"Chúng ta đang nhầm lẫn. Một bên là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, một bên hiểu là lập nghiệp. Lập nghiệp cũng có thể trở thành doanh nghiệp cực kỳ lớn. Còn nói đến Startup phải nói đến đỉnh cao của khoa học công nghệ, nói đến điều thế giới chưa từng làm", ông Trương Gia Bình giải thích.
Vào năm 1952, ĐH Yale (Mỹ) thực hiện một nghiên cứu đối với những sinh viên tốt nghiệp, trong đó chỉ có 3% sinh viên xác định rõ ràng được mục tiêu cho định hướng phát triển của bản thân, còn tới 97% sinh viên vẫn chưa xác định được mục tiêu của mình sau khi tốt nghiệp.
Sau 20 năm, Yale thực hiện một khảo sát tiếp theo với chính những sinh viên này. Kết quả thu được là tổng thu nhập của 3% sinh viên có mục tiêu rõ ràng cao hơn 3 lần tổng số thu nhập của 97% sinh viên chưa xác định được mục tiêu của mình. Điều này đã cho thấy rằng, có thể tạo nên sự khác biệt trong cùng một môi trường đào tạo khi xác định rõ ràng được mục tiêu cho bản thân mình.
Việc xác định rõ ràng mục tiêu cho bản thân sẽ định hướng cho mỗi người chúng ta phác thảo ra được con đường đi và những nguồn lực mà bản thân cần có được để tạo lập sự nghiệp. Khi đó, khả năng nhận biết các cơ hội tiềm năng cũng nhạy bén hơn.
Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch FPT khuyên giới trẻ cần xác định rõ khởi nghiệp và lập nghiệp
Từng chia sẻ tại tọa đàm "Startup - Đường nào tới thành công?", ông Trương Gia Bình – Chủ tịch FPT – cho rằng: Cần nói rõ một biên giới giữa chữ Startup và Entrepreneur.
"Chúng ta đang nhầm lẫn. Một bên là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, một bên hiểu là lập nghiệp. Lập nghiệp cũng có thể trở thành doanh nghiệp cực kỳ lớn. Còn nói đến Startup phải nói đến đỉnh cao của khoa học công nghệ, nói đến điều thế giới chưa từng làm", ông Bình giải thích.
Ông Bình lấy ví dụ về Uber hay Grab – những hãng taxi được coi là lớn nhất nhì thế giới nhưng không hề có một chiếc taxi nào – là điều chưa từng xảy ra. Đây cũng là cơ hội lớn đối với các bạn trẻ khởi nghiệp Việt Nam khi nghĩ đến Startup và nền kinh tế chia sẻ (Sharing Economy).
Tương tự như vậy, các bạn bán phở, bán cà phê… có thể gọi là lập nghiệp, chứ không thể gọi là khởi nghiệp.
Theo thống kê không chính thức, có tới 95% doanh nghiệp Việt Nam "chết yểu" trong vòng 5 năm đầu. Để vượt qua giai đoạn này, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho rằng, giới khởi nghiệp nên chơi với những người làm được những điều kỳ vĩ.
Trong hội thảo "Hành trình từ 0 đến 1 – Những bài học trong 5 năm đầu vượt sóng" do Group Quản trị và khởi nghiệp tổ chức, ông Bình thừa nhận mình may mắn khi được gửi đến học ở khoa cơ học trường Tổng hợp Matxcơva – một trong những trường tốt nhất theo đánh giá của Chủ tịch FPT. Đó là nơi hội tụ của những người thầy giỏi, những nhà khoa học hàng đầu Xô Viết. Chính những câu chuyện của các giáo sư về thành tựu của nhau đã hình thành trong ông Bình niềm hứng khởi vô tận, khiến ông tin rằng mình có thể làm nên những điều kỳ vĩ.
Ông Bình lấy ví dụ, những ngày thơ bé, tỷ phú Elon Musk thường nằm nhìn lên trần nhà - nơi vẽ các hành tinh. Ước mơ ước mơ thuở bé của ông là di chuyển nhân loại lên sống ở hành tinh khác. Để rồi về sau, ông trở thành nhà phát minh kiêm sáng lập và điều hành Tesla, PayPal, SolarCity và SpaceX.
Từ những khát vọng lớn, hãy làm điều khác biệt, đó là lời khuyên mà Chủ tịch FPT dành cho các Startup.
Xuất phát từ một nhà khoa học đi làm kinh doanh nên với ông Bình, những vấn đề trong kinh doanh luôn được coi là những bài toán cần phải tìm lời giải, một bài toán lại thường có những phương pháp giải khác nhau.
Ông Bình kể lại, có một dịp ông nhận được email hẹn gặp của một nhà làm phim hàng đầu ở Holiwood. Sau buổi gặp đầu tiên với ông Bình cùng những nghệ sỹ Việt trong các lĩnh vực nhiếp ảnh, nhạc sỹ, ca sỹ… nhà làm phim kia ngỏ ý gặp riêng ông Bình thêm một buổi, người này đặt rất nhiều câu hỏi. Ông Bình phát hiện, trong suốt 28 năm qua, mỗi một tuần nhà làm phim kia đều gặp một người để hỏi, để tìm ra những ý nghĩ, ý tưởng hay nhất của họ.
Muốn khởi nghiệp thành công cần xác định rõ mục tiêu và dám mơ lớn
Sau khi đã có những khát vọng, có ý tưởng khác biệt thì phải có một nhóm cộng sự tốt.
"Thành công là phải có đủ các nhân tố khi làm việc. Bạn có thể giỏi về chiến lược, bán hàng, tài chính hay quản trị nhân sự, quản lý chất lượng nhưng chắc chắn là không có một ai giỏi tất cả", Chủ tịch FPT nhìn nhận.
Nhóm cộng sự này, theo ông Bình, không được giống người sáng lập, không phải là những người chỉ biết gật đầu đồng ý với những đề xuất, ý tưởng của người sáng lập mà còn phải là người chia sẻ khát vọng đó, sẵn sàng đưa ra ý tưởng để thảo luận và cùng tìm ra con đường đúng đắn.
Ông Bình cho rằng, một nhóm cộng sự cốt cán ở dạng hoàn hảo là một nhóm 5 người.
Người làm chủ có thể giỏi nhưng phải trả lời được là thực chất giỏi cái gì. Chủ tịch FPT khẳng định: "Nếu bạn không biết mình giỏi cái gì thì sẽ chẳng thể lập nên nhóm cộng sự cốt lõi. Sự hài hoà giữa các nhân tố, trong nhóm 5 người có tương sinh tương khắc, có người phản đối có người ủng hộ. Khi 5 người hòm hòm thấy chuẩn thì đó chắc chắn là chuẩn".
Cuối cùng, Chủ tịch FPT khuyên khi dấn thân vào Startup, các bạn trẻ không chỉ lập ra một doanh nghiệp mà đó là doanh nghiệp để tạo ra những giá trị mới, có thể chưa từng có, tất nhiên độ mạo hiểm rất cao. Nhưng khi bạn thắng lợi thì bạn có thể trở thành Nguyễn Hà Đông.
"Tỷ lệ 10 ăn 1 là tỷ lệ thành công khi khởi nghiệp trên toàn thế giới. Và chúng ta hãy chấp nhận nó chứ đừng sợ nó, vì khởi nghiệp 10 lần thế nào cũng có 1 lần thành công", ông Trương Gia Bình nói.