Các nhà khoa học đo được một vụ lở bùn đất dưới nước kéo dài hai ngày và dịch chuyển qua hơn 1.100km dưới đáy biển Đại Tây Dương.
Vụ lở đất trầm tích hay còn gọi là dòng chảy rối, xảy ra dưới nước ngoài khơi Tây Phi, làm dịch chuyển lượng cát và bùn khổng lồ. Các nhà khoa học phát hiện vụ lở đất xảy ra bởi sự kiện làm đứt hai dây cáp dữ liệu dưới biển, gây chậm đường truyền Internet giữa Nigeria và Nam Phi. Tuy nhiên, họ cũng có sẵn thiết bị để đo chuyển động của trầm tích dưới nước.
Vụ lở đất xảy ra ở vực sâu nối liền với cửa sông Congo. (Ảnh: GEBCO Grid).
Dòng chảy trầm tích diễn ra vào tháng 1/2020, theo sau là một vụ lở đất khác vào tháng 3/2020, nhưng nhóm nghiên cứu cần thời gian để kiểm tra dữ liệu. Peter Talling, giáo sư chuyên nghiên cứu nguy cơ địa chất dưới biển ở Đại học Durham, Anh, dẫn đầu nhóm chuyên gia phát hiện lở đất. "Dòng chảy ngày càng trở nên nhanh hơn. Do làm xói mòn đáy biển trên đường đi, nó cuốn theo cát và bùn, khiến dòng chảy đặc và nhanh hơn", Talling giải thích.
Trong bài báo đang chờ thẩm duyệt từ hội đồng chuyên gia, Talling và cộng sự cho biết dòng chảy rối là dòng chảy trầm tích di chuyển nhanh nhất từng đo được trên Trái đất. Giới nghiên cứu biết rất ít về những dòng chảy như vậy do thiếu dữ liệu bởi chúng rất khó dự đoán. Tuy nhiên, chúng có khả năng làm gián đoạn cáp dữ liệu dưới biển ở khu vực rộng lớn.
Cáp quang dưới đáy biển truyền gần như tất cả dữ liệu toàn cầu giữa các lục địa, giúp duy trì hoạt động của những mạng lưới quan trọng như giao dịch tài chính và Internet. Nhóm nghiên cứu chia sẻ dữ liệu mới về vụ lở đất ở biển Tây Phi sẽ cung cấp hiểu biết về dòng chảy rối gây đứt cáp, giúp kỹ sư nắm rõ nguy cơ mà chúng gây ra.
"Mục đích chung của chúng tôi là đánh giá và giảm thiểu rủi ro đối với cáp viễn thông dưới đáy biển, bao gồm điều gì thúc đẩy dòng chảy rối ở cửa sông, tần suất xảy ra trong tương lai và tác động từ biến đổi khí hậu", nhóm nghiên cứu cho biết.
Các nhà nghiên cứu chia sẻ họ cần thêm dữ liệu để xác định chính xác dòng chảy trầm tích khổng lồ xảy ra như thế nào, nhưng họ cho rằng có hai yếu tố chính. Đầu tiên là trận lụt lớn trên sông Congo làm trầm tích lắng đọng ở cửa sông hồi tháng 12/2019. Yếu tố thứ hai được gọi là "thủy triều mùa xuân lớn bất thường", xảy ra vài tuần sau đó và giải phóng trầm tích đã lắng đọng. (Nguồn VnExpress)