Hành trình đoạn tuyệt với bất động sản của bầu Đức
Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vừa công bố doanh thu từ việc thanh lý tài sản với giá trị 180 tỷ đồng. Khoản thu này được cho là đến từ việc công ty rao bán khách sạn HAGL trước đó để trả một phần nợ trái phiếu HAGL được phát hành năm 2016 cho BIDV.
Đây là khách sạn 4 sao đầu tiên ở Tây Nguyên, hoạt động từ cuối năm 2005 với 117 phòng ngủ. Sở hữu vị trí đắc địa, ngay Quảng trường Phù Đổng - trung tâm TP. Pleiku, nhưng theo HAGL, tài sản này 'không sinh lợi'.
Khách sạn HAGL được xem là bất động sản thương mại lớn cuối cùng của công ty bầu Đức. Việc bán tài sản này đồng nghĩa bầu Đức chính thức “đoạn tuyệt” và xóa đi ký ức về một thời vàng son với lĩnh vực bất động sản.
Lần ngược về quá khứ, đây từng là mảng "gà đẻ trứng vàng", giúp bầu Đức lên ngôi những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Xuất phát là một doanh nghiệp tư nhân sản xuất đồ gỗ, HAGL bắt đầu đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh từ năm 2002 với mảng cao su, tài chính, bóng đá và đặc biệt là bất động sản.
Năm 2002, HAGL thành lập Công ty CP Xây dựng và phát triển nhà Hoàng Anh, đánh dấu cột mốc gia nhập thị trường bất động sản.
HAGL từng sở hữu loạt khách sạn - du lịch lớn trải nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam như HAGL Resort Quy Nhơn, HAGL Resort Đà Lạt, HAGL Hotel Plaza Đà Nẵng và nhiều dự án bất động sản đình đám khắp quận 7, huyện Nhà Bè tại TP.HCM. Thậm chí, công ty của bầu Đức còn mở rộng sang Myanmar, Lào.
Trong suốt 7 năm từ năm 2006-2012, bất động sản trở thành lĩnh vực chủ lực của HAGL và luôn dẫn đầu trong doanh thu hàng năm. Đỉnh cao là việc xây dựng và phân phối các dự án: Khu căn hộ New SaiGon, Hoàng Anh River View, khu căn hộ Phú Hoàng Anh, khu căn hộ Hoàng Anh Gold House...
Tuy nhiên, kinh doanh trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế là điều chưa bao giờ dễ dàng, đặc biệt đối với lĩnh vực bất động sản. Và từ 2009, Bầu Đức đã tuyên bố từ bỏ bất động sản. Nói là làm ngay lập tức, vị đại gia này đã rút ra khỏi công ty về BĐS, dần thanh lý các dự án của mình và dấn sâu vào mảng nông nghiệp.
Từ 2009, HAGL đã "bán tháo" một số dự án tại TP.HCM với mức giá không tưởng. HAGL công bố giảm gần nửa giá căn hộ Hoàng Anh River View từ mức 2.400 USD/m2 xuống còn 1.350 USD/m2 và dự án Phú Hoàng Anh từ 1.800 USD/m2 xuống còn 1.250 USD/m2. Động thái này dù giúp cho HAGL bán được một số lượng lớn căn hộ, duy trì sự tăng trưởng doanh thu bất động sản nhưng cũng mở ra thời kỳ mới mà HAGL không còn đồng hành cùng bất động sản.
Năm 2010, HAGL đã bán chi nhánh khu nghỉ dưỡng HAGL Resort Quy Nhơn cho bên thứ ba với giá bán là 175 tỷ đồng.
Đến năm 2012, HAGL bán HAGL Resort Đà Lạt. Thương vụ này không được công bố rộng rãi, nhưng báo cáo tài chính năm này ghi nhận HAGL Resort Đà Lạt dưới dạng khoản đầu tư ngắn hạn trị giá 81,8 tỷ đồng.
Cũng từ năm 2012 trở đi, bầu Đức từng bước thoái vốn khỏi bất động sản khi thị trường trong nước đang suy thoái, bán dần các quỹ đất vốn là thế mạnh của công ty để dốc toàn lực phát triển nông nghiệp tại Lào và Campuchia.
Từ năm 2012, HAGL bắt đầu quá trình “nông nghiệp hóa” với việc trồng cao su, mía và xây dựng nhà máy sản xuất đường, trồng thử nghiệm cây cọ dầu.
Năm 2013, HAGL đầu tư sang thị trường Myanmar, khởi công dự án Khu phức hợp HAGL Myanmar Center tại thành phố Yangoon với tổng vốn đầu tư là 16.000 tỷ đồng. Cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại và khách sạn 5 sao này bắt đầu đi vào hoạt động chính thức từ tháng 8/2016.
Việc song song phát triển dự án bất động sản ở nước ngoài và làm nông nghiệp, nợ của HAG ngày càng bành trướng, đỉnh điểm là giai đoạn 2015-2016, nợ vay của HAGL vượt ngưỡng 27.000 tỷ đồng, chiếm quá bán tổng tài sản.
Dù mang nhiều kỳ vọng nhưng cuối cùng HAGL vẫn quyết định "buông tay" với dự án HAGL Myanmar Center, “nhường lại” cuộc chơi bất động sản tại Myanmar cho Tập đoàn Thaco của ông Trần Bá Dương.
Năm 2019, HAGL chuyển nhượng toàn bộ cổ phần HAGL Land sang cho Tập đoàn ô tô Trường Hải (Thaco). HAGL Land là công ty quản lý mảng bất động sản của HAGL, với dự án chính là khu phức hợp HAGL Myanmar tại Myanmar. Với việc bán hết số cổ phần còn lại, công ty của bầu Đức đã gần như rút khỏi mảng bất động sản.
“Sai thì chịu thôi ”
Trong mười mấy năm sau quyết định dứt tình với BĐS, Bầu Đức liên tục gặp khó khăn do làm nông nghiệp quy mô lớn không thuận lợi. Để tái cơ cấu, đại gia phố núi cũng liên tục bán nhiều dự án thủy điện, các công ty con thuộc nhóm cao su Đông Dương, Đông Pênh Agrico, cao su Trung Nguyên để giải quyết nhu cầu thanh khoản.
Đáng chú ý, năm 2021, HAGL quyết định bán HAGL Agrico cho Thaco. Cụ thể, HAGL Agrico quyết định chuyển nhượng 4 công ty với tổng diện tích 20.744ha (gồm Công ty An Đông Mia, Công ty Hoàng Anh Quang Minh sở hữu 17.305ha tại Campuchia và Công ty Hoàng Anh Đắk Lắk, Công ty Bò sữa Tây Nguyên sở hữu 3.439ha tại Việt Nam) cho Thagrico với giá 9.095 tỷ đồng.
Mặc dù đã bán nhiều tài sản nhưng HAGL còn nhiều khoản nợ khác. Tới giữa năm 2023, HAGL còn 8.085 tỷ đồng.
Bầu Đức là doanh nhân nổi tiếng, từng là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt, năm 2008-2009 với túi tiền hàng chục nghìn tỷ đồng.
Nhiều người không khỏi tiếc nuối khi bầu Đức từ bỏ bất động sản, lĩnh vực đã từng đưa doanh nghiệp “phố núi” đến đỉnh cao danh vọng. Chính bầu Đức cũng từng thừa nhận bản thân đã sai lầm khi từ bỏ “con gà đẻ trứng vàng” này. Khi được hỏi có hối tiếc khi bán HAGL Agrico không, bầu Đức chia sẻ: “Sai thì chịu thôi ”.
Theo ông, đây là điều cần thiết để HAGL Agrico phát triển và HAGL cũng vậy. Thực tế minh chứng, những năm sau đó, HAGL dần có điểm sáng trở lại. Với ngành chủ lực là cây ăn trái và chăn nuôi, năm 2022, HAGL trở lại mức lãi ngàn tỷ.
Trong vài năm gần đây, HAGL tập trung vào một vài loại cây trồng và chăn nuôi lợn. Loại cây được bầu Đức kỳ vọng nhất là sầu riêng, với tổng cộng khoản 1.200ha với một lượng lớn sẽ cho trái vào cuối năm sau. Trong năm 2023, HAGL có thu khoảng 80ha.
Hiện HAGL còn hai mảng ngoài nông nghiệp là Bệnh viện HAGL và đội bóng HAGL.
(VNF)