2025

Cùng đếm ngược đến năm mới 2025! 🎉

00

Ngày

00

Giờ

00

Phút

00

Giây

Người trẻ và hội chứng sợ nghe điện thoại

Tuổi trẻ vốn thích giao lưu, kết nối nhưng hiện nay có không ít người gặp phải hội chứng sợ nghe tiếng chuông, trao đổi qua điện thoại.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến sợ


Tim đập nhanh, tay chân run rẩy, nói năng không lưu loát… là những triệu chứng mà P.N (từng là nhân viên phòng bảo hành của một công ty tại TP.HCM) gặp phải mỗi lần trao đổi điện thoại với khách hàng. P.N tâm sự công việc của mình phải thường xuyên liên lạc, báo tình trạng sản phẩm cho khách nên mỗi lúc báo trễ hẹn, bản thân lại càng lo lắng, không biết sẽ gặp khách hàng khó tính hay dễ tính.

Các chuyên gia tâm lý cho biết hội chứng sợ nghe điện thoại (telephonophobia) đã xuất hiện khá lâu và ngày càng nhận được sự quan tâm

Trước áp lực công việc, P.N buộc phải nghỉ việc và chuyển sang làm nhân viên phòng phát triển của một công ty giày. "Với công việc mới, tôi không phải tiếp xúc khách hàng qua điện thoại", P.N chia sẻ.

 P.N cho rằng hội chứng sợ điện thoại có thể xuất hiện từ việc bản thân ngại giao tiếp khiến cô dễ bối rối khi phải xử lý tình huống bất ngờ nên gặp khó khăn trong việc sắp xếp lời nói. "Tôi cũng có tâm sự với bạn bè và nghĩ mình không cần đến sự can thiệp của y tế vì tôi vẫn đang cố gắng cải thiện nỗi sợ này từng ngày", P.N nói.

Còn K.H (một sinh viên năm 2) từng nhận được tin buồn qua điện thoại nên rất nhạy cảm, ám ảnh với tiếng chuông hoặc phải nhận điện thoại bất ngờ từ người khác. "Tôi nhận được một cuộc gọi báo rằng ba mình gặp tai nạn giao thông lúc chiều tối. Mỗi khi tiếng chuông điện thoại vang lên, những ký ức đó lại ùa về khiến tôi căng thẳng, mất bình tĩnh", K.H kể.

K.H cho biết nỗi sợ này càng trầm trọng hơn khi nhận được cuộc gọi từ bạn bè, gia đình hay ai khác ở nơi công cộng. "Khi tiếng chuông vang lên, tôi thấy làm phiền người khác và có xu hướng tắt máy, nhắn tin lại hoặc cố gắng trò chuyện nhanh nhất có thể để kết thúc cuộc gọi".

Nữ sinh viên chia sẻ: "Tôi nghĩ chúng ta thường sẽ liên lạc qua điện thoại khi có tin xấu hoặc những việc khẩn cấp nên tôi thích nhắn tin hơn vì nó mang lại cảm giác an toàn. Bạn bè xung quanh tôi đa số đều thích nhắn tin hơn gọi điện thoại, tiếng chuông như sự hối thúc buộc ta phải trả lời ngay lập tức".

Tương tự, ngại giao tiếp thực tế, không truyền tải được hết câu chuyện, tự ti về giọng nói, khả năng ghi nhớ kém… là những lý do mà T.U (sinh viên một trường ĐH tại TP.HCM) đưa ra để nói về chứng sợ điện thoại của mình. "Tôi cũng cảm thấy không thoải mái dù chỉ trao đổi với bạn bè trong lúc thảo luận làm bài tập qua ứng dụng họp trực tuyến Google Meet. Tôi không diễn đạt được đủ ý và phải trình bày lại bằng tin nhắn để mọi người hiểu rõ hơn", T.U cho biết.

Trong thời gian học ở nhà do dịch Covid-19, T.U tâm sự cô không thể hiện tốt phần thi vấn đáp dù đã chuẩn bị từ trước. T.U cũng nói thêm: "Đáng buồn hơn, tôi từng bỏ lỡ cơ hội xin việc vì nhà tuyển dụng yêu cầu phỏng vấn qua điện thoại, trao đổi thông tin công việc với người xa lạ khiến tôi căng thẳng". Vì điều này mà T.U nhận nhiều lời phàn nàn từ bạn bè, người thân vì khó liên lạc. “Tuy nhiên, khi nghe tiếng chuông điện thoại vang lên thì tôi lại giật mình, khó chịu, cố gắng nghe máy thì cũng không phản hồi được nhiều”, T.U chia sẻ.

Cần luyện tập trao đổi trực tiếp

Trả lời về vấn đề này, thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An, cựu giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết hội chứng sợ nghe điện thoại đã xuất hiện khá lâu và ngày càng nhận được sự quan tâm.

Dưới góc nhìn cá nhân, ông An cho rằng đặc điểm về tính cách, thói quen sống, sợ mình nói không đúng người khác cười, sợ nói ra làm người khác tổn thương, sợ giọng nói mình không hay… khiến người trẻ mắc hội chứng sợ nghe điện thoại. "Có thể bạn trẻ đó đã hoặc đang gặp biến cố hay cú sốc tinh thần quá lớn khiến họ co cụm lại, tâm lý ngại và không muốn giao tiếp với người khác dưới mọi hình thức", ông An nhận định.

Người trẻ bị hội chứng sợ nghe điện thoại (telephonophobia) nên cố gắng duy trì thói quen giao tiếp trực tiếp

Theo ông An, nhắn tin hay nói chuyện điện thoại suy cho cùng chỉ là hình thức giao tiếp nhằm trao đổi thông tin, lượng thông tin có đầy đủ hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. “Những tình huống đòi hỏi sự trao đổi diễn ra nhanh chóng, khẩn thiết hay cần lắng nghe giọng nói của đối phương thì nói chuyện điện thoại hiệu quả hơn nhắn tin. Tuy nhiên, trước khi gọi điện, chúng ta nên cân nhắc và thăm dò đối phương đã sẵn sàng bắt máy hay chưa”,ông An lý giải.

Ông cũng cho hay, trao đổi qua thư điện tử (email), nhắn tin trên điện thoại, các nền tảng mạng xã hội có thể giúp người mắc hội chứng này cảm thấy yên tâm, thoải mái hơn. "Cách tốt nhất là duy trì thói quen giao tiếp trực tiếp, làm chủ tình huống thì giao tiếp bằng hình thức nào cũng sẽ tự tin hơn", theo ông An.

Để vượt qua nỗi sợ, ông An cho biết, các bạn trẻ nên bắt đầu giao tiếp qua điện thoại với những người thân yêu, bạn bè hay người cảm thấy dễ dàng chia sẻ, trao đổi. Bên cạnh đó, ông An nghĩ rằng người mắc hội chứng này cần tư duy tích cực, thay đổi lối nhận thức phiến diện về những nỗi sợ vô hình vì đó là nền tảng giúp thay đổi thái độ và hành vi sống của mỗi người. "Nếu người thân hay bạn bè mắc chứng sợ nghe điện thoại thì chúng ta không nên tạo sức ép, hãy tạo nhiều môi trường, cơ hội để họ được thoải mái trong giao tiếp", ông nhận định.