Từ 1.4.2024, bảo hiểm xã hội và các bệnh viện trong cả nước thực hiện nhận và gửi dữ liệu điện tử giấy chuyển tuyến bảo hiểm y tế, đảm bảo minh bạch và xóa bỏ xin - cho khi chuyển tuyến, như từng xảy ra với người bệnh bảo hiểm y tế.
Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định 4750/QĐ-BYT (Quyết định 4750) sửa đổi, bổ sung quy định chuẩn và định dạng dữ liệu đầu ra phục vụ việc quản lý, giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và giải quyết các chế độ liên quan.
Giấy điện tử chuyển tuyến bảo hiểm y tế đảm bảo minh bạch, thuận lợi cho người bệnh
Tại Quyết định 4750, Bộ Y tế đã chính thức bổ sung thêm 2 bảng dữ liệu mới gồm: bảng dữ liệu giấy chuyển tuyến bảo hiểm y tế và bảng dữ liệu giấy hẹn khám lại.
Theo lộ trình, từ 1.4 cơ quan BHXH và các bệnh viện trong cả nước sẽ bắt đầu triển khai kiểm thử việc gửi và nhận dữ liệu điện tử giấy chuyển tuyến BHYT và giấy hẹn khám lại, tiến tới triển khai chính thức trong toàn quốc từ ngày 1.7.
Theo kế hoạch, trong năm 2024, Bộ Y tế sẽ phối hợp cùng với Cục C06, Bộ Công an và BHXH cùng nghiên cứu, triển khai tích hợp 2 loại giấy tờ này trên các ứng dụng VNeID, VssID.
Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), cho rằng, 2 loại giấy điện tử chuyển tuyến bảo hiểm y tế và giấy hẹn khám lại là một trong những công việc thiết thực trong chuyển đổi số thuộc lĩnh vực bảo hiểm y tế, tiến tới loại bỏ hoàn toàn giấy chuyển tuyến và giấy hẹn khám lại bản giấy.
Khi 2 loại giấy tờ này được tích hợp trên ứng dụng VNeID, VssID, người bệnh khi làm thủ tục chuyển tuyến hoặc tái khám chỉ cần xuất trình giấy chuyển tuyến điện tử hoặc giấy hẹn khám lại điện tử trên ứng dụng VNeID hoặc VssID (có tích hợp sẵn mã QR).
Việc triển khai giấy chuyển tuyến bảo hiểm y tế điện tử và giấy hẹn khám lại điện tử hứa hẹn phục vụ quản lý nhà nước về công tác chuyển tuyến bảo hiểm y tế, tạo kho dữ liệu tập trung phục vụ phân tích, thống kê, kịp thời điều chỉnh chính sách bảo hiểm y tế sát với thực tế.
Đặc biệt, áp dụng giấy chuyển tuyến bảo hiểm y tế điện tử giúp công khai, minh bạch trong công tác chuyển tuyến, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi, tiện ích cho người bệnh, cơ sở khám, chữa bệnh khi tiếp nhận, làm các thủ tục chuyển tuyến, tái khám.
Hạn chế các hành vi gian lận, giả mạo trong công tác chuyển tuyến, hỗ trợ cơ quan bảo hiểm xã hội trong công tác giám định, thanh toán bảo hiểm y tế.
Theo bà Trang, vừa qua quá trình thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập. Trong đó, thủ tục chuyển tuyến, cấp giấy chuyển tuyến còn tình trạng gây phiền hà, thậm chí có trường hợp phát sinh tiêu cực xin - cho, giữ bệnh nhân ở tuyến dưới, gây bức xúc cho bệnh nhân và người nhà.
"Chúng tôi đã nhận được ý kiến phản ánh về tình trạng này. Thậm chí, có bệnh nhân bảo hiểm y tế phải chấp nhận làm thủ tục ra viện, sau đó tự lên tuyến trên để điều trị", bà Trang chia sẻ.