Tìm kiếm

Âm lịch

Translate

Malaysia - mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu

Đầu tư toàn cầu tăng mạnh nhằm thiết lập các cơ sở sản xuất chip mới bên ngoài Trung Quốc khi các công ty tìm cách giảm rủi ro và tận dụng cơ hội mới khi Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh ở lĩnh vực này.
Intel, nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới thông báo đầu tư 6,8 tỷ USD trong 10 năm để mở rộng hoạt động thử nghiệm và đóng gói chip ở Malaysia. Ảnh minh họa: Reuters

Việc leo thang tình trạng “ăn miếng trả miếng” giữa các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã gây ra gián đoạn đối với thương mại toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn.

Nhu cầu bán dẫn tăng vọt khi thế giới ngày càng phụ thuộc vào chip công nghệ cao để cung cấp năng lượng cho mọi thứ từ thương mại điện tử đến công nghệ xanh.

Các công ty hiện được đòi hỏi tuân thủ nghiêm ngặt quy định do Mỹ đưa ra theo Đạo luật Chips và Khoa học của nước này, vốn cấm phát triển và thiết lập các nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại Trung Quốc và tại các nước có thể gây rủi ro an ninh cho Mỹ.

Vấn đề xoay quanh cáo buộc của Mỹ rằng Trung Quốc đã sử dụng công nghệ thông tin liên lạc do các công ty Trung Quốc phát triển để tham gia hoạt động gián điệp và thu thập dữ liệu hàng loạt, một cáo buộc mà Trung Quốc đã bác bỏ.


Trong bối cảnh đó, các công ty, bao gồm cả các công ty Trung Quốc đang chuẩn bị mở rộng hoạt động ra bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc để đảm bảo rằng họ có thể đáp ứng những quy định của Mỹ.

Có thể cho rằng khu vực hưởng lợi tiềm năng lớn nhất từ sự thay đổi này sẽ là Đông Nam Á, do vị trí gần Trung Quốc và vị trí chiến lược của khu vực này ở trung tâm của Biển Đông, nơi có khoảng 3.000 tỷ USD giá trị thương mại bằng tàu biển đi qua hàng năm.

Malaysia là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu, đã xây dựng hệ sinh thái và ngành công nghiệp bán dẫn địa phương trong hơn 50 năm qua để cung cấp khoảng 13% nhu cầu về đóng gói và thử nghiệm.

Quốc gia Đông Nam Á này cũng đã thu hút đầu tư đáng kể trong những năm gần đây. Intel, nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới và là một trong những công ty tiên phong trong ngành công nghiệp bán dẫn của Malaysia, đã thông báo kế hoạch đầu tư khoảng 30 tỷ ringgit (6,8 tỷ USD) trong 10 năm để mở rộng hoạt động thử nghiệm và đóng gói chip.

Một thỏa thuận riêng biệt trị giá 2 tỷ ringgit đã được công bố vào năm ngoái bởi TF AMD Microelectronics - một đối tác địa phương của nhà sản xuất chip đối thủ của Intel là AMD - để xây dựng một cơ sở sản xuất mới.


Tuy nhiên, một số người cho rằng Malaysia có thể không giành được thị phần lớn như mong muốn, đặc biệt là với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Việt Nam.
Ernest Bower, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của công ty tư vấn rủi ro chính trị BowerGroupAsia (BGA), cho biết Malaysia cần nhân đôi lợi thế của mình, thực sự chủ động và đổi mới.

Wong Siew Hai, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Malaysia (MSIA), cho biết, bên cạnh khoản đầu tư của Intel và TF-AMD, các công ty khác đang tăng cường cơ sở đóng gói và thử nghiệm để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng khi nhiều nhà máy chế tạo tấm bán dẫn được thành lập trên toàn cầu.


Theo ông Wong, việc mở rộng năng lực đóng gói và thử nghiệm của Malaysia là “điều chắc chắn” nếu nước này muốn duy trì thị phần trên toàn cầu.
Ông Wong Siew Hai cho biết, giá trị xuất khẩu của ngành công nghiệp bán dẫn địa phương sẽ tăng lên khoảng 1.200 tỷ ringgit vào năm 2030, gấp đôi mức gần 600 tỷ ringgit đạt được vào năm 2022 và phù hợp với kỳ vọng rằng tổng giá trị xuất khẩu toàn cầu sẽ đạt 550 tỷ USD trong 7 năm tới.

Theo dữ liệu của chính phủ, Malaysia đã thu hút được khoảng 121 tỷ ringgit từ các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2021 và 2022.


Arvind Jayaratnam, nhà phân tích của ngân hàng Maybank, cho biết lĩnh vực bán dẫn chiếm một phần đáng kể trong các khoản đầu tư trong 2 năm qua và chiếm 81% tổng vốn FDI trong lĩnh vực sản xuất được phê duyệt vào năm 2021, vượt xa mức trung bình hàng năm trong lịch sử là 38%.

Điều này xảy ra bất chấp giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19 vào năm 2021-2022 và sự bất ổn chính trị cũng như sự không chắc chắn về chính sách đã cản trở môi trường đầu tư địa phương.


Trên cơ sở này, Malaysia đã làm tốt hơn mong đợi. Hiệu quả đầu tư của lĩnh vực bán dẫn trong 2 năm qua cho thấy quốc gia này vẫn có vai trò trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu và là một người hưởng lợi tích cực từ các khoản đầu tư cho an ninh chuỗi cung ứng trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung.

Tuy nhiên, ông Wong của MSIA cho rằng việc thu hẹp trọng tâm của Malaysia vào việc chỉ đóng gói và thử nghiệm sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội tốt.

Ông Wong cho biết việc các công ty lớn đang tìm kiếm các địa điểm thích hợp trên khắp thế giới để thiết lập các nhà máy chế tạo chất bán dẫn mới đồng nghĩa với việc Malaysia cuối cùng đã có cơ hội đặt chân vào “các giải đấu lớn”.

Malaysia nên đặt mục tiêu thu hút ít nhất một công ty thành lập nhà máy chế tạo tấm wafer bán dẫn (FAB) hạng trung, mà ông ước tính sẽ tiêu tốn 4-8 tỷ USD, vì quốc gia này không có đủ kinh nghiệm hoặc chuyên môn để chào hàng cao cấp. Với FAB, Malaysia có thể hoàn thiện chuỗi cung ứng của mình.
Tuy nhiên, chuyên gia Arvind của Maybank cho rằng sẽ không công bằng khi so sánh dòng vốn FDI giữa Malaysia và các nước láng giềng Đông Nam Á. Các quốc gia như Indonesia, Philippines và Thái Lan có lợi thế dân số và thị trường nội địa lớn hơn, mức lương cạnh tranh và khả năng tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào.

Ông nói: “Xét theo tỷ lệ phần trăm GDP, Malaysia cũng xếp hạng cao hơn cả Thái Lan và Indonesia và chỉ kém Singapore trong khu vực, vì vậy giá trị danh nghĩa của dòng vốn FDI có thể bị hiểu nhầm”.
Để thu hút những nhà đầu tư đó, chính phủ sẽ cần giải quyết một số vấn đề như rút ngắn quy trình xin thị thực cho người nước ngoài và khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân tài địa phương.

Đồng thời, ông Wong cho biết Malaysia sẽ cần cân bằng các cam kết với Mỹ và Trung Quốc - cả hai đều là đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu - đặc biệt nếu căng thẳng giữa hai siêu cường dẫn đến sự tách rời chuỗi cung ứng.
Malaysia cũng cần có định hướng chính sách rõ ràng để chính phủ và ngành công nghiệp liên kết ở tất cả các cấp và đảm bảo có sẵn cơ sở hạ tầng cần thiết để hỗ trợ các khoản đầu tư mới, theo ông Bower của BGA cho biết.

Ý tưởng chuyển sang FAB cấp trung - vốn không nằm trong quy định xuất khẩu của Mỹ - có thể là một ý tưởng hay trong dài hạn. Nhưng chính phủ cần xem xét những yếu tố như nhân tài, chi phí điện, nước thải, khí đốt công nghiệp trong một chiến lược quốc gia./.

Nguồn: TTXVN