Tìm kiếm

Âm lịch

Translate

Đời người gói trong một chữ “độ"

1. ĂN NÓI CÓ MỨC ĐỘ

Người xưa dạy: "Khẩu khai thần khí tán. Thiệt động thị phi sanh", tức là mở miệng nhiều lời sẽ hao tổn thần khí, lưỡi động thường nói chuyện phải trái, hơn thua, đẹp xấu, khen chê, để rồi phải tranh đấu lẫn nhau khiến sinh ra lắm chuyện thương tâm.

Của cải dù to lớn như núi, nhưng miệng ăn lâu ngày cũng hết. Phước đức dù cực khổ gieo tạo nhiều đời, nhưng do tạo nghiệp, phê bình, chỉ trích, nói lời ác, thì trong giây phút cũng có thể tiêu tan.

Phàm là người thông minh, thì họ biết nói những gì cần nói và những gì không, đó cũng là cách mỗi người tự tu dưỡng khẩu đức để không bị "họa từ miệng mà ra".

2. HỌC TẬP CÓ ĐỘ SÂU

Khí chất một người là do thiên bẩm, rất khó để thay đổi. Chỉ có đọc sách mới giúp con người thay đổi khí chất. Cổ nhân quý bởi tướng pháp, nhưng đọc sách cũng có thể thay đổi cốt tướng.

Một người có thể đọc rất nhiều sách, nhưng sau rồi đều quên hết, cho nên có người nói đọc nhiều vậy có ích gì? Kỳ thực đọc sách cũng như ăn cơm vậy, hồi nhỏ có thể nếm qua rất nhiều đồ ăn, nhưng lớn rồi lại quên hết mùi vị của chúng, nhưng có một điều không thể phủ nhận là nó đã thấm vào máu thịt chúng ta, hoà vào làm một.

Một người hàng ngày chịu khó đọc sách, tích lũy tri thức, sự hiểu biết sớm đã hòa quyện vào tâm hồn của họ. Từ cách nghĩ, cách nhìn, cách đối đãi với mỗi một sự việc của họ cũng đã ngày càng thay đổi, chỉ có điều đôi khi chúng ta không nhận ra mà thôi.

3. TẤM LÒNG ĐỘ LƯỢNG

Người rộng lượng được đánh giá là người thành công trong cuộc sống, không những trong các hoạt động cộng đồng, trong công việc mà còn trong cuộc sống cá nhân.

Điểm đặc biệt chúng ta có thể nhận thấy chính là: bất cứ ai cũng có thể trở thành người rộng lượng cho dù họ kiếm được bao nhiêu tiền, giàu có đến đâu… chỉ cần họ thành tâm với người khác. Mọi việc không nên tính toán quá chi li, lùi một bước, biển rộng trời cao. Không nên quá tính toán trước được mất của bản thân, hãy độ lượng đối đãi với những sự việc hay với người từng khiến mình bị tổn thương. Bạn cũng có thể là một trong những số ấy bằng cách trau dồi và rèn luyện tâm thái của mình.

4. TẦM NHÌN CÓ ĐỘ RỘNG

Người ta thường nói: "Dùng một năm để học nói, nhưng dùng một đời để học cách im lặng". Có người chỉ vì chút lợi ích nhỏ nhoi nhưng lại sẵn sàng mở miệng mắng người. Đôi khi chỉ hai đồng bạc lẻ mua rau ngoài chợ cũng khiến họ khẩu chiến với nhau, và kết quả là dù thắng hay thua thì cả hai đều mua cái bực tức vào mình. Nhưng cũng có người, dù bị bạc đãi hay hiểu lầm như thế nào thì họ vẫn ung dung tự tại, thản nhiên, điềm tĩnh. Sự khác biệt ấy nằm ở nhân cách của mỗi người.

Tầm cao khác nhau, tầm nhìn khác nhau, và tâm thái cũng khác nhau. Làm người cũng như thế, khi có một tầm nhìn đủ xa, một nhân cách đủ lớn thì cuộc đời ắt cũng sẽ đủ thản đãng thênh thang.

ST