2025

Cùng đếm ngược đến năm mới 2025! 🎉

00

Ngày

00

Giờ

00

Phút

00

Giây

Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ 2 thế giới

Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên đất hiếm vô cùng lớn với trữ lượng khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ hai thế giới. Đây là một trong những nguyên liệu chiến lược để sản xuất chất bán dẫn, cần thiết cho nhiều ngành công nghiệp cao của Mỹ, châu Âu, Nhật, Hàn Quốc…

Mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam tái khởi động vào năm 2024

Đất hiếm là nguồn tài nguyên cực kỳ quan trọng cho nhiều ngành công nghiệp như sản xuất thiết bị điện tử, pin, nam châm vĩnh cửu phục vụ cho xe điện, tuabin điện gió, máy bay… Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên đất hiếm vô cùng lớn với trữ lượng khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc 44 triệu tấn, theo Cục Khảo sát địa chất Mỹ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, dù tiềm năng lớn nhưng mức độ khai thác ở Việt Nam còn rất hạn chế và nhỏ lẻ. Với công nghệ hiện tại, Việt Nam mới chỉ có thể xuất thô đất hiếm chứ chưa phân tách nguyên tố trong đất hiếm hay tiến hành gia công để có được đất hiếm tinh chế.

Hiện nay, mỏ đất hiếm có trữ lượng lớn nhất cả nước là mỏ Đông Pao, ở xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Mỏ Đông Pao là các dãy núi liền kề rộng hơn 132 ha, tổng trữ lượng địa chất quy khô trên 11,3 triệu tấn.

Mỏ Đông Pao thuộc quản lý và khai thác Công ty CP Đất hiếm Lai Châu - Vimico. Doanh nghiệp được thành lập vào 2008 với sự tham gia của 6 cổ đông, vốn điều lệ 350 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) nắm quyền chi phối với tỷ lệ sở hữu 55%.



Việt Nam sẽ khởi động lại mỏ đất hiếm Đông Pao vào năm tới

Theo Reuters, Việt Nam có kế hoạch khởi động lại mỏ đất hiếm lớn nhất vào năm tới thông qua dự án hợp tác đầu tư với Tập đoàn khoáng sản Blackstone Minerals (Úc). Đây như một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm giảm bớt sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực giúp thúc đẩy các công nghệ tiên tiến.

Động thái này sẽ là một trong những bước đi của Việt Nam hướng tới mục tiêu là xây dựng chuỗi cung ứng đất hiếm, bao gồm phát triển năng lực tinh chế quặng thành kim loại dùng trong nam châm cho xe điện, điện thoại thông minh và tuabin gió.

Bà Tessa Kutscher, Giám đốc điều hành của Blackstone Minerals cho biết, bước đầu Chính phủ Việt Nam dự định tổ chức đấu thầu nhiều lô tại mỏ đất hiếm Đông Pao trước cuối năm nay.

Còn ông Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đất hiếm Việt Nam (VTRE) và là đối tác của Blackstone trong dự án này cho biết, thời gian đấu thầu có thể thay đổi, nhưng Chính phủ có kế hoạch khởi động lại mỏ Đông Pao vào năm tới.

Đề xuất khởi động lại mỏ đất hiếm Đông Pao diễn ra trong bối cảnh nhiều quốc gia lo ngại về khả năng bị gián đoạn nguồn cung do những bất ổn và cạnh tranh trên toàn cầu.

Theo bà Tessa Kutscher, khoản đầu tư của Blackstone vào dự án có trị giá khoảng 100 triệu USD. Hiện Blackstone đang trao đổi với các khách hàng tiềm năng, bao gồm các nhà sản xuất ô tô điện VinFast và Rivian về các hợp đồng khả thi. Mức giá ấn định sẽ bảo vệ các nhà cung cấp khỏi biến động và đảm bảo cho người mua một chuỗi cung ứng an toàn.

VTRE kỳ vọng giành được nhượng quyền cho phép họ khai thác khoảng 10.000 tấn oxit đất hiếm mỗi năm, gần 1/3 sản lượng dự kiến hàng năm của mỏ. Và việc sản xuất có thể bắt đầu vào khoảng cuối năm 2024. Mặc khác, VTRE cũng đang có kế hoạch từ khai thác quặng đến các sản phẩm cuối cùng là nam châm trong chuỗi khai thác đất hiếm này.

Sau khi được tách ra, các oxit sẽ được chuyển thành kim loại để sử dụng trong nam châm và các ứng dụng công nghiệp khác. Theo Bộ Năng lượng Mỹ, quá trình kim loại hóa được kiểm soát bởi Trung Quốc - quốc gia sản xuất 90% kim loại đất hiếm.

Một nhà máy VTRE hiện có ở miền Bắc chuyên tách oxit đất hiếm khỏi quặng đã khai thác. Được biết, nhà máy này có công suất xử lý 5.000 tấn mỗi năm. Tuy nhiên, doanh nghiệp này có kế hoạch tăng gấp ba công suất đó để đáp ứng đầu vào từ Đông Pao.

Ngoài ra, VTRE cũng đang thực hiện một dự án thí điểm xây dựng nhà máy luyện kim với Setopia của Hàn Quốc. Khoản đầu tư kết hợp ban đầu sẽ vào khoảng 4 triệu USD, chủ yếu đến từ Setopia, nhà máy có thể sẵn sàng đi vào hoạt động vào năm tới.
Việt Nam dự tính khai thác 2 triệu tấn đất hiếm mỗi năm

Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt tháng 7/2023, dự tính tổng sản lượng đạt hơn 2 triệu tấn quặng nguyên khai mỗi năm.



Trữ lượng oxit đất hiếm tại các quốc gia

Cụ thể, giai đoạn từ nay đến năm 2030 hoàn thành các đề án thăm dò đã cấp phép tại mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe (Lai Châu). Thăm dò nâng cấp, mở rộng các mỏ đã cấp phép khai thác và đầu tư mới thăm dò tại các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái.

Đẩy mạnh tìm kiếm công nghệ, thị trường khai thác gắn với chế biến sâu khoáng sản đất hiếm đã cấp phép khai thác tại các mỏ như Đông Pao (Lai Châu), Yên Phú (Yên Bái). Đồng thời, hoàn thành nhà máy chế biến đất hiếm tại xã Yên Phú (huyện Văn Yên, Yên Bái).

Trong đó, để chế biến tổng các oxit đất hiếm sẽ đầu tư mới từ 3 dự án thủy luyện, chế biến đất hiếm tại các tỉnh Lai Châu, Lào Cai với các sản phẩm chế biến đến năm 2030 dự kiến đạt từ 20.000-60.000 tấn/năm.

Để chế biến đất hiếm riêng rẽ sẽ đầu tư mới các dự án chiết tách, chế biến tại các tỉnh Lai Châu và Lào Cai hoặc địa điểm phù hợp với các sản phẩm chế biến đất hiếm riêng rẽ đến năm 2030 dự kiến đạt từ 20.000-60.000 tấn/năm.

Giai đoạn từ năm 2031-2050, thăm dò bổ sung các mỏ đất hiếm đã cấp phép khai thác và thăm dò mới 1-2 điểm mỏ tại Lai Châu và Lào Cai. Duy trì hoạt động của các dự án hiện có, đầu tư mở rộng khai thác mỏ Đông Pao và đầu tư mới 3-4 dự án khác tại Lai Châu, Lào Cai nếu có nhà đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Căn cứ tình hình thực tế, đầu tư mở rộng nâng công suất các dự án đã có, tập trung chế biến sâu các kim loại đất hiếm. Tổng các oxit đất hiếm đạt từ 40.000-80.000 tấn/năm; đất hiếm riêng rẽ đạt từ 40.000-80.000 tấn/năm.

Đầu tư mới nhà máy luyện kim đất hiếm, địa điểm nhà máy đầu tư lựa chọn với tổng công suất các kim loại đất hiếm từ 7.500-10.000 tấn/năm.