Tìm kiếm

Âm lịch

Translate

400 tấn vàng cất trong két nhà dân: Tìm cách giảm tích trữ, đưa vào lưu thông

Nhiều chuyên gia đề nghị thay đổi cách thức quản lý hoạt động kinh doanh vàng bằng việc thành lập sàn giao dịch vàng, giao dịch vàng qua tài khoản, người dân không phải mua vàng về để trong nhà tích trữ, từ đó huy động khoảng 400 tấn đang nằm trong két nhà dân.

Đề xuất lập sàn giao dịch vàng

Chia sẻ tại tọa đàm "Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, GS.TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết, Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2012/NĐ-CP nhằm hạn chế tình trạng "vàng hóa", dùng vàng để thay thế các công cụ thanh toán. Việc ban hành Nghị định 24/2012 là rất kịp thời, gần như đã chấn chỉnh được tình trạng dùng vàng làm công cụ giao dịch. Tuy nhiên, đến nay, tình hình thay đổi rất nhiều. Về kinh tế vĩ mô, về quan hệ tài chính, tiền tệ, quan hệ quốc tế… có rất nhiều thay đổi.

Thực tế, những năm qua, hầu như Nhà nước lấy một thương hiệu vàng SJC là thương hiệu vàng quốc gia. Vàng ngoài độc quyền thì đáng sản xuất vẫn phải sản xuất, phải cung ra, nhưng trên thực tế thì hầu như không có chuyện sản xuất thêm vàng miếng.

Trong khi đó, tâm lý của không chỉ người dân Việt Nam mà cả thế giới là tích trữ vàng để đảm bảo an toàn, phòng tránh rủi ro. Vàng SJC lại được xác định là vàng thương hiệu quốc gia thì đương nhiên người dân tích lũy sẽ chọn vàng tin cậy nhất là vàng SJC.

Điều này tạo ra sự không bình đẳng giữa vàng 9999, chất lượng như nhau nhưng SJC được bảo hộ nên giá lúc nào cũng cao hơn.

Thêm vào đó là tình trạng nhập khẩu vàng không liên thông nên không tạo sự cân bằng được giữa thị trường vàng trong nước và thế giới. Do đó, khi thế giới tăng một chút thì giá vàng ở Việt Nam tăng rất cao. Giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch dẫn đến tình trạng nhập lậu, lợi nhuận càng cao buôn lậu càng lớn.

Ngoài ra, hiện cũng có tình trạng không bình đẳng giữa những vàng miếng như nhau, có thể chất lượng cùng 9999 như nhau nhưng vàng tên SJC Nhà nước bảo hộ thì giá rất cao. Các vàng khác không được bảo hộ thì đương nhiên giá sẽ thấp.

"Như vậy sẽ không thể quản lý tốt thị trường vàng, làm thất thu thuế, không tạo ra cạnh tranh, minh bạch và bình đẳng. Cần thay đổi, sửa đổi quy định Nghị định số 24 và không nhất thiết độc quyền nhà nước về thương hiệu vàng", ông Cường cho hay.



Ông Cường đề xuất có thể cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất vàng miếng để đáp ứng nhu cầu của người dân. Khi cung được tự do, được cạnh tranh bình đẳng thì người dân tiếp cận vàng tích lũy sẽ dễ hơn, sẽ không còn tình trạng khan hiếm nữa. Tâm lý càng khan hiếm càng giá tăng, càng đi mua. Giờ không khan hiếm nữa thì sẽ đỡ hơn.

Bên cạnh đó, vàng là thị trường liên thông, biến động mạnh nên cần phải mở các công cụ liên thông thị trường vàng trong nước và quốc tế, xuất nhập khẩu với phương thức phù hợp, không duy trì cơ chế cấp phép, cấp quota theo dạng xin - cho mà cần quản lý bằng công cụ tài chính, đảm bảo tính cân đối trong nhập khẩu vàng, tránh rủi ro tài chính. Cần phải có các phương thức giao dịch đa dạng hơn. Xu thế giao dịch của thế giới là mở ra phương thức kinh doanh trên sàn kinh doanh thông qua hợp đồng kinh doanh, thông qua các tín chỉ về vàng.

Đại biểu này phân tích: nếu chúng ta mở thêm các hình thức kinh doanh vàng qua tài khoản thì khi đó sẽ không bị lệ thuộc quá vào việc nhập khẩu nhiều vàng vào hay ít vàng vào mới có vàng mà người ta có thể sử dụng các công cụ như công cụ phái sinh sẽ cân đối được ngay cung cầu. Như vậy chúng ta sẽ điều hành rất linh hoạt và đặc biệt khi đó không còn tình trạng người dân mua vàng về xong để trong nhà tích trữ, làm chết một khối lượng tiền ở đấy. Khi chúng ta giao dịch vàng trên tài khoản thì người ta không nhất thiết phải mang vàng về nhà, không phải mất công cất trữ, vàng đó được lưu thông ở trên thị trường, sẽ tạo ra sinh lợi, tạo nguồn vốn đưa vào lưu thông, mang lại nhiều tác động tốt cho nền kinh tế cũng như đảm bảo lợi ích của mỗi người dân.

Ông Cường chỉ ra thực tế nhu cầu người dân sở hữu mua bán vàng miếng không phải để làm trang sức mà tích trữ, phòng rủi ro, phòng thân là chính. Nếu chỉ duy trì thị trường vàng vật chất, mua vàng về bỏ tủ, cất két thì đồng tiền đó có sinh lời và lưu thông hay không?. Vì thế, khi có sàn vàng thì thay đổi tâm lý, thay vì mua vàng thì mua chứng chỉ vàng, người dân sẽ yên tâm hơn và tiện lợi hơn, không lo cất trữ vàng. Vàng khi đó sẽ nằm trên thị trường và là hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Ông Cường cũng cho rằng, khi sử dụng công cụ phái sinh, bán vàng theo hợp đồng và tương lai nhập khẩu vàng theo thị trường cũng đảm bảo thị trường minh bạch hơn, ngăn chặn nhập khẩu lậu và trốn thuế.


GS.TS. Hoàng Văn Cường (Ảnh: VGP)

Làm sao để hút 400 tấn vàng trong két nhà dân?

Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho biết, quốc tế coi vàng là hàng hóa. Có hai loại vàng là vàng vật chất và vàng phi vật chất. Vàng vật chất gồm vàng thỏi, vàng miếng, đồng tiền vàng, trang sức. Còn vàng phi vật chất bao gồm vàng tài khoản và các chứng chỉ về vàng được giao dịch rất thông dụng trên thị trường.

Nghị định 24/2012 chỉ đề cập vàng vật chất. Đặc biệt, vàng miếng SJC được chọn là thương hiệu quốc gia do nhà nước sản xuất và độc quyền kinh doanh vàng miếng.

Trên thế giới, kể cả tại các nền kinh tế lớn, ngân hàng trung ương không quản lý trực tiếp về kinh doanh vàng bởi họ quan niệm vàng là một loại hàng hóa thông thường.

Tại các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan thì có Bộ Thương mại hoặc Bộ Công Thương, Bộ Kinh tế quản lý. Ngân hàng Nhà nước chỉ quản lý về ngoại hối, điều tiết các dòng tiền ngoại tệ. Và các ngân hàng Trung ương ở các nước chỉ có vai trò dự trữ quốc gia, điều phối vàng như là một tài sản để dự trữ quốc gia. Đây là một công cụ để bảo đảm an ninh tiền tệ. Như vậy, ngân hàng Trung ương ở các nước không trực tiếp quản lý vàng.

Ở Việt Nam, vàng được xem là phương tiện tích trữ, phòng ngừa rủi ro và lạm phát. Ông Hùng nhìn nhận, đồng tiền Việt Nam ổn định, tỷ giá ổn định. Vì vậy, người dân không dùng vàng làm phương tiện thanh toán, không có khái niệm "vàng hóa".

Vì thế, nếu không khuyến khích người dân tích trữ vàng miếng nữa, theo chủ trương của Nhà nước là tập trung vào sản xuất trang sức để tăng giá trị thặng dư, tập trung vốn vào sản xuất và xuất nhập khẩu thì phải xem xét lại cách thức quản lý thị trường vàng hiện nay. Nếu chúng ta quan niệm giống như các nước trên thế giới, vàng là một loại hàng hóa thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không quản lý trực tiếp thị trường vàng nữa.

Đồng quan điểm, TS. Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết, đã đến lúc chúng ta thấy rằng Nghị định 24/2012 đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình và cần có sự thay đổi tư duy về cách quản lý thị trường vàng.

Theo ông Đạt, NHNN chỉ nên thực hiện quản lý và hoạch định hành chính, chính sách, điều tiết, dự trữ ngoại hối bằng vàng theo các pháp lệnh hiện hành mà không tham gia sản xuất kinh doanh và điều tiết thị trường vàng và các biện pháp hành chính, không trực tiếp can dự vào quá trình kinh doanh vàng, trả lại việc kinh doanh vàng cho thị trường.

Thị trường vàng Việt Nam đã đến lúc phải liên thông với thị trường thế giới, phải loại bỏ chênh lệch giá, đặc biệt là chênh lệch giá vàng SJC như hiện nay bằng các giải pháp thị trường, sản xuất vàng miếng phải trao cho thị trường.

Đồng thời, chính sách quản lý thị trường vàng tiến tới tự do hoá xuất nhập khẩu thông qua quản lý thị trường hàng hoá, Nhà nước chỉ điều tiết về chính sách như các nước khác trên thế giới.

Một việc nữa là phải sớm chuyển đổi thị trường vàng vật chất sang thị trường vàng kỳ hạn, giao dịch thông qua các hợp đồng.

Theo vị chuyên gia này, nhiều nước cho phép huy động vốn thông qua chứng chỉ, chứng nhận vàng do Nhà nước - NHNN phát hành để đảm bảo an toàn. Việc mua bán chứng chỉ, chứng nhận vàng phải tuân theo quy luật chặt chẽ vì đây là loại hàng hóa đặc biệt.

Ông Đạt cho rằng, quản lý thị trường vàng phải có giải pháp thích hợp để huy động được khối lượng vàng lớn trong dân hiện nay. Chúng ta ước tính có khoảng 400 tấn vàng vẫn nằm trong két của người dân.

Ông Đạt đề nghị NHNN cần huy động với điều kiện, tiêu chí cụ thể với thị trường vàng, sở giao dịch vàng, thông qua việc tham khảo kinh nghiệm nhiều nước để cho phép sở giao dịch hàng hóa được giao dịch mặt hàng vàng thông qua các hợp đồng kỳ hạn, quyền chọn. Các thành viên tham gia phải đáp ứng được tiêu chuẩn chặt chẽ.

“Cần thành lập quỹ tín thác bằng vàng. Chứng chỉ quỹ này có thể được đưa lên sở giao dịch, hoặc tham gia các chương trình phái sinh hiện đại, mới giúp quỹ có vai trò như quỹ bình ổn, giảm áp lực lên chính sách vĩ mô”, ông Đạt nêu ý kiến.

Với vàng trang sức, ông Đạt đề xuất: Nên trở lại mức thuế suất 0% thì thị trường vàng trang sức của chúng ta mới có sự cạnh tranh với các nước trong khu vực. Thêm nữa, việc kinh doanh mặt hàng này nên trở thành điều kiện bình thường, không cần có điều kiện.

(VNF)