2025

Cùng đếm ngược đến năm mới 2025! 🎉

00

Ngày

00

Giờ

00

Phút

00

Giây

Bác sĩ tìm ra bệnh 'mồ hôi máu' chỉ 2 người Việt mắc

HÀ NỘI - Ngồi đối diện với giáo sư Khang là người đàn ông trẻ trong tinh thần bấn loạn, với chiếc áo trắng và đôi dép nhuốm máu đỏ.

Bệnh nhân 24 tuổi, đến Bệnh viện Da liễu Trung ương 7 năm trước, khi stress tột độ. Anh cho biết không mắc bệnh mạn tính, chỉ khi chạy hoặc lao động nặng, mồ hôi tiết ra có màu đỏ. Hiện tượng này xuất hiện cách đó khoảng một tháng, sau khi anh bị mất ngủ, lo âu. Người bệnh đã đi khám ở nhiều nơi nhưng không tìm được căn nguyên.

"Việt Nam chưa từng ghi nhận trường hợp nào như vậy. Nhìn bệnh nhân, tôi sực nhớ đến câu chuyện em bé khóc ra máu ở Ấn Độ mà tôi chứng kiến trong thời gian ở đó hơn 30 năm trước", GS. Trần Hậu Khang, nguyên giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, kể. Ông Khang nói thêm những bệnh nhân mắc chứng này ở Ấn Độ thường bị mọi người xa lánh, hắt hủi vì cho rằng "ma hành quỷ nhập".

"Có thể anh mắc bệnh mồ hôi máu", GS. Khang cho hay, yêu cầu người đàn ông đi làm hai xét nghiệm. Đầu tiên là xét nghiệm xác định máu trong mồ hôi, kết quả thấy trong mồ hôi bệnh nhân có hồng cầu. Xét nghiệm thứ hai là sinh thiết vùng da có tuyến mồ hôi, kết quả phát hiện mao mạch giãn ra, các hồng cầu đi vào ống tuyến mồ hôi. Từ đây, GS. Khang khẳng định bệnh nhân mắc bệnh "mồ hôi máu".

Mồ hôi máu (Hematohidrosis hay Hemidrosis) là bệnh rất hiếm gặp. Biểu hiện lâm sàng của hiện tượng này là mồ hôi tiết ra có lẫn máu, chưa rõ căn nguyên. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy bệnh liên quan căng thẳng thần kinh, lo âu, stress nặng kéo dài. Khi bị căng thẳng quá mức, các mao mạch ở da, xung quanh tuyến mồ hôi bị co thắt. Các mao mạch sẽ bị vỡ, đứt, máu tiết vào hoặc thẩm thấu qua ống tuyến mồ hôi, làm cho mồ hôi có màu đỏ.

Y văn thế giới mô tả một số trường hợp "mồ hôi máu" rất đặc biệt, như một số tử tù, thủy thủ gặp bão tố trên biển, người sợ chết do mắc trọng bệnh, căng thẳng trong gia đình... Đa số liên quan đến rối loạn tinh thần tột độ.

Bệnh nhân sau đó được điều trị và tư vấn về tinh thần, hai năm sau khỏi hoàn toàn. Trường hợp này trở thành ca điển hình được ghi vào y văn thế giới.


GS Trần Hậu Khang dành nhiều thời gian viết sách chuyên môn, làm tài liệu cho học trò. Ảnh: Lê Nga

Hơn một năm sau, GS. Khang đang khám bệnh thì một bà mẹ đưa con gái 7 tuổi đến, máu chảy đầy hai lòng bàn tay. Hỏi ra mới biết người mẹ đã đọc bài viết về "mồ hôi máu" trên truyền thông nên đưa con đến tìm giáo sư. Cháu bé sống cùng bà nội trong một thời gian dài. Khi bà qua đời đột ngột, cháu không ăn, bỏ học vì nhớ thương bà. Ba ngày sau, hiện tượng "mồ hôi máu" xuất hiện.

"Nhờ chẩn đoán đúng bệnh lý và cả tâm bệnh của bệnh nhân mà tôi chữa khỏi cho cháu trong một thời gian ngắn", GS. Khang nói, thêm rằng đây là 2 bệnh nhân duy nhất mắc bệnh này được phát hiện ở Việt Nam đến nay. Nhờ kiến thức và kinh nghiệm lâm sàng, bác sĩ Khang đã tìm ra và chữa khỏi triệu chứng cho người bệnh, giúp họ quay lại sinh hoạt bình thường.

GS. Khang, hiện 70 tuổi, mỗi tuần đều đặn dành 3 ngày khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, xung quanh là 5-7 bác sĩ trẻ chăm chú nghe giảng. Khi không "vướng bận" công tác quản lý bệnh viện, ông dành nhiều thời gian cho các học trò của mình, hy vọng truyền lại cho thế hệ sau những kiến thức, cách hành nghề tốt nhất.

Giáo sư xuất thân từ một gia đình có truyền thống ngành y và giáo dục. Từ nhỏ, ông đã ước mơ làm bác sĩ cứu người, noi gương cha mẹ, ông bà. Sau khi tốt nghiệp, ông công tác tại Bệnh viện Da liễu Trung ương và từ đó trưởng thành, trở thành một chuyên gia đầu ngành da liễu. Hơn 40 năm, nhờ bền bỉ nghiên cứu, xét nghiệm đến thực hành lâm sàng, ông đã tích lũy nhiều kiến thức, kinh nghiệm, tìm ra nhiều căn bệnh lạ, hiếm gặp.


Chiếc áo nhuốm màu hồng đỏ của bệnh nhân mồ hôi máu. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Ngoài bệnh mồ hôi máu, GS. Khang nhớ người đàn ông 60 tuổi, quê ở Hà Nam, bị bệnh suốt 5 năm, đi khám khắp nơi nhưng không chẩn đoán được. Bệnh nhân bị đỏ da toàn thân và ngứa dữ dội trong lỗ tai, mắt, mũi, miệng, điều trị nhiều loại thuốc nhưng bệnh không thuyên giảm. Kết quả các xét nghiệm không phát hiện ra bệnh lý đặc biệt.

Gặp bệnh nhân, GS. Khang phát hiện ra một hạch ở bẹn. Nghĩ rằng bệnh nhân có thể mắc bệnh ác tính biểu hiện ở da, ông phẫu thuật, cắt và chia đôi hạch. Một nửa hạch xét nghiệm ở Bệnh viện Da liễu, còn một nửa chuyển đến phòng mô bệnh học của Bệnh viện K.


Kết quả xét nghiệm của hai bệnh viện trùng hợp, đây là một hạch thâm nhiễm tế bào lympho T, bệnh máu ác tính. "Tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì tìm ra bệnh hiếm, nhưng lo, buồn vì đây là bệnh máu ác tính biểu hiện ở da, giai đoạn cuối", GS. Khang nói, thêm rằng được chuyển viện và điều trị tích cực nhưng 6 tháng sau bệnh nhân qua đời.

Sau trường hợp này, nhờ truyền thông, các bệnh nhân đến viện sớm hơn, khi bệnh mới khởi phát. Vì vậy, ông phát hiện thêm một số ca khác, trong đó có hai người ở giai đoạn sớm. Hiện các bệnh nhân này vẫn sống bình thường sau 3-4 năm phát hiện bệnh.

Đến nay, bác sĩ Khang đã nghiên cứu và phát hiện hàng chục bệnh da hiếm, viết thành nhiều cuốn sách chuyên môn, trở thành kho tàng kiến thức cho các bác sĩ trẻ. Hôm 29/2, ông ra mắt cuốn sách thứ 20 viết về các bệnh da hiếm gặp. Đây là công trình đặc biệt, gói ghém cuộc đời với bề dày hơn 40 năm nghiên cứu của ông trên hành trình tìm hiểu và chữa trị những bệnh lạ, hiếm gặp ở Việt Nam cũng như thế giới.

Trong phòng làm việc của ông, sách được xếp thành từng chồng. "Về hưu tôi mới có thời gian viết sách, làm thơ", ông nói, thêm rằng rất biết ơn người bệnh, bởi nếu không có họ, ông không có nhiều kiến thức để lại cho thế hệ sau.

Toàn bộ lợi nhuận bán sách được ông dùng làm thiện nguyện cho các hội bệnh nhân nghèo và bị bệnh da hiếm gặp như một cách trả ơn cuộc đời.

(Nguồn VNX)