2025

Cùng đếm ngược đến năm mới 2025! 🎉

00

Ngày

00

Giờ

00

Phút

00

Giây

Những cuộc bầu cử có thể định hình thế giới năm 2024

Bầu cử tổng thống Nga hay cuộc đua cam go vào Nhà Trắng là hai trong 4 cuộc bỏ phiếu được cho là có tầm ảnh hưởng lớn nhất năm 2024.

Năm 2024, một nửa thế giới sẽ tham gia các cuộc bầu cử, trong đó khoảng 30 quốc gia sẽ bầu tổng thống, với những cuộc bỏ phiếu có khả năng định hình diện mạo thế giới.

Bầu cử tổng thống Mỹ


Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Joe Biden. Ảnh: AFP

Vào ngày 5/11/2024, hàng chục triệu người Mỹ sẽ bầu ra tổng thống thứ 60 của nước này, trong cuộc chạy đua có thể giúp đương kim Tổng thống Joe Biden nắm quyền đến năm 86 tuổi.

Tuy nhiên, các cuộc thăm dò cho thấy đa số cử tri Mỹ cho rằng Tổng thống đảng Dân chủ đã quá lớn tuổi để tiếp tục lãnh đạo đất nước.

Người có khả năng lớn nhất trở thành đối thủ của ông là cựu tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump. Ông Trump cũng đã 77 tuổi và đang đối diện hàng loạt thách thức pháp lý nghiêm trọng.

Dù vậy, Trump hiện vẫn là ứng viên được ủng hộ mạnh mẽ nhất của đảng Cộng hòa, bất chấp hàng loạt phiên tòa hình sự đang chờ đợi ông phía trước.

Cuộc bầu cử nhiều khả năng sẽ định đoạt chính sách đối ngoại của Mỹ trong ít nhất 4 năm tới, bởi Trump là người có xu hướng từ bỏ vai trò lãnh đạo toàn cầu của Washington, ưu tiên củng cố lợi ích của Mỹ. Trong khi đó, Tổng thống Biden có quan điểm chính trị truyền thống hơn và muốn tăng cường ảnh hưởng của Mỹ cũng như các đồng minh, đối tác trên toàn cầu.

Tổng thống Putin tái tranh cử

Ngày 8/12, Tổng thống Nga Vladmir Putin thông báo sẽ tái tranh cử vào năm 2024 sau khi Hội đồng Liên bang Nga ấn định thời gian tổ chức cuộc bầu cử.

Ông Putin đã lãnh đạo Nga trong 23 năm qua. Vào năm 2020, Nga sửa đổi hiến pháp để cho phép ông Putin về lý thuyết có thể nắm quyền đến năm 2036.


Tổng thống Nga Vladimir Putin tới thăm một triển lãm ở Moskva hôm 4/12. Ảnh: Reuters

Nhiệm kỳ hiện tại của ông Putin, 71 tuổi, dự kiến kết thúc vào ngày 7/5/2024. Nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm sau, ông Putin sẽ giữ chức tổng thống Nga đến năm 2030 và được quyền tái tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa.

Kết quả các cuộc thăm dò cho thấy ông Putin nhận được ủng hộ từ khoảng 80% người dân Nga và hầu như không ứng viên nào có thể cản đường ông tái đắc cử.

Nếu tái đắc cử, ông Putin nhiều khả năng sẽ tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine và duy trì đối đầu căng thẳng với phương Tây. Nga cũng sẽ tăng cường quan hệ với các quốc gia "thân thiện", đặc biệt là Trung Quốc, nhằm cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ và các đồng minh NATO trên trường quốc tế.

Cuộc đua quyền lực ở Ấn Độ

Gần một tỷ người Ấn Độ sẽ đi bỏ phiếu vào tháng 4 và tháng 5 năm để bầu quốc hội, qua đó quyết định đảng nào sẽ có quyền thành lập chính phủ. Thủ tướng Narendra Modi và đảng BJP theo chủ nghĩa dân tộc của ông đang nỗ lực tìm kiếm nhiệm kỳ thứ ba.


Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu trước lực lượng an ninh trong lễ kỷ niệm lễ hội Diwali tại làng Lepcha hôm 12/11. Ảnh: Reuters

Sự nghiệp chính trị và thành công của ông Modi dựa trên động lực ủng hộ từ hơn một tỷ người theo đạo Hindu ở Ấn Độ, nhưng theo giới phê bình, điều này đã gây ra tâm lý thù địch đối với cộng đồng thiểu số Hồi giáo ở trong nước.

Thủ tướng Modi vẫn nhận được ủng hộ khá mạnh mẽ từ công chúng. Những người đứng về phía ông nói rằng ông là người đã có công rất lớn nâng cao vị thế của Ấn Độ trên trường quốc tế.

Hồi tháng 8, Ấn Độ trở thành quốc gia thứ tư hạ cánh tàu không người lái lên Mặt Trăng sau Nga, Mỹ và Trung Quốc, đồng thời có kế hoạch đưa người lên Mặt Trăng vào năm 2040.

Bầu cử Nghị viện châu Âu


Cuộc bầu cử xuyên quốc gia lớn nhất thế giới vào tháng 6/2024 sẽ chứng kiến hơn 400 triệu cử tri từ 27 nước Liên minh châu Âu (EU) đi bỏ phiếu chọn ra 720 thành viên Nghị viện châu Âu. Họ là những người quyết định các vấn đề của khối, từ phí chuyển vùng điện thoại di động đến quyền riêng tư của dữ liệu trực tuyến.

Cuộc bỏ phiếu sẽ là phép thử về mức độ ủng hộ đối với những người theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu tại châu Âu, vốn đang nổi lên mạnh mẽ sau chiến thắng gần đây của đảng Tự do (PVV) theo đường lối chống Hồi giáo, chống EU tại Hà Lan và việc đảng Anh em Tự do Italy của Thủ tướng Giorgia Meloni thắng cử hồi năm ngoái.

Ca ngợi chiến thắng của ông Wilders, bà Jordan Bardella, chủ tịch đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) Pháp, viết trên Facebook: "Hãy mang tháng 6/2024 đến đây".

(VNX)