Vào khoảng 7h17 sáng 30/5/1908, những cư dân thưa thớt ở vùng Krasnoyarsk Krai tỉnh giấc nhìn thấy một cột ánh sáng xanh chói lòa như mặt trời di chuyển ngang bầu trời. Rồi họ nghe thấy một tiếng nổ kinh khủng, những cơn chấn động di chuyển ngang qua khu vực đã xé vỡ cửa kính, khiến người đi bộ ngã nhào trên mặt đất.
Vụ nổ Tunguska xảy ra được coi là mạnh nhất từng được ghi nhận trong lịch sử, với khối năng lượng được giải phóng ước tính gấp tới 185 lần quả bom nguyên tử thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản. Thậm chí, một loạt rung chấn mạnh còn được ghi nhận ở những nơi cách rất xa, như nước Anh.
Đầu thế kỷ 20, tầm hiểu biết của con người về cách tác động của các thiên thạch trong khí quyển Trái đất còn khá khiêm tốn. Vì sự hạn chế đó, cũng như số lượng dữ liệu khoa học ít ỏi về sự kiện Tunguska do chính sách giữ bí mật của Xô Viết trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, nên sự kiện này vẫn còn là một bí ẩn.
Cùng với đó, nhiều giả thuyết về giải thích sự kiện Tunguska đã được đưa ra, và cũng có độ tin cậy rất khác nhau.
Hiện vẫn chưa rõ liệu sự kiện Tunguska là do sao chổi hay tiểu hành tinh gây ra. (Ảnh mô phỏng trên máy tính). Nguồn:SPL
Cây đổ sau vụ nổ Tunguska. (Ảnh chụp từ cuộc khảo sát của Kulik năm 1927).
Trong giới khoa học, nguyên nhân hàng đầu giải thích sự kiện là vụ nổ trên không của một thiên thạch khi nó cách bề mặt Trái đất khoảng từ 6 -10km. Đây có thể là một sao chổi thiên thạch, thành phần chủ yếu gồm băng và bụi.
Bởi vậy, nó đã hoàn toàn bốc hơi sau khi va chạm vào khí quyển Trái đất và không để lại dấu vết rõ ràng nào. Giả thuyết sao chổi càng được ủng hộ thêm khi trong nhiều đêm sau vụ nổ trên toàn châu Âu đều có bầu trời đêm sáng rực, rõ ràng do bụi phân tán trên tầng cao khí quyển gây ra. Hơn nữa, phân tích những mẫu lấy từ vùng này cho thấy chúng chứa nhiều vật chất sao chổi.
Nhiều giả thuyết khác về vụ nổ, như xảy ra do một hố đen "nhỏ" đi ngang qua Trái đất, sự phản vật chất, bom H tự nhiên, nổ khí mêtan, điện từ, vật thể bay không xác định... cũng được đưa ra, nhưng chưa đủ chặt chẽ để đi tới kết luận cuối cùng.
Vụ nổ Tunguska giống như một vụ án mà những nhà điều tra có thể tưởng tượng ra nhiều kịch bản. Tất cả các kịch bản đều có vẻ có lý nhưng đều không cách nào tìm ra bằng chứng cuối cùng chứng minh. Điều này làm cho sự kiện Tunguska càng trở nên huyền bí hơn.
(Theo Dân Trí)
VŨ TRỤ