Ai cũng có thể làm người tử tế

Rất nhiều câu chuyện đã cho ta thấy điều đó: Một anh chàng xe ôm công nghệ khi thấy cô sinh viên quên mang tiền, đã “lì xì” cuốc xe ôm cho cô kịp giờ học. Việc ấy rất nhỏ, thường tình và khi cô gái đưa chuyện lên mạng được nhiều người bình luận, chia sẻ tích cực.

Hay như nhiều người già cả, neo đơn tự nguyện xin ra khỏi diện “hộ nghèo” để nhường sự hỗ trợ cho người khác. Bị người đi xe máy đâm vào làm hỏng ô tô đắt tiền, anh Huỳnh Bảo Toàn ở TP Hồ Chí Minh không những không bắt đền mà còn hỗ trợ người đi xe máy tiền sửa chữa và rồi hôm sau còn tặng chiếc xe máy mới, chỉ vì “người ta nghèo khổ hơn, giúp không được sao còn bắt đền?”.

Suy nghĩ, hành động vì người khác, cho lợi ích của người khác trong khi sẵn sàng hứng chịu thiệt thòi, nguy hiểm về mình thật sự đáng quý, đáng trân trọng biết bao. Vô vàn những câu chuyện nhỏ bé như thế chúng ta vẫn chứng kiến hoặc nghe được hằng ngày. Tất cả những người làm việc tử tế đó đều là người bình thường, như chúng ta. Thậm chí, rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập ít hơn, địa vị xã hội thấp hơn chúng ta... Và, bạn hãy thử nghĩ xem: Việc tử tế gần đây nhất mà bạn đã làm? Từ bao giờ, có phải quá lâu rồi không, hay là, bạn chưa bao giờ làm?

Chỉ cần một lời nói, nụ cười, một cử chỉ ân cần, một ánh mắt trìu mến, một sự tha thứ, khoan dung với người khác, tạo cho người khác cảm giác được chia sẻ, động viên ấm áp, là chúng ta đã làm việc tử tế.

Chiết tự từ chữ Hán, “tử” là nhỏ, “tế” là những điều bình thường. Gốc của tử tế là sự tốt bụng. Để làm được những việc nhỏ bình thường đó, phải là người có cách sống bao dung, độ lượng, không chú trọng nhiều cái “tôi” của mình, tấm lòng luôn hướng đến tha nhân.

Bác Hồ dặn cán bộ: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”, và “phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy”. Chúng ta hiểu, việc dù nhỏ nhưng nếu có lợi cho dân thì làm, còn việc dù rất nhỏ mà có hại thì phải tránh, chính là nói đến phẩm chất tử tế của người cán bộ. Xét rộng ra phạm vi tập thể, xã hội khi một chính quyền, nhà nước mà có phẩm chất ấy, thì ta cũng có thể gọi là “nhà nước tử tế”, “chính quyền tử tế”! Và chắc chắn là trong xã hội, nhà nước nhân văn đó, sẽ có nhiều, rất nhiều người tử tế, làm việc tử tế hằng ngày.

Vậy nhưng, áp lực từ cuộc sống, những thất bại trong cuộc đời đôi khi làm ta cảm thấy mình bị thiệt thòi, bị đối xử bất công, khiến ta tự dựng lên bức thành lũy đầy mặc cảm trong tâm hồn-là một phản vệ bản năng-làm ta run sợ, cảnh giác và thờ ơ trước khó khăn, đau khổ của người khác. Có lúc nào đó, ta đã quay mặt đi, không làm một điều rất nhỏ mà ta biết có người rất cần điều đó, trong khi ta hoàn toàn có thể... Dần dần đến một ngày, lòng ta trơ lì, nông cạn, thậm chí không còn trắc ẩn để nhận thấy được nỗi khổ cực của người khác. Ta quên mất mình hoặc thậm chí không nghĩ rằng mình có thể làm được điều tử tế.

Thật ra, sự tử tế, lòng thiện lương tiềm ẩn trong ta, chờ ta cởi mở tấm lòng và thực hiện. Các nghiên cứu tâm lý học đã khẳng định, niềm hạnh phúc nhận được khi người ta làm việc tốt, việc thiện tạo nên cảm giác tự tin, ý thức bản ngã và nhất là mang lại sức mạnh tinh thần to lớn. Vậy là, khi ta sống tử tế với người khác, cũng chính là tử tế với cuộc đời mình.

Tác giả: TRẦN HOÀI, quen biết trong chuyến đi khám phá đỉnh núi Pa Thiên, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng trị (video về đỉnh núi https://bit.ly/3wxdmHH)


(Ảnh nhà báo Pham Tan Lam)