2025

Cùng đếm ngược đến năm mới 2025! 🎉

00

Ngày

00

Giờ

00

Phút

00

Giây

7 vùng đất bí ẩn chưa được khám phá ở nơi tận cùng thế giới

1. Đáy biển: Dẫn đầu trong danh sách là đáy biển, một trong những nơi bí ẩn và xa lạ với con người. Theo ước tính, 99% diện tích đáy biển hiện nay chưa được khám phá. Đến năm 2012, con người mới đến được điểm sâu nhất đại dương nằm ở rãnh Mariana, chậm hơn cả việc khám phá sao Hỏa.

Phần lớn những gì bạn nhìn thấy chỉ là thước phim hoặc hình ảnh của đáy biển, nơi luôn tăm tối và tồn tại nhiều động vật kỳ lạ. Sẽ còn rất lâu để con người khám phá hết đáy biển, cũng như "đặt bước chân đầu tiên" chính thức chinh phục nơi đây.


2. Sakha, Nga: Nằm ở phía đông bắc nước Nga, Sakha là vùng đất gần như biệt lập với bên ngoài bởi có rất ít du khách tới đây. Hầu hết người dân bản địa sống dọc theo sông Lena, nơi có khí hậu cực đoan bậc nhất hành tinh với nhiệt độ trung bình mùa đông là âm 46 độ C.

Cuộc sống của người dân nơi đây đều phụ thuộc vào bờ sông. Họ chăn tuần lộc, săn thú hay câu cá trên băng để duy trì cuộc sống. Chính sự xa xôi đó nên Sakha có rất nhiều kỳ quan thiên nhiên hoang sơ, chưa được khám phá. Hồ thủy tinh hay dòng sông băng tuyệt đẹp, nơi có những hóa thạch nguyên vẹn của voi ma mút cổ đại, là hai trong số những nơi kỳ bí.

3. Amazon, Brazil: Amazon là rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, rộng 5,5 triệu km2, trải dài qua nhiều nước như Brazil, Bolivia, Peru, Ecuador, Colombia, Venezuela, Guyana... Trong khi một số khu vực tại đây thu hút số đông du khách hàng năm, nhiều vùng hầu như chưa được khám phá bởi thế giới hiện đại.

Toàn bộ cộng đồng thổ dân bên trong Amazon vẫn sống tách biệt, bất chấp sự xâm lấn của con người hiện đại bằng việc phá rừng và thực hiện tour du lịch. Điều này thật kỳ diệu, nhờ đó những khu rừng nguyên sinh giữ nguyên được bản sắc vốn có. Các loài động vật cũng được tồn tại tự nhiên mà không bị loài người chi phối, ảnh hưởng.

4. Greenland: Greenland là một trong những quốc gia ít được ghé thăm nhất ở châu Âu. 100.000 du khách tới Greenland trong năm 2018, ít hơn rất nhiều so với 2 triệu du khách đến Iceland cạnh đó. Điều đó nghĩa là phần lớn cảnh quan hùng vĩ của núi non và các sông băng tuyệt đẹp tại đây sẽ không có người chiêm ngưỡng.

Dân số ở Greenland chỉ có 56.000 người, mật độ rất nhỏ so với diện tích hòn đảo. Không khí trong lành nên vào ban đêm, bạn sẽ thấy hiện tượng cực quang tỏa sáng thường xuyên. Ngoài ra, cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp ở Greenland với ánh sáng được phản chiếu trên những tảng băng cũng là một trải nghiệm đáng nhớ.

5. Hành lang Tây Bắc, Bắc Cực, Canada: Là một trong những vùng nước khó di chuyển nhất thế giới, Hành lang Tây Bắc trải dài từ Canada đến giữa Bắc Cực và cực Bắc của châu Mỹ. Do luôn có một lượng lớn băng trôi nổi ở đây nên tàu thuyền rất dễ gặp nạn. Hầu hết tàu đi trên khu vực này đều là các tàu phá băng được trang bị hiện đại.

Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều loài động vật hoang dã như cá voi, gấu trắng, hải cẩu... Năm 2007, sau một mùa hè ấm áp đến khó tin, cả khu vực gần như không còn băng, đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn tại của loài gấu trắng.

6. Vườn quốc gia Tsingy de Bemaraha, Madagascar: Mê cung núi đá độc đáo này vẫn chưa được nhiều người biết tới ngoại trừ một vài đường mòn, cây cầu, hay những điểm tham quan xung quanh. Còn lại, phần lớn công viên quốc gia ở Madagascar chưa hề có dấu chân người.

Bạn không dễ dàng tới đây bởi địa hình kỳ lạ không có đường đi của công viên. Những núi đá hùng vĩ niên đại 200 triệu năm, rừng, hồ, đầm lầy ngập mặn... tạo môi trường sống lý tưởng cho nhiều loài động vật hoang dã.

7. Sa mạc Sahara: Sahara là sa mạc lớn nhất thế giới, chiếm phần lớn diện tích ở Bắc Phi. Toàn bộ thành phố nằm ở viền ngoài sa mạc, còn khu vực sâu bên trong gần như chưa được khám phá. Đó có thể là những ngọn núi, cánh đồng muối, cồn cát, thậm chí cả dòng sông chảy trong bên trong.

Cảnh quan ấn tượng của Sahara cũng diễn ra vào ban đêm, khi hàng triệu ngôi sao tỏa sáng rực rỡ trên bầu trời. Vào một số thời điểm trong năm, bạn có thể nhìn thấy dải ngân hà tuyệt đẹp. Sahara đang ngày càng lớn hơn bởi sự thay đổi khí hậu khiến lượng mưa trong khu vực ít đi và đất sa mạc dần mở rộng.

(Theo Tri thức & Cuộc sống)