Bản đồ được công bố trên Tạp chí Khoa học Hành tinh hôm 15/3 mang đến cái nhìn sâu sắc về chuyển động của nước trên bề mặt Mặt trăng và cung cấp dữ liệu quan trọng cho các sứ mệnh Artemis sắp tới của NASA.
Bản đồ mới bao phủ khoảng 1/4 phần bề mặt Mặt trăng hướng về Trái đất dưới vĩ độ 60, bao gồm cả cực nam của thiên thể. Với dữ liệu này, các nhà khoa học có thể dễ dàng xác định nước liên quan như thế nào đến các đặc điểm bề mặt trên Mặt trăng, tránh xa ánh sáng Mặt Trời và ưu tiên các khu vực lạnh giá.
"Khi nhìn vào dữ liệu về nước, chúng ta thực sự có thể nhìn thấy vành của các miệng hố va chạm, từng ngọn núi riêng lẻ và thậm chí là sự khác biệt giữa ngày và đêm của các ngọn núi, nhờ nồng độ nước cao hơn ở những nơi này", tác giả chính của nghiên cứu Bill Reach, Giám đốc Trung tâm Khoa học SOFIA tại Trung tâm Nghiên cứu Ames của NASA, cho biết tại Hội nghị Khoa học Hành tinh và Mặt trăng năm 2023.
Bản đồ mới bao phủ khoảng 1/4 phần bề mặt Mặt trăng hướng về Trái đất dưới vĩ độ 60.
Kính viễn vọng SOFIA của NASA, còn được gọi là Đài quan sát Thiên văn Hồng ngoại Tầng bình lưu, đã ngừng hoạt động vào cuối năm 2022, chủ yếu là do vấn đề ngân sách. Thiết bị được gắn trên một chiếc Boeing 747 để bay đến độ cao 12.800 m. Điều này giúp nó tránh 99,9% hơi nước trên Trái đất, thứ chặn phần lớn ánh sáng hồng ngoại mà đài quan sát thu được.
Vào cuối năm 2024, NASA có kế hoạch hạ cánh xe tự hành khám phá vùng cực VIPER xuống một khu vực trên đỉnh Mons Mouton do SOFIA nghiên cứu để thực hiện sứ mệnh lập bản đồ tài nguyên đầu tiên bên ngoài Trái đất. Kết quả thu được sẽ mở đường cho Artemis III và các sứ mệnh có phi hành đoàn tiếp theo lên bề mặt Mặt trăng.
Cuối cùng, NASA đặt mục tiêu thiết lập một thuộc địa lâu dài trên Mặt trăng để tạo bước đệm cho tham vọng chinh phục sao Hỏa của con người. Bản đồ SOFIA mới sẽ giúp các nhà khoa học xác định những khu vực phù hợp để dựng căn cứ, nơi có thể chuyển đổi nước thành oxy để thở và vận hành động cơ đẩy tên lửa.
Theo VnExpress