Nồng độ axit trong đại dương cao kỷ lục trong 26.000 năm

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) hôm 18/5 báo cáo nhiệt độ và nồng độ axit trong đại dương đã đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái, Reuters đưa tin.

Trong báo cáo thường niên về khí hậu toàn cầu, WMO cho biết băng tan đã khiến nước biển dâng cao kỷ lục vào năm ngoái. “Khí hậu đang thay đổi trước mắt chúng ta”, Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cho biết trong một tuyên bố.

Ngoài ra, báo cáo của WMO cho biết mức độ carbon dioxide và metan trong khí quyển vào năm 2021 đã vượt qua các kỷ lục trước đó.

Báo cáo của WMO cho biết các đại dương đã trở nên nóng hơn và có nồng độ axit cao hơn. Ảnh: AFP.

Báo cáo của WMO cho biết các đại dương đã trở nên nóng hơn và có nồng độ axit cao hơn. Ảnh: AFP.

Báo cáo được đưa ra sau đánh giá khí hậu mới nhất của Liên Hợp Quốc, trong đó cảnh báo rằng nhân loại phải cắt giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nếu không sẽ phải đối mặt với những thay đổi ngày càng nghiêm trọng đối với khí hậu toàn cầu.

Đại dương đã ấm lên nhanh hơn rõ rệt trong 20 năm qua, đạt mức kỷ lục vào năm 2021 và dự kiến còn trở nên ấm hơn, báo cáo cho biết. Có thể mất tới hàng thế kỷ hoặc hàng thiên niên kỷ để đảo ngược sự thay đổi đó, báo cáo cho biết thêm.

Đại dương cũng có nồng độ axit cao nhất trong ít nhất 26.000 năm vì nó hấp thụ và phản ứng với nhiều carbon dioxide hơn trong khí quyển.

Ngoài ra, mực nước biển đã tăng 4,5 cm trong thập kỷ qua. Trên toàn cầu, nhiệt độ trung bình năm ngoái cao hơn 1,11 độ C so với mức nhiệt trung bình ở thời kỳ tiền công nghiệp. Theo ông Taalas, việc ghi nhận một năm nóng kỷ lục nữa chỉ còn là vấn đề thời gian.

Phát biểu trước báo giới, ông Taalas nhận định những thách thức về khí hậu ít được đề cập trên mặt báo, khi các cuộc khủng hoảng khác như đại dịch Covid-19 hay “chiến dịch quân sự” của Nga tại Ukraine thu hút nhiều sự chú ý.

Selwin Hart, cố vấn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, cũng lên tiếng chỉ trích các quốc gia không tuân theo cam kết về khí hậu do xung đột tại Ukraine. Theo ông, điều đó đã đẩy giá năng lượng lên cao và khiến các quốc gia châu Âu tìm cách thay thế năng lượng Nga.