Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva vừa có những đánh giá về tình hình tài chính toàn cầu. Trong phát biểu hôm nay, bà cho rằng rủi ro đối với sự ổn định tài chính đã tăng lên và kêu gọi các quốc gia tiếp tục cảnh giác mặc dù hành động của các nền kinh tế lớn đã làm dịu bớt phần nào căng thẳng.
Nhắc lại quan điểm trước đó, Giám đốc IMF cho rằng năm 2023 sẽ là một năm đầy thách thức, với tốc độ tăng trưởng toàn cầu chậm lại dưới 3% do hậu quả của đại dịch, căng thẳng tại Ukraine và chính sách thắt chặt tiền tệ.
Ngay cả khi có triển vọng tốt hơn cho năm sau, tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ ở dưới mức trung bình lịch sử là 3,8% và triển vọng chung vẫn yếu. IMF đã dự đoán mức tăng trưởng toàn cầu năm nay là 2,9%.
Georgieva cho biết các nhà hoạch định chính sách ở các nền kinh tế phát triển đã phản ứng dứt khoát với rủi ro ổn định tài chính sau sự sụp đổ của một loạt ngân hàng, nhưng ngay cả như vậy, các nước cũng cần cảnh giác.
"Chúng tôi tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến và đang đánh giá những tác động tiềm ẩn đối với triển vọng kinh tế toàn cầu và sự ổn định tài chính toàn cầu", Giám đốc IMF nói và cho biết cơ quan này đang rất chú ý đến các quốc gia dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là các nước có thu nhập thấp với mức nợ cao.
Người đứng đầu IMF cũng cảnh báo sự phân mảnh kinh tế theo khu vực có thể chia thế giới thành các khối cạnh tranh nhau, "dẫn đến sự chia rẽ nguy hiểm khiến mọi người trở nên nghèo hơn và kém an toàn hơn".
Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva. Ảnh: Bloomberg
Sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc, với mức tăng trưởng GDP dự kiến là 5,2% năm nay, mang lại một số hy vọng cho nền kinh tế thế giới. IMF ước tính rằng cứ mỗi 1 điểm phần trăm tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ dẫn đến tăng trưởng 0,3 điểm phần trăm ở các nền kinh tế châu Á khác.
Bà kêu gọi các nhà hoạch định chính sách ở Trung Quốc làm việc để nâng cao năng suất và tái cân bằng nền kinh tế khỏi đầu tư và hướng tới tăng trưởng dựa trên tiêu dùng bền vững hơn, bao gồm cải cách theo định hướng thị trường để tạo sân chơi bình đẳng giữa khu vực tư nhân và doanh nghiệp nhà nước.
Những cải cách này, theo Giám đốc IMF có thể giúp tăng trưởng GDP của Trung Quốc tăng thêm 2,5% năm 2027 và khoảng 18% năm 2037.
Việc tái cân bằng nền kinh tế cũng sẽ giúp Bắc Kinh đạt được các mục tiêu về khí hậu, vì chuyển sang tăng trưởng dựa trên tiêu dùng sẽ làm giảm nhu cầu năng lượng, giảm khí thải và giảm bớt áp lực an ninh năng lượng.
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu cuối tháng 1, IMF dự báo GDP thế giới tăng 2,9% năm 2023. Tốc độ này cao hơn 0,2% so với báo cáo hồi tháng 10.
Triển vọng toàn cầu tích cực hơn, nhờ sự cải thiện nội bộ của một số nền kinh tế, như Mỹ. "Tăng trưởng kinh tế lạc quan hơn một cách đáng ngạc nhiên trong quý III năm ngoái, với thị trường lao động mạnh, tiêu dùng hộ gia đình và môi trường kinh doanh tốt. Thế giới cũng thích nghi tốt hơn dự báo với cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu", Pierre-Olivier Gourinchas – Giám đốc Nghiên cứu tại IMF cho biết.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đã mở cửa trở lại sau vài năm áp dụng chính sách chống dịch ngặt nghèo. Việc này được kỳ vọng kéo tăng trưởng toàn cầu lên cao.
Dù vậy, tốc độ 2,9% vẫn thấp hơn so với 3,4% năm ngoái. IMF cũng điều chỉnh giảm dự báo cho năm 2024 về 3,1%.
(Theo CNBC)
KINH TẾ