Tìm kiếm

Âm lịch

Translate

Thành phố nổi chứa 10.000 dân, chống được siêu bão và sóng thần

Liên Hiệp Quốc giới thiệu thiết kế thành phố nổi giúp giải quyết tình trạng thiếu nhà ở và chống chọi mọi loại thảm họa thiên nhiên.

Ý tưởng xây dựng thành phố nổi trên mặt nước Oceanix City được công bố hôm 3/4 tại một hội nghị bàn tròn của Liên Hiệp Quốc (UN) với sự tham gia của nhiều công ty xây dựng, kỹ sư và kiến trúc sư. Khác với những ý tưởng tương tự bị treo trong nhiều thập kỷ qua, dự án Oceanix City do kiến trúc sư Bjarke Ingels cộng tác phát triển với công ty Oceanix Inc có nhiều khả năng trở thành hiện thực.

Tháng trước, Oceanix ký thỏa thuận với Busan và UN-Habitat, cơ quan phát triển đô thị của Liên Hợp Quốc, để phát triển khu dân cư nổi đầu tiên ngoài khơi Hàn Quốc.

Maimunah Mohd Sharif, giám đốc điều hành Chương trình định cư người của UN, ủng hộ ý tưởng xây thành phố nổi. "Một thành phố hưng thịnh có mối quan hệ cộng sinh với biển. Trong khi khí hậu và hệ sinh thái biển đang thay đổi, cách các thành phố gắn bó với biển cũng cần thay đổi theo", Sharif nhấn mạnh.

Người dân sống ở Oceanix City sẽ tự cung tự cấp.

Oceanix City được xây dưới dạng một loạt sàn hình lục giác, có thể cung cấp nơi ở cho khoảng 10.000 người. Xe hơi hoặc xe tải không được phép chạy trên đảo, dù các nhà thiết kế có chừa không gian cho phương tiện không người lái. Giao nhận hàng hóa qua máy bay không người lái có thể trở thành lựa chọn trong tương lai.

Vùng ven biển phía nam Hàn Quốc, nơi Busan tọa lạc, đặc biệt dễ chịu tác động từ mực nước biển gia tăng. Tổ chức Hòa bình xanh Hàn Quốc năm ngoái thông báo bãi biển Haeundae nổi tiếng của thành phố có thể biến mất vào năm 2030. Một nghiên cứu trên tạp chí Sustainability phát hiện thành phố trải qua thiệt hại do ngập lụt nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác ở Hàn Quốc từ năm 2010 đến 2020.

Người dân sống ở Oceanix City sẽ tự cung tự cấp. Mỗi hình lục giác có thể chứa 300 cư dân, đóng vai trò như một ngôi làng. Thành phố sẽ tự sản xuất điện, nước sạch và nhiệt sưởi ấm, đồng thời phát triển trang trại biển, sử dụng các lồng bên dưới sàn giúp thu hoạch sò, tảo biển và nhiều loại hải sản khác. Chất thải từ cá sẽ được sử dụng làm phân bón cây trồng và các loại rau mọc quanh năm sẽ được trông trong trang trại thẳng đứng. Mọi tòa nhà sẽ cao 4 - 7 tầng để duy trì trọng tâm thấp cho hòn đảo.

Khả năng chống chịu thiên tai là yếu tố chủ chốt trong thiết kế của hòn đảo. Ngoài duy trì trọng tâm thấp, một vật liệu tự vá lành siêu bền có tên Biorock sẽ bao phủ các sàn, giúp hòn đảo trở nên kiên cố trước bão cấp 5. Do Oceanix City luôn được neo cách bờ biển của một thành phố lớn 1,6km, dịch vụ cứu hộ có thể đến ngay. Trong trường hợp thời tiết quá xấu, toàn bộ thành phố có thể được kéo an toàn ra khỏi đường đi của cơn bão. Nhờ khả năng nổi trên mặt nước, Oceanix City cũng có lợi thế trong việc đối phó với mực nước biển gia tăng.

Để xử lý rác, mọi thứ ở Oceanix City được thiết kế để có thể sửa chữa và tái sử dụng. Rác do cư dân xả ra sẽ được đóng kín trong túi tái sử dụng và vận chuyển qua ống khí lực tới trung tâm phân loại.

Kế hoạch do BIG đề xuất cũng bao gồm sản xuất nước ngọt thông qua nhà máy xử lý tại chỗ cùng hệ thống thu thập và lưu trữ nước mưa. Các kiến trúc sư cũng đưa vào sử dụng hệ thống xe điện từ taxi cánh ngầm tới phà năng lượng mặt trời nối khu dân cư với những khu vực khác trong thành phố và đất liền. Itai Madamombe, nhà đồng sáng lập Oceanix, cho biết khu dân cư nguyên mẫu đầu tiên của Oceanix ở Busan sẽ hoàn thiện và đón người ở vào năm 2025. Hiện nay, dự án đang trong quá trình thảo luận với 10 cơ quan chính phủ về việc triển khai công nghệ ở Busan.

-Theo Khoahoc TV