2025

Cùng đếm ngược đến năm mới 2025! 🎉

00

Ngày

00

Giờ

00

Phút

00

Giây

Trở thành triệu phú nhờ nghề shipper

Câu chuyện về một nhân viên giao đồ ăn ở Thượng Hải tuyên bố kiếm được hơn 1 triệu nhân dân tệ (hơn 3,4 tỷ đồng) trong ba năm, đang trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội Trung Quốc.

Theo tờ South China Morning Post, điều này đã mang đến hy vọng cho những người thất nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc phục hồi chậm chạp và thị trường việc làm ảm đạm.

Trong các video đăng tải trên Douyin, Chen Si, 26 tuổi, đến từ tỉnh Giang Tây, cho biết anh đã kiếm được tổng cộng 1,02 triệu nhân dân tệ (hơn 3,4 tỷ đồng) từ ba năm giao đồ ăn ở trung tâm tài chính của Trung Quốc.

Theo đó, Chen là tài xế giao hàng của nền tảng Meituan. Sau khi nhà hàng tự doanh của anh phá sản ở quê nhà, Chen đã vướng vào khoản nợ 800.000 nhân dân tệ (hơn 2,7 tỷ đồng). Để trả nợ, Chen phiêu dạt tới Thượng Hải và làm công việc giao đồ ăn.

"Tôi đi giao hàng 18 tiếng mỗi ngày và đã làm việc hơn 1.000 ngày trong ba năm qua, hầu như không có ngày nghỉ", Chen chia sẻ rằng anh đã trả hết nợ.

Đoạn video của nam shipper này cũng được kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin. Thông tin này đã tạo ra cuộc tranh luận trên mạng xã hội đất nước tỷ dân - nơi mức lương trung bình hàng tháng của những người làm việc cho các công ty tư nhân ở các thành phố chỉ đạt 5.436 nhân dân tệ vào năm 2022, theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia (NBS) tổng hợp.

Một nhóm tài xế giao đồ ăn của Meituan chờ đơn hàng ở Bắc Kinh. (Ảnh: AFP).

Trong khi một số người nể phục sự chăm chỉ của Chen, thì nhiều người lại nghi vấn anh chàng shipper này nói dối. Nếu chiếu theo những gì mà Chen chia sẻ, anh sẽ cần kiếm được trung bình 28.000 nhân dân tệ (hơn 92 triệu đồng)/tháng, giao trung bình 107 đơn hàng/ngày và phải giữ tần suất đó liên tục trong 1.000 ngày.

Một nhân viên giao đồ ăn khác họ Yang, người từng làm việc cho Meituan ở Bắc Kinh trong 5 năm, cho biết anh chỉ nhận được trung bình từ 40 đến 50 đơn hàng/ngày, kiếm được hơn 10.000 nhân dân tệ (hơn 34 triệu đồng)/tháng và làm việc tối thiểu 12 giờ/ngày.

Mặc dù thành tích tốt nhất của Yang là giao 108 đơn hàng trong/ngày nhưng shipper này cho biết sẽ gần như không thể duy trì tần suất đó trong hơn 1.000 ngày liên tiếp.

Các tin tuyển dụng trực tuyến được đăng bởi một công ty có trụ sở tại Thượng Hải cho thấy mức lương của nhân viên giao đồ ăn ở thành phố từ 9.000 đến 15.000 nhân dân tệ, với mức đơn hàng trung bình hàng ngày từ 40 đến 70.

Meituan đã không đưa ra phản hồi khi được yêu cầu bình luận về câu chuyện của kể trên.

Trong các cuộc phỏng vấn với truyền thông, Chen cho biết anh có sức khoẻ nhờ luyện tập võ thuật từ nhỏ, cộng với một chút may mắn, đã giúp shipper này đạt được thành tích như vậy.

Chen nói với tờ báo Xiaoxiang Chenbao của Hồ Nam rằng anh thức dậy lúc 5:50 sáng hàng ngày và làm việc đến nửa đêm. Hầu như không nghỉ ngơi, ngay cả trong dịp Tết Nguyên Đán khi hầu hết người lao động đều nghỉ việc để sum họp gia đình.

Câu chuyện đầy cảm hứng về một triệu shipper xuất hiện trong bối cảnh Trung Quốc đang phải đối mặt với một sự phục hồi kinh tế chậm chạp, khiến nhiều ngành nghề phải sa thải lao động, sinh viên mới ra trường phải đối mặt với thị trường việc làm ảm đạm.

Sau khi tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ đạt mức cao kỷ lục 21,3% vào tháng 6 năm ngoái, chính quyền đã ngừng công bố dữ liệu, với lý do cần đánh giá lại phương pháp tính toán.

Khi việc báo cáo gần đây được tiếp tục, Cục Thống kê Quốc gia cho biết tỷ lệ thất nghiệp cho nhóm tuổi từ 16 đến 24 là 14,9% trong tháng 12 năm ngoái, nhưng con số này không bao gồm các sinh viên vẫn đang đi học.

Nhìn chung, tỷ lệ thất nghiệp tại đô thị của Trung Quốc là 5,1% vào tháng 12.

Những người giao đồ ăn như Chen, cũng như tài xế chia sẻ chuyến đi và nhân viên giao hàng bưu kiện, là một phần trong đội quân lao động linh hoạt của Trung Quốc, với số lượng hơn 200 triệu người tính tới cuối năm 2021.

Bắt đầu từ đầu năm 2023, các nền tảng internet như Meituan và dịch vụ chia sẻ xe Didi Chuxing bắt đầu được nới lỏng giám sát từ Bắc Kinh, nhưng hiện phải đối mặt với viễn cảnh môi trường kinh tế đầy thách thức.

Trong một sự đảo ngược chính sách, Bắc Kinh hiện đang ca ngợi vai trò của các nền tảng như vậy trong việc thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm.

Tuy nhiên, so với việc làm toàn thời gian, người lao động làm việc thời vụ phải đối mặt với tình trạng bất ổn về việc làm và thiếu phúc lợi.

"Tôi không muốn mọi người noi theo cách làm việc của tôi, vì nó không phù hợp với tất cả. Tôi cũng không muốn mọi người nghĩ rằng giao đồ ăn là một công việc tốt chỉ vì số tiền tôi đã kiếm được", Chen nói.