2025

Cùng đếm ngược đến năm mới 2025! 🎉

00

Ngày

00

Giờ

00

Phút

00

Giây

Vén màn 'đại chiến' hạ giá: Đến siêu thị điện máy, trả giá như ở chợ

Nhiều người đến các siêu thị điện máy không bao giờ trả giá vì nghĩ giá niêm yết là chuẩn rồi. Nhưng thực tế vì cạnh tranh giá lẫn nhau, người biết so sánh, mặc cả có thể được giảm số tiền lớn.


So với giá báo ban đầu, khách hàng có thể tiết kiệm từ vài trăm ngàn đến cả triệu đồng sau khi trả giá ở nhiều cửa hàng điện máy lớn - Ảnh: BÔNG MAI


Khốc liệt, chiến giá, bao giá... là những cụm từ diễn tả cuộc cạnh tranh trên thị trường điện máy trong khoảng năm tháng gần đây.

Không biết đâu là giá cuối

Vào siêu thị điện máy lớn, giá đều được in sẵn và niêm yết trên bảng thông tin đính kèm sản phẩm nên hiếm ai suy nghĩ trả giá. Tuy nhiên, nhiều tháng gần đây tình hình đã thay đổi mà không phải khách hàng nào cũng biết.

Mặc dù bị ngợp với những quảng cáo "bao rẻ", "rẻ quá"..., nhưng khi bước vào trong để mua, nếu khách không trả giá, có khả năng bị hớ tiền triệu.

Tuổi Trẻ khảo sát nhiều địa điểm kinh doanh điện máy tại TP.HCM trong vòng nửa năm qua, cho thấy tình trạng chiến giá khá lộn xộn.

Điển hình như khi bước vào cửa hàng Điện Máy Xanh trên trục đường Trần Quang Khải (quận 1), một nam nhân viên giới thiệu tủ lạnh Samsung loại hai cánh và tivi Samsung loại 65 inch với giá lần lượt 14,99 triệu đồng và 25,69 triệu đồng.

Để chốt đơn lẹ, người bán cho biết đang có chính sách khuyến mãi khi mua cùng lúc hai sản phẩm và giảm thêm 916.000 đồng với tủ lạnh, giá tivi giữ nguyên.

Nam nhân viên cũng khẳng định nếu biết ai mua hàng ở nơi khác như Nguyễn Kim, Chợ Lớn... có giá rẻ hơn, "thì anh chị cứ mang bill (hóa đơn) đến, em sẽ hoàn tiền đúng số tiền chênh lệch đó, bên em chiến bằng giá với bên đó luôn".

Nhân viên nhanh nhảu khuyên khách nên chốt đơn sớm, giá đang rẻ. Ngay sau đó người này báo với quản lý để xuất phiếu biên nhận thu tiền (khách chỉ cần chốt sản phẩm và thời gian giao là nhận được phiếu này, không cần trả tiền trước).

Cùng ngày, chúng tôi đến siêu thị Điện máy Chợ Lớn (Chợ Lớn) trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3). Cũng chiếc tủ lạnh Samsung như trên, nhân viên báo "giá cuối" 14,99 triệu đồng (tương tự Điện Máy Xanh - PV), khẳng định đây là giá "rẻ nhất từ trước giờ" của mẫu này.

Để tăng tính thuyết phục, nhân viên ở siêu thị còn đóng vai khách hàng và điện lên tổng đài của chính Chợ Lớn để hỏi giá, chứng minh giá "tại sàn" (mua trực tiếp) thấp hơn giá mua online.

Diễn biến này khá bất ngờ, vì trước và sau thời điểm này, khách hàng chỉ biết đến chuyện nhân viên ở nhiều hệ thống bán lẻ khác điện thoại lên đường dây nóng của đối thủ để đọ giá chứ không phải điện lên hệ thống online của chính mình như chứng kiến ở Chợ Lớn.

Khi đề cập đến giá ở Điện Máy Xanh, nhân viên khẳng định: "Thường cao hơn Chợ Lớn bên em nhiều, không thể bán bằng Chợ Lớn bên em", đồng thời khẳng định siêu thị "bao giá", hoàn tiền nếu sau khi mua khách phát hiện Điện Máy Xanh, Nguyễn Kim... rẻ hơn.

Xem thêm tivi Samsung 65 inch, cũng hỏi về "giá cuối", một nhân viên nữ báo giá hơn 24,9 triệu đồng, giảm hơn 770.000 đồng so với giá công khai đặt cạnh sản phẩm (thấp hơn giá 25,69 triệu đồng ở Điện Máy Xanh).

Sau khi trao đổi, nhân viên Chợ Lớn đưa ra "Phiếu thông tin khách hàng" thể hiện giá của tủ lạnh và tivi (viết tay) nhằm xác nhận lại trước khi ra biên nhận để "giữ đất", kích hoạt bảo hành.

Trường hợp khách muốn giao hàng rồi mới đưa tiền, người bán cho biết cần đặt cọc một phần phí vì đơn hàng giá trị lớn. Đồng thời sau khi đơn hàng được ra, trong vòng 30 ngày nếu khách muốn đổi sản phẩm khác sẽ bị phạt 20%.


So sánh giá tivi (Samsung QLED 4K QA65LS03B) và tủ lạnh (Samsung RS62R5001M9) trước và sau trả giá

Ngã giá tiết kiệm tiền triệu

Vào bên trong trung tâm mua sắm Nguyễn Kim rộng lớn với sáu tầng, nằm ngay quận 1, sau khi hỏi giá chiếc tivi Samsung, một nhân viên nữ báo 30,4 triệu đồng và khẳng định đây là "giá cuối".

Khi khách hàng cho xem giá bán trên website của Chợ Lớn, kèm thông tin trên tờ giấy viết tay (giá rẻ hơn website) vừa nhận được, nhân viên trên vẫn lặp lại giá ban đầu.

Tuy nhiên, ngay sau đó nhân viên nữ này chia sẻ: "Tại vì giá bên em là giá niêm yết luôn. Còn nếu anh chị tin tưởng bên em là hàng mới nguyên thùng thì em sẽ xin giá bằng với Chợ Lớn".

Người này khẳng định hàng bên mình đảm bảo mới 100% và dịch vụ tốt hơn, xin chụp tờ giấy viết tay có giá Chợ Lớn đã giảm và rời đi vài phút.

Trong lúc chờ đợi, khách hàng tới hỏi mua tủ lạnh, một nam nhân viên của Nguyễn Kim báo giá 14,99 triệu đồng (giống Điện Máy Xanh). Khách nhắc về "cuộc chiến giá", người này báo có thể giảm thêm tối đa 3%.

Một lúc sau, nhân viên chốt giá: tủ lạnh 14,4 triệu đồng (giảm thêm khoảng 500.000 đồng) và tivi hơn 24,9 triệu đồng - rẻ hơn tới 6 triệu đồng so với giá báo ban đầu.

"Giờ thị trường cũng cạnh tranh khốc liệt quá. Nên nói về giá thì không có giá cuối, chỉ có giá mình hợp lý cho người mua", nam nhân viên ở Nguyễn Kim chia sẻ.

Sau khảo sát giá ở Chợ Lớn và Nguyễn Kim, khách hàng quay lại cửa hàng Điện Máy Xanh và được người quản lý cửa hàng làm thủ tục để giảm thêm 554.000 đồng đối với tivi.

Không cho khách khác biết đang "chiến giá"

Cuộc chiến về giá không chỉ diễn ra ở tivi, tủ lạnh... mà còn lan tới các mặt hàng được nhiều người tiêu dùng quan tâm như điện thoại, máy tính...

Tại cửa hàng CellphoneS (đường Nguyễn Thái Học, Q.1), chỉ vào chiếc điện thoại iPhone, nhân viên báo giá gần 26,4 triệu đồng, đồng giá tất cả các màu.

Hỏi về chính sách giảm giá, người bán cho biết chỉ thành viên SVIP - cấp khách hàng thân thiết cao nhất tại CellphoneS - mới được giảm thêm 1%.

Tuy nhiên sau khi khách hàng so sánh với giá của Nguyễn Kim, nhân viên nữ nhanh chóng đồng ý bán "đồng giá", tức rẻ hơn 100.000 đồng.


Tư vấn mua điện thoại di động cho khách hàng tại CellphoneS, quận 1, TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH

Khách hàng tiếp tục so giá với Chợ Lớn, nhân viên bán hàng ở CellphoneS đi vào bên trong một lúc rồi quay ra báo lại giá cuối rẻ hơn 300.000 đồng so với giá công khai nhưng vẫn cao hơn Chợ Lớn khoảng 300.000 đồng.

Tới quầy trưng bày điện thoại Samsung Galaxy S23 Ultra bản 256GB, khách hàng dễ dàng đọc được giá gần 23,8 triệu đồng.

Nhân viên tiếp tục khẳng định "giá này là giá cuối". Khi khách hàng bày tỏ muốn giảm thêm, người bán nói giảm khoảng vài trăm, nếu có thẻ sinh viên giảm khoảng 5%.

Đến khi khách so sánh với giá của Chợ Lớn, người bán cho biết không thể giảm hơn cả triệu như vậy.

Tuy vậy, chỉ lát sau, một nam nhân viên của CellphoneS gọi khách đi vào phía trong: "Bước lại đây chị. Tại bên em đang chiến giá cho chị á, chị đó (khách hàng khác đang lựa điện thoại - PV) nghe không được".

Kết quả nhân viên báo có thể giảm tối đa 1 triệu so với giá công khai, tức còn gần 22,8 triệu đồng, đồng thời khẳng định đây là mức giảm rất tốt, bình thường chỉ "chiến" 300.000 - 500.000 đồng.

Tỏ ý giá trên vẫn cao hơn bên Chợ Lớn, muốn đi chỗ khác tham khảo thêm, nam nhân viên nói: "Em chỉ chiến trong vòng 15 phút thôi, đây chỉ dành cho anh chị thôi, hổng có người khác cũng hổng có sau giờ đó luôn".

Khách nói sẽ qua cửa hàng Thế Giới Di Động kế bên để coi giá trong vòng 15 phút, nam nhân viên hỏi một người nào đó ở phía trong và chốt vẫn giữ "giá chiến" đến tối cùng ngày.

Qua cửa hàng Thế Giới Di Động bên cạnh, nhân viên ở đây tiết lộ chiến giá sẽ tập trung ở khu vực có đông đối thủ xung quanh, còn điểm nào ít có cửa hàng đối thủ sẽ không chiến giá, tức là chiến giá theo vùng. Với điện thoại cùng loại, nam nhân viên cho biết "sẵn lòng" hạ giá như cửa hàng bên cạnh.

Không chỉ chiến giá, bao giá với các đơn vị lớn như CellphoneS, Điện máy Chợ Lớn..., có cửa hàng thuộc Công ty cổ phần đầu tư Thế Giới Di Động còn chấp nhận "chơi tới bến", kè giá với chuỗi nhỏ hơn như Di Động Việt.

(Nguồn Tuổi trẻ)