2025

Cùng đếm ngược đến năm mới 2025! 🎉

00

Ngày

00

Giờ

00

Phút

00

Giây

Hàng triệu USD tiền mặt từ đâu ra?

Trong nhiều đại án, gần nhất là vụ Việt Á, có những khoản "cảm ơn" triệu đô la Mỹ tiền mặt. Dư luận thắc mắc ngoại tệ tiền mặt ở đâu ra, có bất thường, thậm chí có ý kiến cho rằng cần phải siết lại quản lý ngoại tệ tiền mặt.


Giao dịch USD tại một ngân hàng ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bài viết này thông tin sơ nét về quy định quản lý ngoại hối nói chung và sự tồn tại của ngoại tệ tiền mặt, trong đó có USD trong nền kinh tế Việt Nam.

"Sổ đỏ" cho ngoại tệ tiền mặt

Khoảng 20 năm trước, khi nền kinh tế Việt Nam còn liên tục chịu những đợt biến động của giá vàng và USD, pháp lệnh ngoại hối đã ra đời, trong đó có xác định nguyên tắc người dân được cất giữ ngoại tệ tiền mặt.

Đây được xem là "sổ đỏ" - pháp luật công nhận các quyền về tài sản - để người dân thực hiện các quyền về sở hữu ngoại tệ.

Tuy nhiên, cũng tương tự như quy định về đất đai thuộc sở hữu toàn dân theo đó người dân có các quyền sử dụng đất, với ngoại tệ cũng thế.

Ngay từ năm 2005, pháp lệnh ngoại hối đã cho phép người có ngoại tệ được cất giữ, cho, tặng, mang theo người... nhưng không được bán tràn lan, mà chỉ được bán cho tổ chức tín dụng nhưng phải là đơn vị được cấp phép (gọi chung là ngân hàng).

Vì sao quyền về ngoại tệ thì thoáng nhưng lại được chỉ bán cho ngân hàng?

Là bởi vì ngoại tệ của cá nhân nhưng là nguồn lực của quốc gia, do vậy phải bán cho ngân hàng để phục vụ nhu cầu phát triển đất nước (nhập khẩu, dự trữ ngoại hối..., dự trữ ngoại hối càng lớn càng củng cố vị thế, giá trị của VND) - đây là nguyên tắc quan trọng về quản lý ngoại hối phù hợp với tình hình Việt Nam.

Ngoài ra còn có một nguyên tắc là trên lãnh thổ Việt Nam chỉ được phép thanh toán bằng VND (trừ một số trường hợp ngoại lệ), nên muốn thanh toán phải bán cho ngân hàng.

Với quy định như vậy, người có ngoại tệ thoải mái thực hiện các quyền về tài sản của mình và thực tế thị trường ngoại hối đã vận hành suôn sẻ trong 20 năm qua, sau này không còn những cú sốc về biến động tỉ giá.


Giao dịch kiều hối tại Công ty kiều hối Đông Á (quận 3, TP.HCM) vào chiều 8-1 - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

USD tiền mặt từ đâu ra?

USD tiền mặt trên thị trường có từ nhiều nguồn: người dân tích trữ, buôn lậu (như bán vàng qua biên giới lấy USD), người từ nước ngoài mang vào Việt Nam (mức trên 5.000 USD chỉ cần khai báo) và từ kiều hối qua ngân hàng. Nghe qua ai cũng giật mình, liệu ngân hàng có lơ là quản lý ngoại tệ tiền mặt?

Không! Từ quy định "sổ hồng" cho ngoại tệ tiền mặt, ngân hàng phải đáp ứng đầy đủ ngoại tệ tiền mặt để đảm bảo quyền cất giữ của người dân, từ đó hằng năm vẫn có một lượng USD tiền mặt từ ngân hàng "bơm" ra thị trường.

Ngân hàng chi ngoại tệ tiền mặt khi nào? Ví dụ, ông A được người thân ở nước ngoài (đi lao động, học tập, định cư...) chuyển về 1.000 USD qua ngân hàng, ông A có thể đến ngân hàng yêu cầu được nhận "tiền tươi" 1.000 USD hoặc bán lấy VND.

Bán hay giữ USD là quyền của ông A. Nếu giữ, ngân hàng có nghĩa vụ chi đủ 1.000 USD tiền mặt.

Với quy định này, hằng năm có cả chục tỉ USD kiều hối chuyển về Việt Nam (năm 2023 dự báo là 14 tỉ USD), giả sử chỉ 5% số này được người dân nhận bằng ngoại tệ thì số USD tiền mặt tăng thêm vào nền kinh tế sẽ là tương ứng.

Sẽ có câu hỏi khác: chẳng lẽ Nhà nước không quản lý ngoại tệ, để USD "chạy nhảy", rồi có lúc lọt vào tay tội phạm như buôn lậu, đem hối lộ?

Có, đó chính là quy định "người dân được cất giữ, cho, tặng... nhưng khi bán ngoại tệ, chỉ được bán cho ngân hàng hay đại lý được phép", tức là vẫn theo nguyên tắc tập trung quản lý ngoại tệ vào ngân hàng.

Nếu bán cho tiệm vàng không được phép thu đổi ngoại tệ, có thể bị phạt.

Đã từng có quy định mức phạt lên đến 100 triệu đồng, tịch thu tang vật mà dư luận nhiều năm trước phản ứng "vì sao mua bán chỉ 100 USD mà có thể bị phạt đến trăm triệu đồng như thế".

Quy định là vậy, nhưng trên thực tế nhiều người dân cần bán USD đều tìm đến tiệm vàng. Bán USD cho ngân hàng phải đến trụ sở, gửi xe, bấm số, ghi phiếu...

Bán cho tiệm vàng có khi giá cao hơn, giao dịch rất nhanh, tiền trao cháo múc, chẳng cần giấy tờ hay chờ đợi nhưng thường bị xét nét chê tờ USD xấu, cũ để giảm giá mua.

Với một mạng lưới các tiệm vàng rộng khắp cả nước, cùng với thói quen của người dân cần bán USD ra tiệm vàng, việc gom vài chục ngàn hay triệu USD là không khó. Nếu khó, đó chỉ là phải biết mối ở tiệm vàng; có mối rồi, hai bên tin tưởng, bao nhiêu cũng có, gom cho đủ, rất uy tín, nhanh lẹ, kể cả... bảo mật.


Nguồn WB - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Không thể giật mình vì những vali tiền mặt hay khoản "cảm ơn" triệu đô mà vội điều chỉnh hay thay đổi, siết quá tay với ngoại tệ tiền mặt, không khéo "ném chuột vỡ bình".

Giật mình nhưng không hoảng hốt

Khi xảy ra những vụ "cảm ơn" lên đến cả triệu USD, không ít người nêu vấn đề cần phải quản lý ngoại tệ tiền mặt tốt hơn để góp phần hạn chế và không còn phải giật mình trước những khoản chung chi khủng như thế.

Vậy có nên siết lại, quản lý chặt USD tiền mặt? Nhìn xuyên suốt hơn 20 năm quản lý ngoại hối cho thấy xử lý vấn đề này phải trên toàn cục, nếu không sẽ phá vỡ ổn định kinh tế vĩ mô. Bởi vì khi tội phạm muốn "cảm ơn" thì đâu chỉ có ngoại tệ, thực tế cho thấy nhiều loại tài sản khác cũng đã được dùng để làm "quà", đổi chác, hối lộ.

Với ý kiến nói rằng sao quy định phải tập trung ngoại tệ mà ngân hàng vẫn chi trả USD tiền mặt cho người dân, có khác nào "thả gà ra đuổi", chuyển sang quy đổi và chi trả bằng VND mới là quản lý chặt? Thật ra ý kiến này cũng đã được nêu ra từ hàng chục năm trước, nhưng bàn đi tính lại chẳng được gì mà mất rất nhiều.

Giả sử kiều hối qua ngân hàng phải nhận bằng VND, người dân sẽ "né", chuyển ngân lậu không qua ngân hàng, Nhà nước không thể nắm được số ngoại tệ này, cũng không biết có bao nhiêu kiều hối chuyển về hằng năm.

Vì vậy, Nhà nước đã tạo thông thoáng cho dòng kiều hối, thậm chí còn khuyến khích như miễn thuế thu nhập cá nhân cho người nhận kiều hối. Nếu không khuyến khích khoản thuế này là 10% trên giá trị cho tặng.

Cứ để cho người nhận kiều hối được lựa chọn, hoặc giữ ngoại tệ tiền mặt hay bán ra lấy VND, mục tiêu ngoại tệ qua ngân hàng vẫn được đảm bảo.

Họ cất giữ, khi cần đem bán, kể cả bán cho tiệm vàng, một phần rất nhỏ ngoại tệ tiền mặt có thể trôi nổi, rơi vào tay buôn lậu, dùng hối lộ, còn đa số ngoại tệ mà tiệm vàng mua được cuối cùng cũng vẫn quay lại ngân hàng.

Cho người dân quyền cất giữ ngoại tệ cũng là để nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Hiện người dân đang gửi hàng chục tỉ USD tại ngân hàng. Họ gửi vào USD, được lấy ra bằng USD. Nếu ép trả bằng VND, sẽ khó tránh khỏi tình trạng xáo trộn về tiền gửi, tỉ giá...

Về phía ngân hàng không thể làm khác, phải tuân thủ quy định "sổ hồng" về ngoại tệ, tôn trọng quyền cất giữ ngoại tệ của người dân. Vì thế không thể giật mình vì những vali tiền mặt hay khoản "cảm ơn" triệu đô mà vội điều chỉnh hay thay đổi, siết quá tay với ngoại tệ tiền mặt, không khéo "ném chuột vỡ bình".

Ngay việc quản chặt các tiệm vàng không có giấy phép nhưng vẫn lén lút mua bán USD cũng không dễ bởi ranh giới mỏng manh của quy định được cất giữ, cho tặng... nhưng chỉ được bán cho ngân hàng.

Thật khó để xác định đâu là cho, là tặng, khác với bán. Ông A đưa ông B 100 USD rồi nhận lại 2,4 triệu tiền VND, họ cùng nói là tôi cho qua, ông kia cho lại, sao bắt được để phạt? Thực tế đã từng có những vụ bắt được tiệm vàng mua bán ngoại tệ trái phép.

Nhưng khi khám nhà, trong két sắt trên lầu cùng tòa nhà với tiệm vàng có nhiều USD hơn thì chủ nhà lại nói đó là tài sản của gia đình, không phải tang vật mua bán. Cơ quan chức năng chịu thua.

Từ đó, ít thấy những vụ phát hiện mua bán ngoại tệ trái phép, trong khi thực tế đang diễn ra như chuyện thường ngày! Và mức phạt có thể đến 100 triệu đồng nếu mua bán ngoại tệ trái phép, tịch thu tang vật cũng đã được sửa đổi.

(Nguồn: TTO)