Hậu quả nhãn tiền có thể thấy là hàng hoá giá rẻ của Trung Quốc xâm chiếm thị trường nội địa, đánh bại các doanh nghiệp tư nhân trong nước, khiến doanh nghiệp đã yếu, khốn khó càng khốn khó hơn.
Dư thừa hàng hoá - Người dân Trung Quốc hạn chế tiêu dùng. Không chỉ BĐS đang vỡ bong bóng, tất cả hàng hoá của Trung Quốc đều đang dư cung khối lượng rất lớn. Tình trạng dư cung và tâm lý tiêu dùng tiêu cực phù hợp với với phản ứng tâm lý hành vi mà các nhà kinh tế học mô tả khi nền kinh tế rơi vào tình trạng giảm phát. Giá cả giảm, đặc biệt giá nhà đất giảm tới 1/3 giá trị, tài sản phút chốc bị suy giảm, người dân giảm tiêu dùng, đầu tư vì mất niềm tin vào tương lai. Doanh nghiệp giảm sản xuất vì có thể càng sản xuất càng lỗ khi giá cả xuống dốc.
Quan trọng hơn, tình trạng giảm phát của Trung Quốc đến từ đủ các nguyên nhân mà các lý thuyết kinh tế học nhắc đến, đó là: (i) dư cung hàng hoá trong thời gian dài; (ii) niềm tin tiêu dùng, niềm tin kinh doanh giảm; (iii) nợ xấu tăng vọt; (iv) một thị trường tài sản lớn bị đầu cơ quá lâu dẫn tới nổ bong bóng, cụ thể là BĐS. Đó là lý do phản ứng tâm lý của người tiêu dùng và doanh nghiệp Trung Quốc.
Điểm thú vị là tầng lớp trung lưu và người giàu Trung Quốc không chỉ hạn chế chi tiêu, họ còn giữ tiền mặt tại nhà thay vì để ngân hàng. Lúc này ngoại tệ và vàng là ưu tiên hàng đầu. Người Trung Quốc không tin vào cái gọi là nhân dân tệ kỹ thuật số, họ tin rằng đó là cái bẫy, là nhà tù đối với của cải.
Nhưng vấn đề ở chỗ, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ làm gì để tiêu thụ kho hàng mà đại lục không thể hấp thụ? Hành trình tìm kiếm thị trường các nền kinh tế phát triển, tranh đoạt thị trường xuất khẩu của các nền kinh tế này dường như là con đường sống còn lúc này. Hiển nhiên, Việt Nam là một trong những "con mồi" đầu tiên của các kho hàng đang tồn dư này.
Chiếm lĩnh thị trường nội địa bằng thương mại điện tử
Theo Finance China, trong 9 tháng đầu năm 2022, đã có 80 tỉ bưu kiện được chuyển phát khắp trong và ngoài nước Trung Quốc. Điều đó có nghĩa trung bình mỗi ngày, cứ năm người Trung Quốc thì có một người đang gửi hoặc nhận một bưu kiện. Trên các nền tảng mua sắm như Taobao, Shopee hay Lazada, thời gian để giao nhận một bưu kiện chỉ kéo dài từ một đến năm ngày. Phí vận chuyển cực kỳ phải chăng, mức giá chỉ từ 3 Nhân Dân Tệ (NDT) (khoảng 10.000 đồng tại thời điểm này).
Thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam dễ dàng bị thôn tính bởi thương mại điện tử của Trung Quốc vì chi phí vận chuyển quá cạnh tranh, giá hàng hoá rẻ (do dư cung). Bên cạnh đó, các quảng cáo qua kênh trực tuyến như Tik Tok, Facebook,... chuyên nghiệp, dày đặc đã thực sự đánh bại hàng hoá trong nước.
Thực trạng thị phần tiêu dùng trong nước rơi vào tay Trung Quốc sẽ tồi tệ hơn khi các doanh nhân Trung Quốc (có thể ẩn danh dưới dòng vốn Singapore, Thái Lan, ...) sở hữu các nền tảng thương mại điện tử trong nước. Khi đó, chỉ cần chính sách chiết khấu cao so với hàng hoá "made in Vietnam" thì hàng Việt sẽ có thể hoàn toàn biến mất khỏi thương trường trong nước, chưa kể các thuật toán khiến hàng hoá Trung Quốc hiển thị, tiếp cận mạnh hơn tới người tiêu dùng trong nước.
Các doanh nghiệp Việt sẽ mất dần thị trường tiêu dùng trong nước khi chưa có rào cản thuế quan, phi thuế quan bảo hộ như hiện nay.
ST