vẫn là Khe Trăn. Tương truyền hình dáng khe giống con trăn khổng lồ hung dữ. Thân hình cuồn cuộn sẵn sàng cuốn ngạt thở,  xiết nát vụn trước khi há mõm đỏ lòm, nồng nặc mùi tanh tưởi nuốt gọn con mồi xấu số.

Không một ai đủ can đảm ngồi trên bè hay ghe thuyền. Khi đến Khe Trăn, cây củi được tháo dỡ khỏi ghe kết thành bè, buộc dây thừng dòng lên bờ. Đi trên bờ, người ta phải cố ghìm bè trôi thật chậm nếu không muốn dòng chảy nhấn chìm và quật tan nát bè củi. 

Lần lữa mãi cuối cùng tôi cũng được các anh cho đi Mệ một chuyến. Công việc của tôi là trông coi lán trại, nấu cơm nước, chặt nhánh, gom cây...

Lần đầu tiên được đi Mệ, biết thế nào là Mệ, rất thú vị, nhưng quá sợ Mệ (sợ cọp). Sau mấy ngày gom đủ số cây. Chúng tôi ra về. Đến Khe Trăn, vẫn bài cũ: xuống cây, kết bè, dùng dây thừng thòng bè, người đi trên bờ cố ghìm bè trôi thật chậm...thế nhưng" người tính không bằng trời tính". Một sợi dây thừng bện bằng dây rừng neo bè, bỗng đứt phựt. Anh tôi té ngữa bên suối. Chiếc bè chao đảo. Sức chảy của dòng nước quá mạnh, muốn cuốn phăng tất cả. Quá nguy hiểm, anh cả tôi hét to: " thả bè!" Ba anh đồng loạt buông tay. Trong nháy mắt, chiếc bè củi bị nhấn chìm mất hút giữa dòng nước hung hãn...

Cố gắng lắm, chúng tôi chỉ vớt được một ít cây củi rồi ra về trong hoảng sợ và thất vọng.

Sau lần đi Mệ ấy, tôi bị bệnh nằm liệt giường. Cơn sốt rét hành hạ tấm thân còn tấm bé, còi cọc. Và kể từ đó Mạ tôi cấm cửa, với câu nói" Nhất đâm Hà Bá. Nhì phá Sơn Lâm!"

Khe Trăn-Tưởng đã quên lãng trong ký ức với những kỷ niệm hãi hùng, thế nhưng bất chợt hôm nay lại hiện về như những thước phim có độ phân giải HD 1080.

Khe Trăn- Rào Trăng 3- với những đau thương tang tóc ngút trời! 

Hơn 200ha rừng nguyên sinh thuộc khu bảo tồn Phong Điền bị tàn phá để làm thuỷ điện.

Có phải chăng, câu nói ngày xưa Mạ tôi căn dặn, cấm cửa anh em tôi Đi Mệ hôm nay thành hiện thực?

19/10/2020

Viết trong nỗi đau thương của bà con miền Trung đang gánh chịu!



FB Thảo Nguyên Hoang Mã