Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông rộng 42.000 ha, nằm về phía tây tỉnh Quảng Trị.
Tại khu vực rừng ở xã Húc Nghì có một con đường bằng đá lát được xây dựng và sử dụng trong thời chiến tranh. Con đường hiện được kiểm lâm, bảo vệ rừng dùng để đi tuần tra. Tuyến đường có độ dốc vừa phải, chạy giữa nguyên sinh rậm rạp và rộn tiếng chim hót.
Nổi bật trong Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông là thác Đỗ Quyên ở xã Húc Nghì. Thác nước còn hoang sơ, chưa đưa vào khai thác du lịch. Từ Trạm bảo vệ rừng La Tó (xã Húc Nghì), nằm gần đường Hồ Chí Minh, du khách đi bộ khoảng 5 tiếng theo con đường lát đá dưới tán rừng mới đến được thác nước này.
Thác nằm ở độ cao khoảng 750 m so với mực nước biển, cao khoảng 30 m, tung bọt trắng xóa quanh năm. Phía chân thác là hồ nước hình tròn, rộng và bằng phẳng.
20 năm trước, kiểm lâm Quảng Trị phát hiện ra thác nước này, quanh thác có rất nhiều đỗ quyên nở hoa nên đặt tên thác theo loài hoa. Hiện hoa không còn do bị người dân khai thác.
Trên đỉnh thác là con suối nhỏ, trong vắt, lòng suối nhiều đá cuội. Đây là địa điểm thích hợp để cắm trại, nghỉ qua đêm.
Lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng thường xuyên tuần rừng để ngăn chặn các vụ xâm hại rừng, giữ gìn sự đa dạng sinh học của Khu bảo tồn.
Một con thác nhỏ nhuốm rêu phong giữa lòng khu bảo tồn.
Dọc theo khe Tà Lao, A Lao, Bắp... có nhiều thác nước tương tự, có tiềm năng du lịch sinh thái, trải nghiệm.
Khu bảo tồn có nhiều con suối trong xanh, là nơi sinh sống của loài cá mát đặc trưng. Cá mát chỉ sống ở khu vực đầu nguồn, nước sạch.
Ở lại đêm, du khách được trải nghiệm một số món ăn được nấu từ các loài cây, lá rừng như lá đắng, lá me, gia vị từ ớt, gừng và sa nhân rừng.
Buổi tối, mọi người có thể cắm trại hoặc mắc võng ngủ bên bờ suối.
Thực vật đặc trưng của khu bảo tồn như dương xỉ thân gỗ, gù hương, các loài lan.
Một con sâu chiếu kích thước lớn giữa thảm lá mục.
Ngoài tuyến đường đá lát cũ ở trên, khu bảo tồn còn có một số hang động, một số tuyến đường mòn, đường thủy để khám phá thiên nhiên.
Con suối cạn giữa khu bảo tồn.
Ông Trương Quang Trung, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông đánh giá khu vực này có nhiều tiềm năng du lịch sinh thái, nhưng hiện chưa đưa vào khai thác đại trà. "Trong phương án khai thác du lịch đến 2025, chúng tôi đưa thác Đỗ Quyên vào định hướng phát triển du lịch. Hiện khu bảo tồn đang lập đề án, kêu gọi các doanh nghiệp hợp tác", ông Trung cho hay.
Với các nhóm nhỏ vào nghiên cứu, tìm hiểu tiềm năng du lịch, Khu bảo tồn vẫn tạo điều kiện, hướng dẫn.
(Hoàng Táo -VnE)