Tìm kiếm

Âm lịch

Translate

Vệt sáng trông giống như mưa sao băng xuất hiện trên bề mặt Mặt Trời

Theo Space, mới đây, các nhà thiên văn học đã phát hiện những vệt sáng trông giống như mưa sao băng xuất hiện trên bề mặt Mặt Trời.

Tàu vũ trụ Solar Orbiter đã phát hiện ra những trận mưa nhật hoa ở khoảng cách 49 triệu km so với Mặt Trời. Ảnh: Solar Orbiter EUI.

Quan sát được thực hiện bởi tàu vũ trụ Solar Orbiter của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), đánh dấu lần đầu tiên những tác động này được phát hiện. Khác với sao băng trên Trái Đất là vật chất không gian bốc cháy khi chúng đi vào bầu khí quyển, sao băng trên Mặt Trời là những khối plasma khổng lồ rơi xuống bề mặt ngôi sao với tốc độ đáng kinh ngạc.

Trên Trái Đất, hầu hết thiên thạch không thể xuất hiện trên bề mặt do bầu khí quyển dày đặc. Tuy nhiên, bầu khí quyển của Mặt Trời - vành nhật hoa - lại mỏng hơn nhiều. Và do đó, những khối thiên thạch không bị loại bỏ hoàn toàn khi chúng rơi xuống. Chúng hoàn toàn có thể tiếp cận bề mặt Mặt Trời một cách nguyên vẹn.

Quá trình này có thể tạo ra sự phát sáng ngắn nhưng mạnh, đồng thời gia tăng vật chất sao và sóng xung kích, làm nóng lại khí trong vành nhật hoa phía trên các tác động, hình thành mưa nhật hoa. Các nhà khoa học cho rằng phát hiện này có thể giúp giải đáp bí ẩn tại sao vành nhật hoa nóng hơn nhiều so với các lớp bề mặt Mặt Trời.

Theo các nhà nghiên cứu, mưa nhật hoa - ngoại trừ cấu tạo của nó - tuân theo các định luật vật lý giống như mưa ở đây trên Trái Đất. Thay vì được tạo thành từ nước, mưa nhật hoa hình thành khi nhiệt độ cục bộ giảm xuống, khiến cho plasma Mặt Trời co cụm lại thành những khối siêu dày đặc.

Đạt đến kích thước rộng tới 250 km, những khối plasma này sau đó rơi xuống bề mặt của Mặt Trời dưới dạng cơn mưa lửa với tốc độ lên tới 100 km/giây. Tàu vũ trụ Solar Orbiter đã phát hiện ra những trận mưa nhật hoa ở khoảng cách 49 triệu km so với Mặt Trời.

Tàu thăm dò được trang bị máy ảnh độ phân giải cao và bộ thiết bị viễn thám nhạy bén đã thấy rằng có khí được làm nóng đến khoảng 1 triệu độ C, đồng thời bị nén dưới những cơn mưa nhật hoa. Hiện tượng này chỉ kéo dài vài phút và là kết quả của các khối plasma rơi xuống.

"Vùng vành nhật hoa quá nóng, chúng tôi không thể thăm dò nó tại chỗ bằng tàu vũ trụ. Tuy nhiên, quỹ đạo của Solar Orbiter đủ gần Mặt Trời để có thể phát hiện các hiện tượng xảy ra bên trong vành nhật hoa, chẳng hạn như tác động của 'mưa'. Điều này cho phép chúng tôi có cuộc thăm dò gián tiếp về môi trường vành nhật hoa để hiểu về thành phần và nhiệt động học của nó", nhà nghiên cứu Patrick Antolin (Đại học Northumbria, Anh) nói.