Pháo lựu xe kéo M777 loại mới nhất có trong biên chế của Lục quân và Hải quân đánh bộ Mỹ, do tập đoàn công nghiệp BAE Systems' Global Combat Systems (Anh) sản xuất theo đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng Mỹ, với chi phí trung bình là 39.500 USD / chiếc.
M777 được chế tạo theo thiết kế của pháo lựu M198, tuy nhiên so với pháo lựu M198, M777 có kích thước và trọng lượng nhỏ hơn (khoảng 42%) do nhiều bộ phận được chế tạo từ hợp kim titan; kíp pháo thủ còn 7 người, so với 9 người của pháo lựu M198.
Pháo có khối lượng 4,2 tấn; chiều dài khi hành quân là 9,5m và khi tác chiến là 10,7m, trong đó chiều dài nòng là 5,08m. Khả năng nâng góc nòng của M777 nằm trong khoảng từ 0-71,7 độ, và kíp chiến đấu sẽ cần 7-8 binh sĩ. Tốc độ bắn của M777 nằm trong khoảng 2-7 phát/phút.
M777 được lắp hệ thống điều khiển hỏa lực kỹ thuật số để dẫn hướng, chỉ điểm và tự định vị mục tiêu. Nhờ vậy, khả năng bắn chính xác và phản ứng từ kíp chiến đấu pháo M777 sẽ được nâng cao hơn.
Để nâng cao khả năng tác chiến cho M777, các chuyên gia thuộc tập đoàn BAE Systems đã thiết kế nòng pháo của M777 để có thể sử dụng được nhiều loại đạn tấn công các loại mục tiêu khác nhau. Với đạn M982 Excalibur được dẫn đường bằng Hệ thống định vị toàn cầu (GPS), tầm bắn của M777 sẽ đạt mức 40km, với sai số vòng tròn (CEP) là 5m.
M777 có thể được vận chuyển bằng trực thăng CH-47 Chinook, hoặc máy bay cánh quạt lật MV-22 Osprey, hoặc xe tải kéo. Mặc dù là pháo lựu xe kéo, nhưng hệ thống điều khiển hỏa lực của M777 rất hiện đại, tương tự như hệ thống điều khiển hỏa lực của pháo lựu tự hành M109A6 Paladin. M777 đã phát huy hiệu quả trong các chiến dịch truy quét lực lượng khủng bố ở Iraq và Apganixtan trong thời gian qua.
Một số tính năng kỹ - chiến thuật chính: Kíp pháo thủ 7 người; trọng lượng: 4.200kg; cỡ nòng: 155mm; tốc độ bắn: 2 phát/phút (thông thường); 5 phát/phút (bắn gấp). Sử dụng các loại đạn: nổ phá mảnh, tăng tầm, đạn có điều khiển.
Hiện có trong quân đội Mỹ, Australia, Canada, Ấn Độ, Arab Saudi. Mỹ đã cung cấp cho Ukraine 126 lựu pháo M777.