2025

Cùng đếm ngược đến năm mới 2025! 🎉

00

Ngày

00

Giờ

00

Phút

00

Giây

Suốt hàng thế kỷ qua, con người vẫn luôn tự hỏi bản thân: Chúng ta tồn tại vì điều gì? Công thức của Albert Einstein

 Mọi thứ chúng ta làm trong cuộc đời đều có nguyên do. Vì thế, suốt hàng thế kỷ qua, con người vẫn luôn tự hỏi bản thân: Chúng ta tồn tại vì điều gì?

Mỗi người lại theo đuổi một con đường khác nhau, nhưng đích đến đều là một thứ: hạnh phúc. Như Aristotle đã nói: "Hạnh phúc là ý nghĩa và mục đích cuộc đời, là toàn bộ mục đích tồn tại của nhân loại".

Vậy làm thế nào để hạnh phúc? Với một câu hỏi khó như vậy, còn gì tốt hơn là đến tìm câu trả lời từ người được xem là thông minh nhất thế giới - Albert Einstein?

Công thức hạnh phúc của Einstein

Vài ngày trước khi mất, Einstein phải nhập viện, ốm yếu tới mức "đau đớn, không thể ngẩng đầu lên". Thế nhưng, vào ngày cuối của cuộc đời, Einstein đã nhờ trợ lý của mình đem kính, bút chì, giấy và viết ra một vài phép tính.

Ngay cả lúc sắp lìa xa cõi đời, Einstein vẫn tiếp tục thứ mà mình yêu thích nhất - làm việc. Ông từng nói: "Chỉ những kẻ điên khùng mới có được thứ mà chúng ta hay gọi là kết quả".

Vì vậy, khi được hỏi về bí quyết sống hạnh phúc, thay vì một câu trả lời dài và chua xót, Einstein nói rất ngắn gọn và ngọt ngào: "Nếu muốn sống một cuộc đời hạnh phúc, hãy gắn nó với một mục tiêu, không phải con người hay vật chất".

Đấy chính là công thức hạnh phúc của Albert Einstein.

Công việc - chốn trú ẩn trước giông bão cuộc đời

Người ta thường nói, những bộ óc vĩ đại thường suy nghĩ như nhau. Isaac Newton - một nhà khoa học vĩ đại khác trong lịch sử - cũng có cùng công thức hạnh phúc giống Einstein.

Năm 1665, bệnh dịch hạch bùng phát ở London (Anh). Vào thời điểm ấy, thế giới chưa từng chứng kiến đại dịch nào kinh khủng đến vậy.

Khi cả thế giới đang chìm trong tuyệt vọng, Newton đã áp dụng công thức để sống một đời hạnh phúc. Đơn giản là ông gắn cuộc đời mình vào một mục tiêu trừu tượng, không liên quan tới con người hay vật chất.

Trong vòng 18 tháng "giãn cách xã hội", Newton đã khởi đầu nhiều công trình nghiên cứu làm thay đổi khoa học nhân loại. Trong đó, câu chuyện về "trái táo rơi" - thứ đã trở thành huyền thoại được kể đi kể lại hàng trăm năm sau - cũng xảy ra trong thời gian này.

Sau này, khi được hỏi làm thế nào mà ông phát minh được định luật vạn vật hấp dẫn, Newton chỉ lặng lẽ đáp: "Bằng cách nghĩ về điều đó mọi lúc".

Nhờ tập trung vào mục tiêu trừu tượng là nghiên cứu khoa học, thay vì quá để ý tới cuộc sống - thứ mãi mãi không thể đoán trước, Newton đã tìm thấy nơi trú ẩn để tránh mọi giông bão cuộc đời.

Khi người vợ Elsa qua đời, khỏi phải nói Einstein đã tuyệt vọng tới mức nào. Đối với ông, bà không chỉ là một người bạn đời, mà còn mang dáng dấp một người mẹ.

"Bà ấy dặn Einstein đi đến đâu, ăn lúc nào", nhà viết tiểu sử Walter Isaacson cho biết. "Bà ấy sắp xếp hành lý hộ ông, chuẩn bị sẵn tiền tiêu vặt. Trước mặt người ngoài, bà luôn bảo vệ người đàn ông mà bà gọi là ‘Giáo sư của em’".

Để vơi đi nỗi đau mất vợ, Einstein lại áp dụng công thức sống một đời hạnh phúc quen thuộc. "Chừng nào còn làm việc, tôi không được và sẽ không phàn nàn, bởi công việc là thứ duy nhất đem lại nghĩa lý cho đời".

Mơ ước bằng tâm hồn + Theo đuổi bằng trí óc = Công thức để sống một đời hạnh phúc

Công thức hạnh phúc của Einstein có thể được đúc kết thành điều này:

"Hạnh phúc" giống như một siêu mẫu, được lên đồ lộng lẫy để sải bước trên sàn catwalk. Tuy nhiên, "sự hài lòng" cũng chính là siêu mẫu đó, khi cô ấy trở về nhà vào buổi tối và tẩy đi lớp trang điểm.

Hay nói theo cách khác như nhà hiền triết Socrates: "Người giàu nhất là người hài lòng với những thứ ít nhất".

Thật ra, những điều tuyệt vời nhất trên đời không chỉ miễn phí mà thậm chí còn chẳng phải là thứ hữu hình. Chưa một bàn tay nào chạm được tình yêu. Chưa một đôi mắt nào nhìn thấy yên bình. Chưa một cái mũi nào ngửi được giấc mơ. Đây chính là bản chất công thức hạnh phúc của Einstein. 

Con người chúng ta là những sinh vật duy nhất trên thế giới này có thể "mơ". Có thể mường tượng ra mục tiêu, bỏ công bỏ sức để hiện thực hóa nó bằng trí tuệ của mình. Một nhân vật trong vở kịch kinh điển "The Secret of Freedom" từng nói: "Thứ duy nhất giúp con người trở thành con người là trí tuệ. Mọi thứ khác bạn có thể tìm được ở một con lợn hay một con ngựa".

Con người chỉ biết trân trọng những thứ phải bỏ tiền ra để có. Giống như tình yêu và niềm tin - những món quà mà tạo hóa ban tặng, chúng ta xem nhẹ khả năng mơ ước về những mục tiêu xứng đáng, chưa kể đến khả năng kết nối cuộc sống với giấc mơ của mình.

Kết luận

Vì bản chất Einstein là một nhà toán học, ông đã rút gọn quá trình tìm kiếm hạnh phúc thành một phương trình. "Bạn phải hiểu luật chơi thì mới có thể chơi giỏi hơn bất kỳ ai khác", ông nói.

Trò chơi Cuộc đời đòi hỏi chúng ta - những sinh vật duy nhất được trang bị trí tưởng tượng - phải biết vận dụng nó để hình dung một mục tiêu trừu tượng, hay còn gọi là "giấc mơ".

Thậm chí, Einstein còn cho rằng "trí tưởng tượng quan trọng hơn cả kiến thức". Dù việc dành cả cuộc đời để theo đuổi giấc mơ nghe không vẻ vang cho lắm, nhưng ông tin rằng đây là con đường an toàn nhất.

Quan trọng hơn cả là con người chẳng bao giờ đoán trước được tương lai, không biết phía trước là thành công hay bi kịch. Vì vậy, khôn ngoan nhất vẫn là coi cuộc đời như một con thuyền, còn mục tiêu là mỏ neo - thứ sẽ dần dần giúp ta vững vàng trước đầu sóng ngọn gió.

Tóm lại, công thức hạnh phúc của Einstein có thể được tóm tắt như sau:

Tìm ra kỹ năng bạn giỏi nhất. Sau đó, tìm cách để tập trung thực hiện kỹ năng đó. Tiếp theo, tìm người sẵn sàng trả tiền cho bạn, để bạn tập trung làm chủ kỹ năng đó.

(Theo Medium)