Tìm kiếm

Âm lịch

Translate

Bỏ bữa sáng, vội bữa trưa, đậm đà bữa tối: Thừa năng lượng nhưng thiếu chất

Thực tế hiện nay nhiều người ăn uống vội hoặc bỏ bữa sáng để kịp giờ đi làm, thậm chí còn nhịn ăn; đến bữa trưa thì ăn qua loa, có khi vừa ăn vừa làm; trong khi bữa tối thì ăn nhiều rồi đi ngủ, ít vận động.



Không những ăn uống nhiều nhất trong ngày, bữa tối cũng là lúc la cà những cuộc nhậu của nhiều người - Ảnh: Q.Đ.

Vẫn bỏ bữa ăn dù đã đau dạ dày

Dù chưa có con nhưng mỗi sáng hai vợ chồng chị B.N. (ngụ TP.HCM) vẫn vội vã đi làm sớm vì khoảng cách từ nhà đến nơi làm việc khá xa. Chị N. cho hay một bữa sáng đầy đủ trong tuần là rất hiếm, thường chỉ là ngày cuối tuần nhưng lại thường xuyên ăn ở quán với các món như bún, hủ tiếu, cháo...

Trên đường đi làm, chị N. chọn mua gói xôi hoặc ổ bánh mì ăn sáng, có khi mua thêm hộp cơm hoặc bún xào để ăn trưa.

Nếu không chuẩn bị trước bữa trưa, chị N. sẽ ăn cơm trưa gần nơi làm việc. Còn chồng chị N. cũng có khẩu phần ăn sáng và trưa tương tự như chị.

Đến chiều tan làm, chị N. hoặc chồng sẽ vào cửa hàng tiện lợi gần nhà mua một số nguyên liệu nấu bữa cơm tối với 2-3 món, kèm trái cây.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là số ít bữa ăn tối "hoàn hảo", có không khí gia đình vì có nhiều đêm hai vợ chồng chọn ăn ngoài, hay chồng đi nhậu.

Sinh viên L.T.L. (20 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) thừa nhận bản thân thường xuyên bỏ bữa sáng hoặc trưa. Đây dường như là thói quen dù bản thân thỉnh thoảng đã đau dạ dày. Đến chiều, L. đi làm thêm tại một quán ăn nên ăn tối khá muộn, hoặc ăn vội trong thời gian làm việc.

L. chia sẻ mình muốn có những bữa ăn đàng hoàng, đủ dinh dưỡng nhưng chưa thật sự nghiêm túc trong việc chăm sóc sức khỏe, cộng thêm các lý do hoàn cảnh như ở trọ, đi học, đi làm thêm...


Cần phân bố bữa ăn hợp lý, trong đó bữa sáng phải thật đầy đủ các nhóm thực phẩm, bữa trưa vừa phải và bữa chiều nhẹ nhàng - Ảnh: X.MAI

Thừa năng lượng làm tăng cân nhưng thiếu các chất cần thiết

Với thực tế hiện nay nhiều người ăn vội bữa sáng, bỏ bữa trưa, tăng cường bữa tối, TS.BS Trần Thị Minh Hạnh - trưởng khoa dinh dưỡng tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn - cho hay thói quen ăn uống này không tốt cho sức khỏe, về lâu dài sẽ gây rối loạn tiêu hóa, tích mỡ.

Theo bác sĩ Minh Hạnh, phân bố bữa ăn hợp lý thì bữa sáng phải thật đầy đủ các nhóm thực phẩm, chú ý có đủ đạm từ thịt, cá, trứng, sữa, hoặc đậu và vitamin từ rau và trái cây để sẵn sàng cho một ngày làm việc năng động. Bữa trưa vừa phải không quá no và cũng không quá ít. Và bữa chiều nhẹ nhàng với nhiều rau, vừa đủ đạm và ít béo.

Tuy nhiên, trên thực tế thì nhiều người vẫn còn ăn uống sơ sài trong bữa sáng để kịp giờ đi làm, thậm chí còn nhịn ăn, bữa trưa thì ăn qua loa, có khi vừa ăn vừa làm nên sẽ bị thiếu các chất cần cho cơ thể như chất đạm, vitamin và khoáng chất, chất xơ. Thói quen ăn uống không điều độ này có thể ảnh hưởng đến dạ dày như gây viêm, rối loạn tiêu hóa (đầy bụng, khó tiêu…).

Trong khi đó, đến bữa tối thì ăn nhiều rồi đi ngủ, ít vận động nên gây dư năng lượng, cơ thể dễ tích mỡ, đặc biệt là mỡ bụng. Nếu chế độ ăn này kéo dài thì sẽ dễ gây dư thừa năng lượng làm tăng cân, tích mỡ, nhưng vẫn thiếu các chất cần thiết, đặc biệt là các vitamin và khoáng chất cho cơ thể.

Bác sĩ Minh Hạnh khuyến cáo bữa ăn sáng đầy đủ sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh do được cung cấp các chất cần thiết cho cơ thể. Bữa trưa ăn vừa phải, không nên bỏ bữa để tránh tình trạng ăn dồn nhiều về chiều tối, từ đó gây áp lực lên dạ dày và dư thừa năng lượng, gây nhiều bất lợi cho sức khỏe.