2025

Cùng đếm ngược đến năm mới 2025! 🎉

00

Ngày

00

Giờ

00

Phút

00

Giây

Đất hiếm - thứ nguyên liệu tối quan trọng của ngành bán dẫn

Các nguyên tố đất hiếm được phân bố rải rác trên khắp thế giới. Tuy nhiên, việc khai thác và tinh chế đất hiếm rất khó khăn và tốn kém, khiến chúng trở thành nguồn tài nguyên vô cùng quý giá.

Những quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới

Đất hiếm (Rare-earth element - REE) là tên gọi chung của một nhóm 17 nguyên tố hóa học thuộc bảng tuần hoàn, bao gồm Scandi (Sc), Ytri (Y) và 15 nguyên tố của nhóm Lanthan (La, Ce, Pr, Nd, Pm, Sm, Eu, Gd, Tb, Dy, Ho, Er, Tm, Yb, Lu).

Đất hiếm là nguyên liệu quan trọng trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, quang điện, laser, vật liệu siêu dẫn, chất phát quang, xúc tác, nam châm, chế tạo vũ khí, thiết bị y tế… do vậy đây được xem là một nguồn tài nguyên rất quý giá
 

Trữ lượng đất hiếm của các quốc gia trên thế giới (Ảnh: Alamy).

Theo ước tính của Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, trữ lượng đất hiếm của thế giới là khoảng 120 triệu tấn. Trong đó, 5 quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới là:

1. Trung Quốc: 44 triệu tấn (chiếm 37,9% trữ lượng toàn cầu)
2. Việt Nam: 22 triệu tấn (chiếm 18,9%)
3. Brazil: 21 triệu tấn (chiếm 18,1%)
4. Nga: 12 triệu tấn (chiếm 10,3%)
5. Ấn Độ: 6,9 triệu tấn (chiếm 5,9%)

Các quốc gia khác có trữ lượng đất hiếm đáng kể bao gồm:

- Úc: 4,1 triệu tấn
- Mỹ: 1,5 triệu tấn
- Đảo Greenland: 1,5 triệu tấn
- Tanzania: 0,89 triệu tấn
- Canada: 0,8 triệu tấn
Các mỏ đất hiếm là nguồn tài nguyên thiên nhiên rất có giá trị do đất hiếm có rất nhiều ứng dụng, nhất là trong ngành công nghệ cao (Ảnh: Agmental Miner).

Các mỏ đất hiếm có trữ lượng lớn tại Việt Nam

Đất hiếm ở Việt Nam chủ yếu tập trung ở các vùng núi phía Bắc, ở các tỉnh như Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái và phân bố trải dài tại các tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ và Trung Bộ như Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bình Thuận…
Các mỏ đất hiếm có trữ lượng lớn tại Việt Nam bao gồm:

- Mỏ đất hiếm Nậm Xê: xã Nậm Xê, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Diện tích 125,98 km2. Trữ lượng ước tính khoảng 10 triệu tấn.

- Mỏ đất hiếm Đông Pao: xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Diện tích 53,99 km2. Trữ lượng ước tính từ 8 đến 10 triệu tấn.

- Mỏ đất hiếm Mường Hum: xã Mường Hum, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Diện tích 26,84 km2. Chưa rõ trữ lượng chính xác, nhưng được đánh giá có trữ lượng lớn.

- Mỏ đất hiếm Yên Phú: xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Trữ lượng ước tính 20.000 tấn.

Cơ quan chức năng kiểm tra hiện trạng mỏ đất hiếm Đông Pao (Ảnh: Cổng TTĐT huyện Tam Đường).

Các mỏ đất hiếm với trữ lượng thấp hơn nhưng có nhiều tiềm năng để khai thác:

- Mỏ Kỳ Ninh: xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

- Mỏ Kẻ Sung ở Thừa Thiên-Huế.

- Mỏ Cát Khánh: xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

- Mỏ Hàm Tân, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.
Blackstone Minerals đang đầu tư hàng chục triệu USD vào dự án khai thác Niken tại tỉnh Sơn La, Việt Nam trước khi thể hiện ý định bắt tay với CTCP Đất hiếm Việt Nam (VTRE) để đàm phán đấu giá khai thác mỏ Đông Pao.

Kho báu đất hiếm Top 2 thế giới của Việt Nam: Chỉ có vài "tay chơi", mỏ lớn nhất nằm trong tầm ngắm của đại gia Úc “mê” Niken

Việt Nam đang có kế hoạch khởi động lại việc khai thác mỏ đất hiếm Đông Pao thuộc tỉnh Lai Châu, theo nguồn tin đáng chú ý từ Reuters. Điều này thu hút tầm ngắm của loạt “đại gia” ngoại. Bởi, chuỗi cung ứng đất hiếm đã và đang là xu hướng trong “cuộc đua” chất bán dẫn toàn cầu hiện nay; bao gồm phát triển năng lực tinh chế quặng thành kim loại sử dụng trong nam châm cho xe điện, điện thoại thông minh và tua-bin gió.

“Đây là một kế hoạch có tầm cỡ ”, bà Tessa Kutscher, Giám đốc điều hành tại Công ty TNHH Khoáng sản Blackstone của Úc, đánh giá. Blackstone Minerals được biết đang bắt tay với CTCP Đất hiếm Việt Nam (VTRE) để đàm phán đấu giá khai thác mỏ Đông Pao - mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam với diện tích hơn 132ha, dự kiến được khai thác sau 10 năm kể từ ngày được cấp phép.

Trong đó, Blackstone Minerals là cái tên không còn xa lạ với Việt Nam. Có mặt từ năm 2013, Blackstone Minerals đang đầu tư hàng chục triệu USD vào dự án khai thác Niken tại tỉnh Sơn La, Việt Nam.

Một tên tuổi trong cuộc chơi này còn có CTCP Đất hiếm Lai Châu – Vimico (Lavreco) – đơn vị quản lý và khai thác Đông Pao. Lavreco được thành lập vào 2008 với sự tham gia của 6 cổ đông, vốn điều lệ 350 tỷ đồng. Trong đó, đơn vị thành viên Tập đoàn công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) là Tổng công ty Khoáng sản – TKV (HNX: KSV) đang nắm quyền chi phối với tỷ lệ sở hữu 55% vốn tại Lavreco.

Lavreco đã triển khai lập dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác, chế biến quặng đất hiếm mỏ Đông Pao với 3 dự án thành phần. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 4.159 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa đủ điều kiện để khai thác do khó khăn về thị trường, công nghệ chế biến, thu xếp tài chính…

Kết quả, dù được thành lập từ 2008 nhưng đến năm 2020, Lavreco mới bắt đầu có doanh thu 16,5 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1,35 triệu đồng (số liệu từ KSV). Sang năm 2021, doanh thu tăng lên 56,8 tỷ đồng và lợi nhuận 11,6 triệu đồng. Tuy nhiên, năm 2022 doanh thu giảm về 240 triệu đồng và không ghi nhận lợi nhuận.

Dự án khai thác mỏ Đông Pao vẫn ở giai đoạn sơ khai. Theo “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, việc khai thác mỏ Đông Pao và đầu tư mới 3 - 4 dự án khai thác tại Lai Châu, Lào Cai phải đến giai đoạn 2031-2050, với điều kiện nếu có nhà đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Dù vậy, nhận thấy Việt Nam là thị trường có thể cung ứng đất hiếm top đầu thế giới, một số quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã tìm đến Việt Nam với mong muốn hợp tác, phát triển đất hiếm. Điểm lại, từ năm 2010, Nhật Bản đã tìm đến Việt Nam nhằm mở rộng nguồn cung đất hiếm ngoài Trung Quốc. Cuối năm 2022, Bộ trưởng Công Thương đã ký thỏa thuận hợp tác với người đồng cấp Hàn Quốc về việc thăm dò và phát triển các chuỗi khoáng sản cốt lõi, bao gồm đất hiếm tại Việt Nam, để cung cấp chuỗi cung ứng toàn cầu ổn định.

Vào tháng 6/2023, Hàn Quốc và Việt Nam cũng đã ký một biên bản ghi nhớ thành lập một trung tâm dây chuyền cung cấp đất hiếm và các khoáng sản quan trọng khác nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định cho các công ty Hàn Quốc và khuyến khích họ đầu tư vào Việt Nam.

(Tổng hợp từ nhiều nguồn)