Ấn Độ có nguy cơ thua Trung Quốc và Việt Nam trong cuộc đua trở thành trung tâm xuất khẩu điện thoại thông minh (smartphone) và cần phải “hành động nhanh chóng” để thu hút các công ty toàn cầu với mức thuế thấp hơn. Thứ trưởng Bộ Công nghệ thông tin (CNTT) Ấn Độ Rajeev Chandrasekhar đưa ra cảnh báo này trong tài liệu gửi cho Bộ Tài chính Ấn Độ gần đây, hãng tin Reuters hôm 13-2 cho biết.Sản lượng smartphone của Ấn Độ tăng mạnh trong những năm gần đây nhưng phần lớn phục vụ nhu cầu trong nước, chứ không phải xuất khẩu. Ảnh: AFP
Sản xuất smartphone là một phần quan trọng trong tham vọng thúc đẩy nền kinh tế và tạo việc làm của Thủ tướng Narendra Modi. Chính phủ của ông đã nỗ lực thu hút các công ty như Apple, Foxconn, Samsung tới thiết lập nhà máy ở Ấn Độ, thị trường di động lớn thứ hai thế giới, nơi sản lượng smartphone tăng 16%, lên 44 tỉ đô la Mỹ vào năm ngoái.
Chính phủ Ấn Độ lý giải, thành công đó chủ yếu là nhờ các ưu đãi tài chính dành cho các công ty để mở rộng sản xuất smartphone trong nước. Tuy nhiên, các nhà lập pháp Ấn Độ và một nhóm vận động hành lang cho Apple và các công ty khác cho rằng, mức thuế nhập khẩu linh kiện cao của Ấn Độ là yếu tố ngăn cản các công ty giảm rủi ro cho chuỗi cung ứng của họ bên ngoài Trung Quốc. Trong khi đó, các nước như Việt Nam, Thái Lan và Mexico đã chạy đua xuất khẩu smartphone bằng cách đưa ra mức thuế thấp hơn đối với linh kiện di động nhập khẩu.
Trong bức thư kèm tài liệu thuyết trình gửi cho Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ, Thứ trưởng Bộ CNTT Ấn Độ Rajeev Chandrasekhar bày tỏ lo ngại về việc Ấn Độ tụt hậu so với các đối thủ xuất khẩu smartphone do thuế quan không cạnh tranh.
“Ấn Độ có chi phí sản xuất cao do áp dụng mức thuế cao nhất trong số các điểm đến sản xuất quan trọng. Nỗ lực thích ứng tình hình địa chính trị đang buộc các chuỗi cung ứng phải dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Chúng ta phải hành động ngay, nếu không các công ty toàn cầu sẽ chuyển sang Việt Nam, Mexico và Thái Lan”, ông Chandrasekhar viết.
Mức thuế thấp hơn đối với linh kiện là chìa khóa cho tham vọng thu hút các nhà sản xuất smartphone của Ấn Độ. Điện thoại “Made in India” sử dụng nhiều linh kiện sản xuất trong nước, nhưng các công ty phải nhập khẩu nhiều linh kiện cao cấp từ Trung Quốc và các nơi khác do các hạn chế về chuỗi cung ứng ở Ấn Độ. Những linh kiện này chịu mức thuế nhập khẩu cao do chính phủ muốn bảo vệ các nhà sản xuất địa phương. Điều này làm tăng chi phí tổng thể của hoạt động sản xuất smartphone.
Gần đây, Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ, Eric Garcetti cho biết, vì thuế quan cao, các khoản đầu tư nước ngoài đã không chảy vào Ấn Độ với tốc độ đáng lẽ phải có, thay vào đó, chuyển sang các nước như Việt Nam.
“Nếu đánh thuế linh kiện đầu vào, bạn sẽ không thể bảo vệ thị trường. Những gì bạn đang làm là hạn chế thị trường”, ông Garcetti nói.
Thứ trưởng Chandrasekhar chỉ ra rằng, mức thuế thấp hơn ở Trung Quốc và Việt Nam giúp thúc đẩy xuất khẩu smartphone. Ông cho biết, xuất khẩu chỉ chiếm 25% sản lượng smartphone của Ấn Độ vào năm ngoái, so với 63% trong tổng sản lượng smartphone trị giá 270 tỉ đô la của Trung Quốc và 95% trong tổng giá trị sản lượng smartphone 40 tỉ đô la của Việt Nam.
Ấn Độ đặt mục tiêu chiếm 25% sản lượng thiết bị điện tử toàn cầu vào năm 2029. Tuy nhiên, dữ liệu chính thức cho thấy, thị phần của nước này hiện chỉ ở mức 4%, dù Apple, Foxconn và Xiaomi đều đã tăng cường sản xuất ở đây.
Các tài liệu mà Thứ trưởng Chandrasekhar gửi cho Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman hồi tháng trước nhằm vận động giảm thuế nhập khẩu. Bộ Tài chính Ấn Độ đã giảm thuế nhập khẩu đối với một số linh kiện, bao gồm ốp lưng điện thoại, từ 15% xuống 10%, nhưng không đồng ý với nhiều yêu cầu cắt giảm thuế khác.
Ấn Độ vẫn áp thuế nhập khẩu 20% đối với nhiều linh kiện smartphone khác, gồm bộ sạc pin, một số bảng mạch cũng như smartphone được lắp ráp hoàn chỉnh. Bộ CNTT Ấn Độ muốn các khoản thuế đó giảm xuống 15% trong năm nay.
Chandrasekhar cũng lập luận rằng, Việt Nam và Trung Quốc không đánh thuế trên 10% đối với các linh kiện từ các đối tác thương mại “tối huệ quốc” của họ hoặc các nước mà họ đã ký kết hiệp định thương mại tự do. Ông nói, Ấn Độ đã không làm điều đó và vẫn áp đặt mức thuế cao đối với nhiều linh kiện.
“Chúng ta phải sánh ngang với Trung Quốc và đánh bại Việt Nam về thuế quan nhập khẩu để thu hút chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Chandrasekhar viết.
Tuần trước, hãng smartphone Xiaomi (Trung Quốc) đã yêu cầu New Delhi giảm thuế đối với nhiều linh kiện được sử dụng trong camera của smartphone và cáp USB. Hãng này giải thích, việc giảm thuế như vậy này sẽ giúp Ấn Độ cạnh tranh với các nền kinh tế sản xuất như Trung Quốc và Việt Nam.
Trong khi nhu cầu trong nước tăng cao giúp ngành công nghiệp smartphone của Ấn Độ có lợi nhuận, Chandrasekhar cho rằng, thị trường nội địa sẽ sớm bão hòa, do người dùng không thay đổi điện thoại thường xuyên.
Mục tiêu của Ấn Độ là đưa sản lượng smartphone đạt giá trị hơn 100 tỉ đô la mỗi năm, với 50% trong số đó được xuất khẩu. Thứ trưởng Chandrasekhar cho rằng, Ấn Độ cần một chiến lược mới để đạt mục tiêu đó.
“Thuế quan đang trở thành một trở ngại. Chúng ta cần thay đổi chính sách thuế quan để phù hợp với tham vọng mới: tập trung xuất khẩu smartphone, chứ không phải thị trường nội địa”, Thứ trưởng Chandrasekhar viết.
Theo Reuters
Ấn Độ lo thua Trung Quốc và Việt Nam trong cuộc đua xuất khẩu smartphone
Thứ Bảy, 17 tháng 2, 2024
AUTHOR
K.T.1990