Bão Mặt Trời cấp G4 tấn công Trái Đất hôm 24/3, ngoài dự đoán của các chuyên gia dự báo thời tiết không gian.
Nhiếp ảnh gia Dakota Snider chụp cực quang từ cửa sổ máy bay hôm 24/3. Ảnh: Dakota Snider
Cơn bão địa từ đạt cấp G4 trên thang đo 5 cấp mà Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) sử dụng để đánh giá mức độ nghiêm trọng của các sự kiện thời tiết không gian. Sức mạnh ngoài dự đoán của cơn bão không chỉ khiến cực quang xuất hiện xa về phía nam như ở New Mexico, Mỹ, mà còn buộc công ty hàng không vũ trụ Rocket Lab phải hoãn một vụ phóng tên lửa trong 90 phút. Cuối cùng, tên lửa đã phóng thành công lúc 16h15 hôm 24/3 (giờ Hà Nội), mang theo 2 vệ tinh quan sát Trái Đất lên không gian.
Bão địa từ khiến từ trường Trái Đất xáo trộn do vật chất Mặt Trời phóng ra từ hiện tượng phun trào nhật hoa (CME) - sự phun trào plasma và từ trường từ lớp khí quyển trên cao hay vành nhật hoa của Mặt Trời. Cơn bão địa từ hôm 24/3 được kích hoạt bởi một "CME ẩn" rất khó phát hiện.
Ban đầu, Dịch vụ Thời tiết Không gian Quốc gia của NOAA thông báo về việc theo dõi bão địa từ vào ngày 22/3, dự đoán bão ở cấp trung bình G2 có thể diễn ra ngày 24/3. Như vậy, các nhà dự báo không mất cảnh giác hoàn toàn, nhưng họ không nghĩ cơn bão lên tới cấp G4.
"Những cơn bão gần như vô hình này phóng chậm hơn nhiều so với các CME phun trào và rất khó quan sát quá trình chúng thoát khỏi bề mặt Mặt Trời nếu không được đào tạo chuyên sâu. CME ẩn cũng có thể bị che lấp bởi những cấu trúc khác đặc hơn từ Mặt Trời, khiến chúng trở nên khó quan sát", Tamitha Skov, nhà dự báo thời tiết không gian Mỹ, giải thích.
Bão địa từ cấp G1 có thể làm tăng hoạt động cực quang quanh các cực Trái Đất và gây ra dao động nhỏ cho các nguồn cung cấp điện. Trong khi đó bão cấp G5 mạnh nhất, ví dụ trong Sự kiện Carrington, một cơn bão Mặt Trời dữ dội xảy ra vào tháng 9/1859 đã làm gián đoạn dịch vụ điện báo trên toàn thế giới, đồng thời gây ra cực quang sáng và mạnh đến mức có thể nhìn thấy ở nơi rất xa về phía nam như Bahamas.
Bão địa từ mạnh có thể gây rắc rối cho các chuyến bay vũ trụ do làm tăng mật độ khí trong tầng khí quyển trên cao của Trái Đất, dẫn đến làm tăng lực cản với vệ tinh và tàu vũ trụ. Tháng 2/2022, SpaceX mất tới 40 vệ tinh Starlink hoàn toàn mới vì không thể lên tới quỹ đạo do chịu ảnh hưởng của một cơn bão địa từ.
Một tác động khác của bão địa từ mạnh là những màn trình diễn cực quang ngoạn mục. Khi các hạt năng lượng từ Mặt Trời lao vào khí quyển Trái Đất với tốc độ lên tới 72 triệu km/h, từ trường của hành tinh xanh sẽ đẩy hạt về phía các cực. Sau đó, các phân tử trong khí quyển hoạt động mạnh hơn, kích hoạt những màn trình diễn cực quang đầy màu sắc. Cực quang thường chỉ giới hạn ở các khu vực vĩ độ cao. Tuy nhiên, hôm 24/3, những người quan sát bầu trời được chiêm ngưỡng cực quang rực rỡ vươn xa hơn phía nam, đến tận Colorado và New Mexico.
(Theo Space)
2025
Cùng đếm ngược đến năm mới 2025! 🎉
00
Ngày
00
Giờ
00
Phút
00
Giây