Tìm kiếm

Âm lịch

Translate

'48% doanh nghiệp Việt mua phần mềm rồi vứt đi'

(VNF) - Theo kết quả nghiên cứu của Ban Chuyển đổi số Quốc gia, có tới 48% doanh nghiệp Việt Nam mua phần mềm xong 2 năm sau thì "vứt đi" do liên quan vận hành hệ thống.

Tọa đàm công nghệ tiên phong - vận hành tối ưu.

Thông tin này được TS. Đỗ Đình Long, Chủ tịch Hội đồng Chuyên gia Công ty ODClick chia sẻ tại buổi tọa đàm "Công nghệ tiên phong - Vận hành tối ưu" và chương trình tặng giải pháp văn phòng số cho 10.000 doanh nghiệp, được tổ chức ngày 11/5.

Theo ông Long, con số nêu trên có thể còn lớn hơn nữa và thậm chí có thể hơn 50% vì không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng thừa nhận việc từ bỏ phần mềm công nghệ đã mua.

Lãnh đạo ODClick cho rằng công nghệ không phù hợp với hệ thống sẽ khiến chi phí vận hành của doanh nghiệp cao hơn mà không hiệu quả. Chia sẻ ví dụ thực tế, ông Long cho biết từng chứng kiến một doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại từ nước ngoài nhưng cũng "đắp chiếu" vì mỗi lần vận hành lỗi phải nhờ chuyên gia nước ngoài sang, vừa tốn thời gian, vừa tăng chi phí.

"Công nghệ không theo kịp con người thì cũng bỏ, còn nếu con người không theo kịp công nghệ thì chi phí cao. Do vậy, để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp nên lựa chọn những công nghệ tương thích với trình độ nhân sự. Bản chất của chuyển đổi số là sự chuyển đổi về văn hóa doanh nghiệp, tái cơ cấu từ nhân viên đến hệ thống để thích ứng về công nghệ", ông Long nhấn mạnh.

Cũng chia sẻ tại tọa đàm, ông An Ngọc Thao, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) thì cho biết cụm từ “chuyển đổi số” đã được nhắc đến khá nhiều trong thời gian gần đây. Từ năm 2022 VINASA cũng đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai chương trình Chuyển đổi số quốc gia.

Thống kê của VINASA cho thấy có tới hơn 40% doanh nghiệp Việt Nam mong muốn sử dụng ngay nền tảng công nghệ vận hành doanh nghiệp cụ thể. Do đó, ông An cho rằng cần có nhiều doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, làm khuôn mẫu để từ đó nhân rộng ra trở thành nền kinh tế số, là động lực phát triển kinh tế.

Đại điện VINASA cho biết đã xây dựng khung hướng dẫn về chuyển đổi số cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sản xuất với 3 cấp độ. Cụ thể, cấp độ đầu tiên là “sẵn sàng”, là việc áp dụng các ứng dụng về văn phòng số, giúp tối ưu hóa nguồn lực và quy trình vận hành.

Cấp độ thứ hai là “tăng trưởng” - tức là áp dụng các giải pháp để tự động hóa toàn bộ quy trình vận hành, bán hàng, giao dịch, từ đó tiếp cận khách hàng nhiều hơn.

Cấp độ cao nhất là “đột phá”, tức thu thập dữ liệu từ 2 cấp độ trước để có dữ liệu lớn, phát triển các giải pháp thông minh, giúp doanh nghiệp đưa ra mô hình, trải nghiệm mới dành cho khách hàng.

Tại tọa đàm, Tổng giám đốc MISA Đinh Thị Thúy thì nhận định rằng trong giai đoạn nền kinh tế ngày càng khó khăn các doanh nghiệp buộc phải thắt chặt chi tiêu, tối ưu chi phí,và gia tăng năng suất của đội ngũ. Chính vì vậy, bà Thúy cho rằng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh là giải pháp cốt lõi mà doanh nghiệp cần hướng tới.

(Theo VNF)