Tìm kiếm

Âm lịch

Translate

520 năm lịch sử ‘đau thương’ của thịt lợn Mỹ: Mãi mãi là kẻ đứng sau, dư thừa đến mức người dân ăn không hết, nông dân lỗ 30 USD trên mỗi đầu heo

Nhu cầu tiêu thụ thịt lợn Mỹ giảm 9% nhưng sản lượng lại tăng 25%, khiến người nông dân khốn khổ tìm đầu ra trong bối cảnh Trung Quốc, thị trường mua nhiều thịt heo nhất lại đang xung đột thương mại với Mỹ.


Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho hay ngành thịt lợn ở Mỹ đang quá dư thừa sản lượng khiến người dân ăn không hết. Tồi tệ hơn, người tiêu dùng Mỹ thời nay chuộng thịt bò, thịt gà hơn thịt lợn khiến người nông dân nước này đang phải gồng lỗ 30 USD trên mỗi đầu heo.

Trên thực tế, lịch sử cho thấy ngành thịt lợn của Mỹ có quá khứ đau thương khi mãi mãi là kẻ đứng sau thịt bò trong thập niên 1970, thế rồi bị thịt gà vượt mặt trong thập niên 1980.

Hiện nay, người nông dân Mỹ đang cố tìm cách khuyến khích thị trường nội địa tiêu thụ thêm thịt lợn nhưng xem ra khá vô vọng, trong khi thị trường mua thịt heo nhiều nhất thế giới là Trung Quốc lại đang xung đột thương mại.

Xin được nhắc rằng Trung Quốc tiêu thụ đến 40% thịt heo toàn cầu và Mỹ xuất khẩu 30% sản lượng thịt lợn của mình sang đây hàng năm cho đến trước khi xung đột thương mại diễn ra.


Càng làm càng lỗ

Theo WSJ, giới trẻ ngày nay không còn tiêu thụ nhiều thịt lợn như những thế hệ trước, nỗi lo về an ninh lương thực đã được giải quyết phần nào khiến Gen Z ưa chuộng thịt bò, thịt gà hơn. Đó là chưa kể đến các tín ngưỡng như đạo Hồi cấm ăn thịt lợn.

Theo ước tính từ đại học bang Kansas (KSU), nhu cầu thịt lợn hiện nay của Mỹ thấp hơn 9% so với 20 năm trước nhưng sản lượng lại nhiều hơn 25%.

Chính lý do dư thừa sản lượng này mà Hiệp hội Ngân hàng Mỹ (ABA) nhận định tỷ suất lợi nhuận của các nhà sản xuất thịt lợn Mỹ đang giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1998. Tất cả công ty từ lớn đến bé trong ngành công nghiệp thịt lợn trị giá hơn 50 tỷ USD đang cảm thấy khốn khổ vì giảm doanh thu.

Những tập đoàn chế biến thịt lớn như Tyson Foods đã lỗ hàng triệu USD từ kinh doanh thịt lợn trong năm 2023.

Trong khi đó, ước tính của đại học bang Iowa (ISU) cho thấy người nông dân Mỹ lỗ khoảng 30 USD cho mỗi con lợn mà họ bán.

Nghiên cứu của Ủy ban thịt lợn Mỹ (PB) cho thấy nếu các nhà sản xuất không có biện pháp thu hút giới trẻ hay tìm đầu ra mới bên cạnh thị trường Trung Quốc thì mức tiêu thụ thịt heo hàng năm sẽ giảm 2,2 pound (1kg) bình quân đầu người trong 10 năm tới, từ mức 50,2 pound năm 2023.


"Chúng ta đang mất thị trường tiêu thụ", Phó chủ tịch David Newman của PB ngậm ngùi.

"Thịt lợn giờ đây chỉ xếp thứ 3 trong lựa chọn của người Mỹ", thanh tra y tế Andrew Rasmussen ở Chicago đồng quan điểm.

Nạn nhân của thành công

Những người định cư và thám hiểm châu Âu được cho là đã mang những chú lợn đầu tiên làm nguồn thức ăn đến bờ biển Mỹ vào đầu thập niên 1500.

Bước sang thập niên 1600, số lượng lợn ở Bắc Mỹ đã tăng đến mức Đảo Roosevelt ở Thành phố New York được gọi là "Đảo Lợn (Hog)".

Sau năm 1783, những người nông dân đã đưa đàn lợn của họ về phía Tây Mỹ như thành phố Cincinnati, khiến nơi đây từng bị gọi là "Porkopolis".

Tiếp đó, phần lớn ngành công nghiệp thịt lợn đã dịch chuyển dần về các bang trồng ngô ở vùng Trung Tây như Chicago, nơi các nhà sản xuất có thể tiếp cận thức ăn chăn nuôi rẻ hơn.

Cuộc cách mạng nông-công nghiệp của Mỹ sau đó đã giúp tăng năng suất trồng ngô cũng như thúc đẩy ngành công nghiệp thịt lợn vào cuối thế kỷ 20. Kể từ thập niên 1980, sản lượng thịt lợn ở Mỹ đã tăng gấp đôi so với trước.

Đến hiện tại, Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính ngành này sẽ đóng góp 125 triệu chú heo và gần 28 tỷ pound thịt lợn trong năm nay, tương đương 12,7 triệu tấn, qua đó đóng góp 57 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ và tạo việc làm cho 610.000 lao động.

Thậm chí tại những bang như Iowa, số lợn còn đông hơn số người với tỷ lệ 8 con lợn trên mỗi đầu người.

Tuy nhiên sự bùng nổ này lại tạo nên hệ lụy dư thừa khi dân số tăng trưởng chậm, khiến nhu cầu tiêu thụ không theo kịp nguồn cung.

Hiện nay, chi phí chăn nuôi lợn đều tăng giá, từ máy móc, nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi cho đến nhân công, trong khi giá bán lại thấp khiến người nông dân đau đớn vì thua lỗ.

"Người nông dân đang trở thành nạn nhân từ thành công của chính nền nông nghiệp Mỹ", chuyên gia Todd Thurman tại Texas than vãn.


Mãi là kẻ đứng sau

Trong những năm 1960 và đầu thập niên 1970, thịt bò mới là lựa chọn hàng đầu trong lòng người tiêu dùng Mỹ còn thịt lợn chỉ giữ vị trí thứ hai xét về tiêu thụ bình quân đầu người.

Trớ trêu thay, tiêu thụ thịt gà tại Mỹ đã vượt qua thịt lợn vào năm 1986 khi sản lượng gia cầm tăng vọt, khiến nó trở thành loại thịt rẻ nhất trong ba loại.

Thậm chí đến năm 1993, thịt gà trở thành loại thịt được ăn nhiều nhất ở Mỹ, vượt qua cả thịt bò. Trong khi đó thịt lợn tụt xuống vị trí thứ 3 do ảnh hưởng về quan điểm sức khỏe khi ăn loại thịt này cũng như những lệnh cấm tôn giáo khác.

Nhu cầu giảm trong nước đã khiến ngành thịt lợn Mỹ nhắm đến nước ngoài như Trung Quốc, nền kinh tế tiêu thụ thịt heo lớn nhất toàn cầu.

Theo WSJ, bình quân ngành thịt lợn Mỹ xuất khẩu khoảng 25-30% sản phẩm ra nước ngoài mà chủ yếu là Trung Quốc.

Năm 2018, dịch bệnh đã khiến sản lượng heo ở Trung Quốc suy giảm, qua đó khiến người nông dân Mỹ hưởng lợi và phải gia tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu thịt lợn.

Tuy nhiên khi các nông trại Trung Quốc hồi phục và tái đàn trở lại trong 2 năm qua thì nguồn cung dư thừa ở Mỹ lại trở thành vấn đề gây đau đầu.

Tập đoàn WH Group, chủ sở hữu của Smithfield Foods có trụ sở tại Trung Quốc, cho biết chi phí sản xuất thịt lợn cao và giá bán thấp đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty năm 2023.


Tương tự, tập đoàn sản xuất thịt Tyson có trụ sở tại Arkansas đã thua lỗ đến 139 triệu USD từ hoạt động kinh doanh thịt lợn trong năm tài chính 2023.

Trớ trêu thay, giá thịt bò xay bán lẻ tại Mỹ lại tăng 9% trong tháng 12/2023 so với cùng kỳ năm trước và giá thịt thăn bít tết tăng 15%. Nhiều nhà bán lẻ cho biết người tiêu dùng Mỹ hiện không còn ưa chuộng sườn heo và xúc xích thịt lợn nữa.

*Nguồn: WSJ