Tìm kiếm

Âm lịch

Translate

Hà Lan hạn chế bán thiết bị sản xuất bán dẫn tiên tiến

Chính phủ Hà Lan yêu cầu các công ty bán dẫn, như ASML, phải nộp đơn xin phép nếu muốn bán thiết bị sản xuất chip cho nước ngoài.

Quy định mới được chính phủ Hà Lan công bố hôm 30/6 và dự kiến có hiệu lực từ tháng 9. Động thái được đưa ra vài tháng sau khi Hà Lan và Mỹ, Nhật Bản đạt thỏa thuận về kiểm soát xuất khẩu công nghệ bán dẫn.

"Biện pháp được thực hiện dựa trên cơ sở an ninh quốc gia, giải quyết những điểm yếu quan trọng mà không gây gián đoạn ngoài ý muốn với ngành sản xuất chip toàn cầu", Bộ trưởng Thương mại Hà Lan Liesje Schreinemacher cho hay.

Quy định của Hà Lan tập trung vào những công nghệ được dùng trong quá trình nghiên cứu và sản xuất bán dẫn tiên tiến, có thể ứng dụng cho lĩnh vực quân sự. Giới chức nước này khẳng định biện pháp không nhằm đối phó Trung Quốc.

Trong khi đó, theo Reuters, Mao Ninh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho rằng hành động trên có thể gây hại cho các doanh nghiệp của cả hai nước, đồng thời kêu gọi Hà Lan "lập tức sửa chữa sai lầm".


Công nhân lắp ráp một máy quang khắc EUV. Ảnh: ASML

Mỹ cuối năm ngoái công bố loạt hạn chế xuất khẩu công nghệ bán dẫn tiên tiến của nước này đối với Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đang xem xét các biện pháp kiểm soát bổ sung.

ASML, nhà sản xuất máy quang khắc hàng đầu thế giới có trụ sở tại Hà Lan, cho biết biện pháp mới chưa tác động đến triển vọng tài chính của hãng trong năm nay, vì chỉ áp dụng với những máy quang khắc tối tân do hãng phát triển. "Chúng tôi sẽ tiếp tục tuân thủ quy định xuất khẩu", công ty cho hay.

ASML hiện đóng vai trò gần như độc quyền và được ví như điểm nghẽn cổ chai trong ngành chip bởi chiếm tới 80-85% thị phần máy quang khắc toàn cầu. Con số này thậm chí là 100% với máy quang khắc bằng tia siêu cực tím (EUV).

Sức ép của Mỹ đối với Hà Lan liên quan đến ASML được cho là bắt đầu từ năm 2018, dưới thời cựu tổng thống Donald Trump. Đến 2020, Hà Lan rút giấy phép xuất khẩu máy EUV sang Trung Quốc của ASML. Việc này diễn ra sau khi Mỹ vận động hành lang và bày tỏ lo ngại nếu ASML chuyển máy móc đến Trung Quốc, các nhà sản xuất nước này có thể tạo ra sản phẩm với sức mạnh lớn hơn, ứng dụng AI và sử dụng cho mục đích quân sự.

Theo CNBC, hiện không có hệ thống EUV nào ở Trung Quốc. Trong khi đó, đại diện ASML xác nhận không thể đưa máy EUV đến Trung Quốc kể từ 2019 do các hạn chế xuất khẩu của Hà Lan.

(Theo Wall Street Journal)