Tìm kiếm

Âm lịch

Translate

Thế giới năm 2023

Thế giới năm 2023 chấn động với các cuộc xung đột, thiên tai, nắng nóng kỷ lục, đồng thời chứng kiến sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo và kỳ vọng kinh tế cải thiện cho năm sau.

Xung đột Israel - Hamas nổ ra

Hamas ngày 7/10 mở chiến dịch tấn công với quy mô chưa từng có vào loạt ngôi làng, thị trấn biên giới Israel, khiến cường quốc quân sự thứ tư toàn cầu không kịp trở tay, trong khi cả thế giới bàng hoàng bởi mức độ thảm khốc của nó. 1.140 người thiệt mạng và khoảng 240 người bị đưa về Dải Gaza làm con tin, trở thành ngày đẫm máu nhất trong lịch sử quốc gia Do Thái.

Israel huy động hơn 300.000 quân mở chiến dịch tấn công đáp trả quyết liệt vào Dải Gaza với mục tiêu xóa sổ Hamas. Khoảng 30.000 quả bom đã được ném xuống dải đất 2,3 triệu dân, khiến hơn 21.000 người thiệt mạng, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, biến Gaza thành đống đổ nát, gây ra thảm họa nhân đạo chưa từng có khi khoảng 1,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, sống trong cảnh đói khát và bom đạn rình rập.

Nhiều nỗ lực hòa giải đã được thực hiện nhằm xuống thang căng thẳng, dẫn đến lệnh ngừng bắn kéo dài 7 ngày giữa đôi bên, giúp trả tự do cho 105 con tin. Dù vậy, giao tranh vẫn diễn ra ác liệt, Tel Aviv đã mở rộng chiến dịch sang phía nam Dải Gaza, tuyên bố: chỉ dừng lại sau khi "loại bỏ Hamas" và giải cứu hơn 100 con tin còn lại bằng sức ép quân sự.

Liên Hợp Quốc và nhiều nước đã kêu gọi ngừng bắn, lên án các hành động quân sự nhắm vào dân thường, trong khi Mỹ, đồng minh chiến lược của Israel, cũng cảnh báo nguy cơ Tel Aviv thất bại chiến lược nếu tiếp tục gây thương vong lớn cho người dân Gaza. Tuy nhiên, Israel đến nay chưa có dấu hiệu chấp nhận đàm phán với Hamas về ngừng bắn lâu dài.



Dải Gaza trước và trong chiến sự. Video: Guardian

Khủng hoảng ở Gaza tiềm ẩn nguy cơ đẩy Trung Đông vào xung đột quy mô lớn sau thời gian dài yên tĩnh, khi các nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn đe dọa sẽ mở mặt trận thứ hai nhắm vào Israel để chia lửa với Hamas. Trong khi lực lượng Hezbollah ở Lebanon liên tục giao tranh với quân đội Israel ở biên giới, nhóm Houthi ở Yemen tiến hành hàng chục vụ tập kích tàu hàng trên Biển Đỏ, đe dọa một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới, buộc Mỹ phải thành lập liên minh hải quân 20 nước để đối phó.

Cuộc xung đột sẽ kết thúc như thế nào và điều gì sẽ xảy ra sau đó vẫn là những câu hỏi, nhưng chiến sự Israel - Hamas đã khiến thế giới thêm bất ổn và làm tăng rủi ro cho kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh nhân loại hứng chịu nhiều hậu quả vì xung đột Nga - Ukraine.

Triển vọng kết thúc chiến sự Nga - Ukraine sụp đổ

Đầu năm 2023, Ukraine và các đồng minh phương Tây kỳ vọng sẽ sớm chấm dứt chiến sự đã kéo dài hơn một năm bằng cuộc phản công quy mô lớn, đẩy lùi hoàn toàn lực lượng Nga ở miền đông, thậm chí có thể giành lại cả bán đảo Crimea, thay đổi cục diện trên chiến trường, từ đó buộc Moskva ngồi vào bàn đàm phán.



Chiến dịch phản công của Ukraine bế tắc. Video: Reuters, AFP

Khi mùa đông khắc nghiệt đến, cuộc phản công của Ukraine đình trệ, chiến tuyến gần như đóng băng và hai bên đều trong thế bế tắc. Thực tế này khiến chiến sự sẽ kéo dài sang năm 2024, có thể với những trận chiến khốc liệt hơn, khi Nga dần chuyển sang thế tiến công.

Cả hai bên đến nay đều không thể hiện bất cứ ý định đàm phán nào. Giới chuyên gia nhận định xung đột chỉ có thể được giải quyết trên chiến trường. Chỉ khi một bên hứng chịu thất bại nặng nề và nguồn lực dự trữ cạn kiệt, cánh cửa đàm phán mới có thể mở ra để kết thúc cuộc chiến bi thảm nhất ở châu Âu kể từ sau Thế chiến II.

Khi cuộc chiến càng kéo dài, tình trạng chia rẽ, phân cực trên thế giới càng sâu sắc, đối đầu giữa phương Tây và Nga ngày càng quyết liệt, có thể tạo ra những liên minh, khối hợp tác mới, khiến nhân loại khó phối hợp cùng nhau để giải quyết những vấn đề toàn cầu như nguy cơ khủng hoảng lương thực, khí hậu hay ứng phó thiên tai, thảm họa.

59.000 người chết trong thảm họa động đất Thổ Nhĩ Kỳ, Syria

Sáng 6/2, khu vực miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và tây bắc Syria rung chuyển dữ dội trong trận động đất 7,8 độ. Đây là trận động đất mạnh nhất tấn công Thổ Nhĩ Kỳ trong gần một thế kỷ, và cũng là một trong những thảm họa động đất chết chóc nhất thế giới. Hơn 59.000 người thiệt mạng, hàng chục nghìn người bị thương, mức thương vong nặng nề nhất kể từ sau trận động đất năm 2010 ở Haiti.

Trận động đất khiến hơn 160.000 tòa nhà đổ sập hoặc hư hại nghiêm trọng, tạo ra 100 triệu mét khối gạch vụn, bê tông, sắt thép và các vật liệu xây dựng khác, đủ để bao phủ một nửa thủ đô Washington của Mỹ trong đống đổ nát cao một mét. Các chuyên gia kinh tế nhận định Ankara cần tới 100 tỷ USD để tái thiết nhà ở và hạ tầng công cộng sau thảm họa.

Không chỉ gây ra thảm họa nhân đạo quy mô lớn, vụ động đất còn phơi bày nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý xây dựng tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cơn sốt xây dựng được chính quyền Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thúc đẩy từ năm 2019 đã khiến hàng nghìn công trình mọc lên mà không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn, để rồi nhiều chung cư cao cấp đổ sập như giấy trong động đất. Hơn 600 người liên quan đã bị điều tra, trong đó có hàng loạt nhà thầu, chủ sở hữu bất động sản, đơn vị sửa chữa.

Tại Syria, động đất còn khoét sâu thêm vết thương chiến tranh của người dân ở khu vực tây bắc nước này, vốn đã mắc kẹt trong giao tranh giữa quân đội chính phủ và các nhóm nổi dậy. Hàng nghìn nạn nhân được chôn trong mộ tập thể, trong khi gần 300.000 người ở tỉnh Aleppo phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất.



Người dân thị trấn Jindayris, tỉnh Aleppo, Syria, đào mộ tập thể chôn người thiệt mạng sau trận động đất. Video: Reuters

Dù vậy, thảm họa cũng cho thấy tình người và lòng nhân đạo tỏa sáng trong nghịch cảnh như thế nào. Hàng loạt quốc gia đã quyên góp tiền hỗ trợ các nạn nhân và gửi những đội tình nguyện tới hiện trường để trực tiếp tham gia cứu hộ, góp phần giúp người dân Thổ Nhĩ Kỳ, Syria vượt qua thảm kịch.

Donald Trump bị truy tố

Ông Trump hồi tháng 3 trở thành cựu tổng thống đầu tiên bị truy tố trong lịch sử Mỹ, khi tòa án New York đưa ra cáo trạng điều tra ông chi tiền "bịt miệng" sao khiêu dâm, ém thông tin bất lợi khi tranh cử năm 2016.

Tỷ phú 77 tuổi sau đó đối mặt thêm ba vụ truy tố cấp bang và liên bang, gồm giữ trái phép tài liệu mật, tìm cách lật ngược kết quả bầu cử năm 2020, dẫn đến vụ bạo loạn ở quốc hội Mỹ tháng 1/2021 và âm mưu thay đổi kết quả bầu cử năm 2020 tại bang Georgia. Ông cũng là tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử phải chụp ảnh hồ sơ khi trình diện nhà tù Atlanta, Georgia.
Ảnh lưu hồ sơ nhà tù của Trump. Ảnh: Cảnh sát hạt Fulton

Với 91 tội danh bị cáo buộc, ông Trump đối mặt án tù lên tới hơn 717 năm nếu bị kết tội. Tuy nhiên, ông vẫn đủ điều kiện tranh cử tổng thống năm 2024, do hiến pháp Mỹ không cấm người bị truy tố chạy đua vào Nhà Trắng.

Tuy nhiên, Trump đã tận dụng điều này để truyền đi thông điệp mình là nạn nhân của "cuộc săn phù thủy", qua đó lôi kéo người ủng hộ. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy ông giữ vị thế dẫn đầu và ngày càng gia tăng khoảng cách so với những ứng viên còn lại của đảng Cộng hòa. Ông thậm chí còn dẫn trước ứng viên hàng đầu đảng Dân chủ là Tổng thống Joe Biden trong một số cuộc khảo sát.
Tỷ lệ ủng hộ các ứng viên nội bộ đảng Cộng hòa từ đầu năm 2023 đến ngày 19/12. Ảnh: Real Clear Politics

Rắc rối pháp lý với ông Trump tăng lên sau khi Tòa án Tối cao Colorado ra phán quyết gạt tên cựu tổng thống khỏi phiếu bầu sơ bộ ở bang này, cho rằng ông có liên quan đến vụ bạo loạn Đồi Capitol, do đó không đủ tư cách để giữ vị trí tổng thống. Tòa án Tối cao Mỹ đầu tháng sau sẽ quyết định có thụ lý sự việc theo kháng cáo của ông Trump hay không.

Phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ nhiều khả năng sẽ khoét sâu thêm chia rẽ trong dư luận Mỹ, cũng như định đoạt số phận chính trị của ông Trump và cục diện cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11/2024. Nếu ông chiến thắng trong cuộc bầu cử, nước Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử sẽ có một tổng thống đồng thời là bị cáo và có nguy cơ phải ngồi tù.

Kịch bản này nhiều khả năng sẽ khiến chính sách đối nội, đối ngoại của Mỹ trong nhiệm kỳ hai của Trump sẽ trở nên khó đoán định hơn, cũng như làm sâu sắc hơn tình trạng phân cực ở nước Mỹ và trên thế giới.

Nhiệt độ toàn cầu cao kỷ lục

2023 là năm nóng nhất được ghi nhận, với nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt 15,1 độ C, cao hơn 1,4 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là mức cao nhất trong 125.000 năm qua. "Biến đổi khí hậu là đây. Nó thật đáng sợ. Và đó mới chỉ là sự khởi đầu", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói, cảnh báo kỷ nguyên "sôi sục toàn cầu" đã đến với những hậu quả khó lường.



Nhiệt độ đại dương ở mức nóng hơn trung bình (thể hiện qua màu đỏ) trên khắp thế giới trong nửa đầu tháng 6. Video: Scott Duncan

Châu Âu là châu lục đang nóng lên nhanh nhất thế giới, nóng lên gấp đôi mức trung bình toàn cầu kể từ những năm 1980. Trung Quốc, sau một mùa hè khô hạn và nắng nóng cực đoan, đang hứng chịu mùa đông lạnh chưa từng có, khi "xoáy Bắc Cực" suy yếu do biến đổi khí hậu và không thể ngăn không khí cực lạnh từ khu vực này tràn xuống phía nam.

Thế giới đã tăng cường đầu tư vào năng lượng sạch, nghiên cứu các công nghệ mới giúp giảm phát thải cũng như hút CO2 ra khỏi bầu khí quyển. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hoài nghi về mức độ hiệu quả của các công nghệ đó, khi việc sản xuất và phát thải nhiên liệu hóa thạch tiếp tục gia tăng.

Biến động nhiệt độ trung bình toàn cầu qua các năm. Đồ họa: Berkeley Earth

Hội nghị khí hậu toàn cầu COP28 đã đạt được thỏa thuận kêu gọi các nước "chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng một cách công bằng, có trật tự và hợp lý, thúc đẩy hành động trong thập kỷ quan trọng này, để đạt được mức 0 ròng vào năm 2050", nhưng không nhất trí được về nỗ lực "loại bỏ nhiên liệu hóa thạch", khiến nhiều người lo ngại nhân loại có thể đã bỏ lỡ cơ hội tránh biến đổi khí hậu thảm khốc.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu đi xuống

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong báo cáo mới nhất dự báo GDP toàn cầu năm nay chỉ tăng 3%, thấp hơn 3,5% năm ngoái và dưới trung bình giai đoạn 2000 - 2019 là 3,8%. Cơ quan này nhận định tăng trưởng toàn cầu đi xuống là hậu quả của chính sách thắt chặt tiền tệ của các nền kinh tế tiên tiến, khi ngân hàng trung ương các nước ồ ạt nâng lãi suất để ghìm lạm phát và đối phó tác động từ chiến sự Nga - Ukraine.

Lãi suất cao đã giúp các nước giảm lạm phát từ mức hai chữ số về 2-3%, nhưng cũng gây ra nhiều hệ lụy với nền kinh tế toàn cầu. Khu vực đồng euro, Đức, Anh đang cận kề suy thoái, khi GDP quý trước co lại. Nhiều ngân hàng địa phương tại Mỹ sụp đổ trong nửa đầu năm vì lãi suất cao. Yen Nhật, đồng tiền vốn được ưa chuộng trong thời kỳ biến động, cũng trở nên kém hấp dẫn vì chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và các nước phương Tây.
Người dân xếp hàng bên ngoài văn phòng của Silicon Valley Bank hôm 13/3 ở California, sau khi ngân hàng này sụp đổ. Ảnh: AFP

Khi nền kinh tế có dấu hiệu chịu tổn thương từ chính sách thắt chặt, các ngân hàng trung ương buộc phải dừng đà tăng lãi suất. Sau 10 lần tăng liên tiếp, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất nửa năm qua, nhằm đánh giá thêm ảnh hưởng từ các động thái trước đó lên nền kinh tế. Mỹ được dự báo có thể giảm lãi suất ngay từ tháng 3/2024, với tổng cộng mức giảm năm sau có thể lên hơn 150 điểm (1,5%).

Nhiều ngân hàng trung ương khác cũng nối gót, góp phần tác động mạnh đến thị trường tài chính toàn cầu. Giá vàng thế giới tăng mạnh nửa cuối năm, có thời điểm lập đỉnh mới tại 2.135 USD một ounce. Chứng khoán Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản đều khởi sắc trong tháng này.

Trí tuệ nhân tạo bùng nổ

Bước vào năm 2023, thế giới chứng kiến một cơn sốt toàn cầu về trí tuệ nhân tạo (AI), với công cụ ChatGPT được công ty OpenAI tung ra, mở màn cho làn sóng bùng nổ của AI trong năm qua. Ngoài ChatGPT, nhiều hãng công nghệ lớn cũng cho ra mắt chatbot tương tự như Google với Bard, Microsoft có Bing Chat, xAI với Grok, Baidu với Ernie Bot. Sự xuất hiện của AI tạo sinh giúp xóa bỏ hình ảnh về các trợ lý trí tuệ nhân tạo tẻ nhạt, kém linh hoạt tồn tại hàng chục năm qua.

Theo khảo sát mới nhất của McKinsey Global, chưa đầy một năm sau khi các công cụ này ra mắt, hơn 30% người được hỏi cho biết tổ chức của họ đang sử dụng AI tạo sinh cho ít nhất một chức năng kinh doanh. Gần 25% số giám đốc được hỏi cho biết họ đang sử dụng công cụ AI cá nhân cho công việc, 40% nói rằng tổ chức của họ sẽ tăng đầu tư vào AI vì những lợi ích mà chúng mang lại.
Dự báo giá trị thị trường AI. Đồ họa: McKinsey Global

Sự bùng nổ của AI đã gây ra tranh luận về việc công nghệ này đang mở ra kỷ nguyên mới cho sáng tạo và thịnh vượng của con người, hay sẽ tạo ra tương lai đầy bất trắc với nhân loại. Một số người cảnh báo AI có thể gây ra tình trạng thất nghiệp hàng loạt, làm trầm trọng thêm bất bình đẳng xã hội, đặt ra vấn đề về đạo đức kỹ thuật số, cũng như có nguy cơ phát triển nhanh hơn khả năng kiểm soát của con người.

Nhưng các nhà quan sát đánh giá công nghệ này đang tạo ra những đột phá khoa học với tốc độ chưa từng có, cho phép nhanh chóng tạo ra những loại thuốc mới, giải mã nhiều bí ẩn y học, cũng như hỗ trợ đắc lực cho con người trong công việc và giải trí. Giáo viên, học sinh có thể dùng chatbot như công cụ hỗ trợ cho các môn cần tóm tắt lượng lớn thông tin, trong khi lãnh đạo doanh nghiệp có thể chuẩn bị các bài phát biểu, soạn email cho nhân viên, đối tác bằng văn phong phù hợp với sự hỗ trợ của AI.

Kỳ vọng lạc quan năm 2024

Tại hội nghị G20, ông Guterres cho rằng thế giới của chúng ta, đặc biệt là các nước đang phát triển, phải đối mặt với rất nhiều thách thức như bất bình đẳng gia tăng, xung đột và đói nghèo lan rộng, khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp.

Nhưng nhân loại vẫn trông đợi vào tương lai tươi sáng hơn với những tiến bộ nhanh chóng của khoa học công nghệ và các nỗ lực nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau thời gian khó khăn vì đại dịch và xung đột. Theo một khảo sát tiến hành ở 34 quốc gia trên 5 châu lục, khoảng 70% dư luận thế giới lạc quan rằng tình hình sẽ tích cực hơn, khoảng 50% tin rằng kinh tế toàn cầu sẽ cải thiện trong năm tới.

"2023 có thể là năm bước ngoặt của nhân loại với nhiều biến động và thách thức", Julie Kofoed, giám đốc cấp cao tại Sáng kiến Phát triển Bền vững, đánh giá. "Nhưng lịch sử đã cho thấy rằng trong những thời điểm khó khăn, hỗn loạn, những điều mới mẻ sẽ xuất hiện và sinh sôi".

(Nguồn: VnExpress)