2025

Cùng đếm ngược đến năm mới 2025! 🎉

00

Ngày

00

Giờ

00

Phút

00

Giây

Gen Z đang kiếm tiền 'nhiều chưa từng thấy'

Gen Z kiếm nhiều tiền và tìm việc hiệu quả hơn so với các thế hệ trước, làm thay đổi cách người trẻ tiếp cận thị trường lao động.

Thế hệ Gen Z (sinh năm 1997-2012) đang khẳng định chỗ đứng trên toàn cầu. Theo Economist, ít nhất 250 triệu người thuộc thế hệ Gen Z đang sinh sống tại các nước giàu có, khoảng 1/2 trong số đó có việc làm.

Tại Mỹ, số lượng Gen Z làm việc toàn thời gian sắp vượt thế hệ baby boomer, những người sinh năm 1946-1964. Gen Z Mỹ cũng tăng ảnh hưởng khi có hơn 6.000 giám đốc và 1.000 chính trị gia thuộc thế hệ này.

Khi vai trò của thế hệ Gen Z ngày càng quan trọng, giới chuyên gia cho rằng chính phủ các nước, công ty, nhà đầu tư cần hiểu rõ sự dịch chuyển này.

Sinh viên Mỹ đi bộ trong khuôn viên Đại học Harvard, Mỹ. Ảnh: Reuters

Theo các bình luận viên của Economist, quan niệm về Gen Z trước đây thường bị ảnh hưởng nhiều từ một số nghiên cứu, trong đó có công trình của nhà tâm lý học Jonathan Haidt thuộc Đại học New York.

Trong nghiên cứu về "Thế hệ Lo âu", ông Haidt cho rằng Gen Z không bình thường so với các thế hệ khác, có nguy cơ bị trầm cảm cao, không chắc chắn về giới tính, ít uống rượu, ít quan hệ tình cảm, tình dục, mức độ giao tiếp hàng ngày với người khác chỉ bằng khoảng 2/5 so với thế hệ những năm 2000.

Nghiên cứu của ông Haidt có tác động lớn lên các chính sách quản lý trẻ em trên thế giới, nổi bật là kế hoạch cấm smartphone, mạng xã hội ở Anh và Mỹ, song không phải ai cũng đồng tình với chuyên gia tâm lý này.

Quan điểm về "Thế hệ Lo âu" đã làm lu mờ một trong những đặc tính khác biệt và nổi bật của Gen Z, đó là có lợi thế kinh tế cực tốt và khả năng tìm việc hiệu quả. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thế hệ Gen Z tại các quốc gia phát triển đang ở mức 13%, thấp nhất kể từ năm 1991.

Nhiều người thuộc thế hệ Millennials (sinh năm 1981-1996) gia nhập lực lượng lao động vào thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009 và hứng chịu ảnh hưởng nặng nề. Năm 2012-2014, hơn 50% số thanh niên Tây Ban Nha thất nghiệp, tỷ lệ ở Hy Lạp còn cao hơn.

Trong khi tư tưởng làm việc chủ đạo của thanh niên thế hệ Millennials là "làm việc cật lực nếu muốn sống tốt", Gen Z lại cho rằng họ "có thể nghỉ, tìm việc khác nếu muốn thu nhập cao hơn".

Tỷ lệ thất nghiệp ở Hy Lạp hiện giảm một nửa so với mức đỉnh vài năm trước, khi Gen Z có xu hướng tìm đến những ngành học dễ kiếm việc hơn.


Tỷ lệ có việc toàn thời gian theo thế hệ ở Mỹ. Đồ họa: Economist

Ở Anh và Mỹ, sinh viên Gen Z chuộng học những ngành có tính thực tế cao như kinh tế, kỹ thuật. Những người không học đại học cũng có có xu hướng theo học trường nghề nhiều hơn và hưởng lợi từ tình trạng khan hiếm lao động trong những ngành nghề nhất định.

Ở Mỹ, lương theo giờ của người 16-24 tuổi gần đây tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức tăng 6% của lao động 25-54 tuổi. Ở Anh, lương theo giờ của thanh niên 18-21 tuổi tăng 15%, vượt xa mức tăng của các độ tuổi khác. Ở New Zealand, lương của người 20-24 tuổi tăng 10% so với mức trung bình 6%.

Sức mạnh kinh tế của Gen Z được phản ánh qua concert âm nhạc gần đây của ca sĩ trẻ Olivia Rodrigo, trong đó phần lớn khán giả là thanh thiếu niên chấp nhận chi hàng trăm USD để có một tấm vé dự sự kiện.

Một số Gen Z cho rằng thu nhập cao chỉ là bề nổi, bởi họ đang phải gánh chi phí nhà ở, học phí đại học tăng cao so với các thế hệ trước. Sinh viên tốt nghiệp đang mang nợ nhiều hơn, trong khi giá nhà đang tiệm cận mức cao nhất mọi thời đại.

Nhưng trên thực tế, Gen Z đương đầu với những điều này khi đang kiếm nhiều tiền nhất lịch sử. Thu nhập hộ gia đình trung bình hàng năm của những người 25 tuổi ở Mỹ đạt 40.000 USD, cao hơn 50% mức trung bình của thế hệ baby-boomer cùng độ tuổi trong thời của họ.

Năm 2022, người Mỹ dưới 25 tuổi chi 43% thu nhập sau thuế cho nhà ở và giáo dục, trong đó có cả lãi suất vay học phí đại học, chỉ thấp hơn một chút so với thế hệ trước. Tỷ lệ sở hữu nhà của nhóm này cũng cao hơn thế hệ Millenials cùng tuổi trong thời của họ. Gen Z cũng tiết kiệm được nhiều tiền hơn người trẻ trong những năm 1980, 1990.

Theo Economist, thu nhập cao của Gen Z để lại những khác biệt trong tư tưởng làm việc so với thế hệ Millennials.

Thế hệ Millenials coi công việc là một đặc ân và thường muốn làm hài lòng cấp trên. Ngược lại, Gen Z tin rằng công việc là một quyền, làm việc vừa đủ để không bị sa thải, ưu tiên chăm sóc bản thân.

Năm 2022, người Mỹ 15-24 tuổi giảm 25% thời gian dành cho các hoạt động liên quan đến công việc so với năm 2007. Nghiên cứu của Đại học San Diego cho thấy tỷ lệ học sinh 17-18 tuổi ở Mỹ coi công việc là "trung tâm cuộc sống" giảm mạnh.


Người New York tản bộ trên đường phố Manhattan, tháng 2/2023. Ảnh: AFP

Một hệ quả khác là Gen Z có ít khả năng trở thành chủ doanh nghiệp. Theo ước tính của Economist, chỉ 1,1% người trong độ tuổi 20 ở châu Âu đang điều hành doanh nghiệp. Tỷ lệ này giảm những năm gần đây. Trong khi đó, hơn 1% tỷ phú thế giới cuối những năm 2000 thuộc thế hệ Millennials.

Gen Z cũng được cho là tạo ít ý tưởng đổi mới sáng tạo hơn. Russell Funk, chuyên gia Đại học Minnesota, cho hay người trẻ ở Mỹ đang nộp ít đơn xin cấp bằng sáng chế hơn so với trước đây. Tình trạng tương tự diễn ra ở lĩnh vực âm nhạc.

Các chuyên gia không chắc chắn về tính lâu dài của lợi thế kinh tế mà Gen Z đang sở hữu. Các đợt suy thoái kinh tế trong tương lai dự kiến vẫn tác động mạnh lên thế hệ trẻ hơn những nhóm khác. Trí tuệ nhân tạo (AI) cũng có thể gây bất ổn cho kinh tế toàn cầu, ngay cả khi Gen Z đang hưởng lợi tốt hơn từ giai đoạn này.

Nhưng hiện tại, Gen Z đang có rất nhiều thứ đáng hài lòng. Giữa buổi concert ở New York, ca sĩ Olivia Rodrigo ngồi bên cây đàn piano, khuyên người hâm mộ hãy biết ơn vì tất cả những gì họ có.

"Trưởng thành thật tuyệt. Bạn có tất cả thời gian, tiền bạc để làm những gì bạn muốn", cô nói.


(Theo Economist)