Tìm kiếm

Âm lịch

Translate

Momo phía sau sự cố: Ví điện tử có thị phần số 1 Việt Nam, nghi vấn "tiếp tay" cho cờ bạc online?

MoMo hiện là là ứng dụng ví điện tử nắm giữ thị phần cao nhất Việt Nam với 31 triệu người dùng, chiếm 68%.

Ngày 19/10 vừa qua, người dùng ví điện tử Momo phản ánh tình trạng không thể đăng nhập vào ví điện tử này. Một số người khác cho biết có thể đăng nhập nhưng tài khoản trong ví hiển thị ở mức 0 đồng. Sự cố bất ngờ trên khiến không ít người sử dụng ví điện tử này cảm thấy bất an.

Ngay lập tức, Momo đã lên tiếng xin lỗi trước sự cố này và trấn an khách hàng hoàn toàn có thể an tâm tài khoản và tài sản đều được đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Momo gặp sự cố trong ngày 19/10 khiến nhiều người dùng lo lắng.

Về sự cố này, đại diện MoMo cho biết, do hệ thống tiến hành bảo trì làm ảnh hưởng đến trải nghiệm đăng nhập cũng như sử dụng các dịch vụ trên ứng dụng. Đến trưa cùng ngày, người dùng đã có thể đăng nhập ứng dụng và sử dụng bình thường các dịch vụ chuyển/nhận tiền, thanh toán… Tuy nhiên, các giao dịch từ nguồn tiền của một số ngân hàng liên kết với MoMo tạm thời bảo trì để đảm bảo trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

Ví điện tử có thị phần lớn nhất

Theo thống kê, hiện nay có khoảng 40 loại ví điện tử đang hoạt động tại Việt Nam với hàng chục triệu người sử dụng. Trong đó, ví điện tử MoMo là ứng dụng nắm giữ thị phần cao nhất Việt Nam với 68% (quý I/2023) với khoảng 31 triệu người dùng.

Doanh thu của Momo tăng đều trong giai đoạn 2019-2021. Theo đó, doanh thu năm 2021 của ví điện tử này đạt hơn 7.3 nghìn tỷ đồng (tăng 20% so với năm 2020). Tuy nhiên, đến cuối năm 2021 Momo vẫn chưa có lãi. Cụ thể, kết thúc năm 2021, mức lỗ của MoMo lên tới hơn 880 tỷ đồng.


Sự tăng trưởng này là minh chứng cho nỗ lực và thành công của MoMo từ việc không ngừng cải tiến giao diện thiết kế đến mở rộng và phát triển các tính năng, tiện ích trên nền tảng siêu ứng dụng của mình...

Thế nhưng ít ai biết rằng, để có được thị phần như hiện tại, đội ngũ sáng lập ví điện tử MoMo phải trải qua không ít khó khăn và nhiều lần thất bại.

Với ý tưởng ban đầu là cung cấp dịch vụ nạp tiền, chuyển tiền qua mạng viễn thông, nhóm tuy nhiên những ý tưởng này đều thất bại. Năm 2014, nhóm sáng lập tiếp tục tung ra một thử nghiệm khác. Họ tạo ra ứng dụng thanh toán trên smartphone đưa lên kho ứng dụng Android và iOS, tên là MoMo, viết tắt của từ Money Mobile. Được liên kết thử nghiệm với ngân hàng Vietcombank, ứng dụng có thể thanh toán thay tiền mặt ở một số địa điểm.

Ý tưởng có vẻ sáng nước nhưng ngặt nỗi trong thế giới bao la của Internet, cũng như việc người Việt vẫn còn xa lạ và thiếu tin tưởng đối với các ứng dụng thanh toán trên di động (m-commerce)... chiếc ví điện tử thử nghiệm này chìm nghỉm trong kho ứng dụng... Thế nhưng sự khích lệ nhỏ khi một bộ phận người dùng biết đến đã tiếp tục tạo động lực cho nhóm khởi nghiệp. Và chỉ 1 năm sau MoMo trở thành một khái niệm dần quen thuộc của gần một triệu người dùng.

Đến năm 2016, nhận thấy ý tưởng đầy hứa hẹn này, Standard Chartered Private Equity và Goldman Sachs rót 28 triệu đô la Mỹ vào công ty khởi nghiệp này, số tiền rất lớn đầu tư vào startup thời điểm đó. Được bơm tiền, họ tạm yên tâm về khả năng sống sót thêm vài năm để hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm, hoàn thiện mô hình phát triển khách hàng.


Sau những khúc cua thăng trầm, Momo trở thành kỳ lân công nghệ tại Việt Nam.

Dần dần điều kiện thị trường chín muồi, nhiều công ty lớn, ngân hàng, công ty bảo hiểm lớn trở thành đối tác và người sử dụng thiết bị cầm tay thông minh bắt đầu làm quen với phương thức thanh toán mới.

Cục diện xoay chiều từ năm 2018 khi MoMo như cỗ xe ngựa chuyển từ đi nước kiệu sang phi nước đại: năm 2019 đạt 10 triệu người dùng, tháng 9.2020 đạt mốc 20 triệu người dùng, đầu năm 2022 cán mốc 31 triệu người dùng và thu hút 10 triệu người sử dụng dịch vụ tài chính, bảo hiểm – theo các công bố của MoMo.

Cùng đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt, MoMo còn cung cấp nhiều dịch vụ liên qua tài chính khác như gửi tiết kiệm, tích luỹ hay vay trả sau,... đáp ứng đúng nhu cầu tài chính cá nhân của người dùng. Đặc biệt, vào tháng 3/2023, MoMo đã kết ký hợp tác chiến lược với Western Union, cung cấp dịch vụ hỗ trợ nhận tiền quốc tế.

Sau những khúc cua thăng trầm với những lần lựa chọn đưa ra quyết định trước lằn ranh giới mong manh giữa thành công và thất bại, Momo dần phát triển và được thị trường ghi nhận ở vị thế của một công ty kỳ lân.

Bị đánh bạc online lợi dụng

Vài năm trở lại đây, sòng bạc “tài – xỉu”, “chẵn – lẻ” phát triển rầm rộ hơn bao giờ hết nhờ. Đặc biệt khi ví điện tử ngày càng trở nên phổ biến tại thị trường Việt Nam thì cũng trở thành cơ hội cho các đối tượng tổ chức đánh bạc lợi dụng chức năng chuyển tiền miễn phí giữa các ví điện tử để tạo ra một dạng sòng bạc trực tuyến, ngay trên tay người dùng một cách dễ dàng.


Ở thời điểm hiện tại, khi tìm kiếm cụm từ “chẵn lẻ Momo”, vẫn có 4-5 website đánh bạc theo hình thức này hiện trên top 1 tìm kiếm.

Cách chơi của các sòng bạc này vô cùng đơn giản, người chơi chỉ cần chuyển tiền đến các số điện thoại được đăng trên website của nhà cái. Sau khi hoàn thành lệnh chuyển tiền, ví Momo sẽ thông báo cho khách hàng một mã giao dịch, nhà cái sẽ dựa vào các số cuối mã giao dịch đó để định đoán thắng thua của con bạc.


Một lệnh trả tiền của nhà cái qua Momo.

Sau khi thắng nhà cái, tiền thắng cược sẽ được chuyển về ví người chơi chỉ trong 30s bằng một tài khoản khác của nhà cái, nếu tiền chưa về kịp, các con bạc chỉ cần copy số điện thoại đã chuyển tiền đến và mã giao dịch rồi điền vào website để nhóm tổ chức đánh bạc chuyển tiền.

Với số lượng người chơi lớn nên mỗi đường dây đánh bạc qua ví điện tử đều có lượng giao dịch khủng.

Thời gian qua, cơ quan công an các địa phương đã phát hiện nhiều trang web nghi vấn tổ chức đánh bạc. Với việc sử dụng hàng ngàn tài khoản MoMo khác nhau, các đối tượng đã thực hiện hàng ngàn giao dịch đánh bạc thông qua mã giao dịch chuyển tiền với số tiền vi phạm lên đến hàng nghìn tỷ đồng.


Tuy nhiên sau khi các đường dây đánh bạc qua ví điện tử bị triệt phá, các đối tượng tổ chức đánh bạc dưới hình thức này chỉ "im ắng" một thời gian ngắn, sau đó lại tiếp tục hoạt động rầm rộ. Ở thời điểm hiện tại, khi tìm kiếm cụm từ “chẵn lẻ Momo”, vẫn có 4-5 website đánh bạc theo hình thức này hiện trên top 1 tìm kiếm.

Hầu hết các nhà cái đều tổ chức các trò cá cược đơn giản như “chẵn – lẻ” (chọn số chẵn hoặc số lẻ), “tài – xỉu” (chọn số lớn hoặc bé), “đánh tổng 3 số”… với hạn mức mỗi lần tham gia tối thiểu là 5.001 đồng và tối đa là 5.000.000 đồng/lệnh. Với trò phổ biến nhất là “chẵn – lẻ”, người dùng chuyển tiền sẽ ghi nội dung chuyển khoản là C111 hoặc L111 – tương ứng với chẵn hoặc lẻ. Với số cuối trong mã giao dịch là 1-3-5-7, người chơi chọn lẻ sẽ thắng, với số cuối là 2-4-6-8, người chơi chọn chẵn sẽ thắng. Tuy nhiên khi số về 0 hoặc 9 thì dù các con bạc có chọn gì cũng sẽ thua. Tỷ lệ ăn thua của cách chơi này là đặt 1 ăn 2,35.

Liên quan vấn đề "đánh bạc trực tiếp trên ví điện tử", ông Phạm Lê Minh, Trưởng phòng An toàn thông tin MoMo, cho biết Momo đã nhiều lần đưa ra cảnh báo tình trạng các nền tảng như ví điện tử, cổng thanh toán có thể đang bị lợi dụng cho việc phổ biến hình thức cờ bạc chẵn lẻ, tài xỉu dựa trên mã giao dịch chuyển tiền.

Đồng thời, Momo cũng thường xuyên rà soát hệ thống để phát hiện và thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng lợi dụng mã giao dịch này như đóng tài khoản đối với những tài khoản có hành vi đáng ngờ, vi phạm các điều khoản sử dụng. Tuy nhiên, các website cờ bạc sau đó cũng liên tục thay đổi cách thức để tiếp tục lừa người dùng.

Ví dụ, một trong những biện pháp được đưa ra là bổ sung "mã tham chiếu", tương tự mã giao dịch, từ trước khi thực hiện chuyển tiền, để thay vì chuyển xong mới nhận được mã, giờ người dùng biết trước mã này, ngăn việc lợi dụng để chơi game chẵn lẻ. Nhưng ngay sau đó, các website cờ bạc đối phó bằng cách đổi cách tính kết quả chẵn lẻ, dùng mã giao dịch cộng với một đoạn mã tự sinh ra từ hệ thống của website là kết quả đối chiếu.

Tình trạng này không chỉ xảy ra vơi Momo mà nhiều ví điện tử khác cũng đang gặp phải tình trạng này. 

(Nguồn: CFF)