2025

Cùng đếm ngược đến năm mới 2025! 🎉

00

Ngày

00

Giờ

00

Phút

00

Giây

Ngân hàng trực tiếp bán vàng: Mua bao nhiêu cũng có, phải khai báo đầy đủ danh tính

Ngay sau thông báo 4 ngân hàng thương mại nhà nước tham gia mua, bán vàng, giá vàng SJC đã giảm không phanh. Tuy nhiên, vẫn rất khó để có thể xác định được liệu rằng giải pháp mới của NHNN có đủ sức để bình ổn thị trường vàng hay không.

Kê đơn thuốc mới

Theo thông báo mới nhất của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá vàng tháng 5 tăng 3,81% so với tháng 4 và tăng 32,18% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 22,95%. Chỉ số giá vàng tăng mạnh bất chấp nhà điều hành đã triển khai nhiều phương án bình ổn thị trường vàng.

Nhìn vào thực tế giá vàng SJC “treo” ở ngưỡng 92,4 triệu đồng/lượng và chênh tới 20 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới, có thể thấy rằng NHNN vẫn còn lắm gian nan khi đi tìm lời đáp cho câu hỏi “làm sao để giá vàng trong nước liên thông với giá vàng thế giới”.

Ngay trong buổi họp Quốc hội chiều 29/5, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng phải thừa nhận rằng “việc thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế là một nhiệm vụ rất thách thức”.

Sau khi dừng đấu thầu vàng miếng do “chênh lệch giá không giảm như kỳ vọng”, NHNN đã quyết định bán vàng với giá bám sát giá thế giới cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước để các ngân hàng này bán vàng cho dân.

Theo chia sẻ của một lãnh đạo ngân hàng thuộc nhóm Big4, giá dự kiến bán ra thị trường sẽ nằm trong biên độ được NHNN cho phép. Đồng thời, các ngân hàng sẽ bán vàng miếng SJC cho các cá nhân với số lượng không giới hạn và không bán vàng cho các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh vàng.Giá vàng SJC bốc hơi gần 4 triệu đồng trong sáng 30/5.

Ngay sau thông báo của NHNN, thị trường vàng lập tức “phản ứng”. Giá vàng SJC giảm hơn nửa triệu đồng/lượng ngay trong chiều 29/5 dù trước đó vẫn đang giữ đà tăng trong nhiều ngày. Đến sáng 30/5, giá vàng SJC đã giảm nhiều nhất tới 3,9 triệu đồng/lượng so với phiên sáng 29/5. Đây cũng là mức giảm sâu nhất của vàng SJC trong hơn 1 tháng qua.

Theo chuyên gia vàng Trần Duy Phương, với việc các ngân hàng thương mại tham gia vào hoạt động mua – bán vàng, giá vàng SJC sẽ sớm quay trở lại mốc 80 triệu đồng/lượng và có thể sẽ giảm sâu ngay trong tháng 6 tới.

Đồng quan điểm, chuyên gia vàng Nguyễn Ngọc Trọng nhận định giải pháp mới của NHNN là bước đi rất mạnh mẽ. Với phương án bình ổn thị trường vàng mới của NHNN, nguồn vàng được cung cầu với mạng lưới, quy mô lớn, từ đó sẽ giải tỏa tâm lý giá vàng SJC chỉ tăng không giảm, ông Trọng nói.

Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng mấu chốt của vấn đề là mức giá bình ổn mà các ngân hàng thương mại đề cập đến là bao nhiêu và biên độ giá mà NHNN cho phép các ngân hàng bán ra là bao nhiêu. Một khi chưa biết giá bán ra sao, vẫn rất khó để đánh giá tính khả thi và tính hiệu quả của giải pháp này.

Có 2 trường hợp có thể xảy ra. Trường hợp đầu tiên, mức giá bình ổn mà các ngân hàng thương mại nhà nước đề cập đến vẫn ở mức cao thì giải pháp này khó đạt hiệu quả. Bởi thực tế, người dân vẫn chưa có thói quen mua vàng tại các ngân hàng. Nếu mức giá mà các ngân hàng đưa ra không quá chênh lệch với giá thị trường, chắc chắn hầu hết người dân vẫn sẽ chọn giao dịch tại các cửa hàng vàng bởi thủ tục nhanh chóng, đơn giản hơn. Hơn nữa, khi mua bán ở ngân hàng, các thông tin cá nhân, giao dịch... đều được ghi nhân đề xuất hóa đơn. Điều này giúp công khai danh tính người mua vàng dù lớn hay nhỏ.

Còn giả sử các ngân hàng thương mại nhà nước bán vàng ra với giá cao hơn giá thế giới vài triệu đồng, tức thấp hơn giá niêm yết của các nhà vàng tới hơn 10 triệu đồng/lượng, khả năng cao người dân sẽ ồ ạt đi mua vàng SJC giá rẻ. Đến đây lại nảy sinh ra một vấn đề khác, đó là NHNN liệu có đủ vàng để đáp ứng nhu cầu của thị trường hay không. Nếu cung không đủ cầu, tất cả lại sẽ quay về câu chuyện hiện nay.
Minh bạch trước hay bình ổn trước?

Mặc dù chưa rõ giải pháp bán vàng qua ngân hàng sẽ hiệu quả đến đâu nhưng nhiều chuyên gia đều nhận định đây chỉ là giải pháp tình thế. NHNN vẫn cần có những giải pháp dài hơi hơn nếu muốn thị trường vàng “sóng yên biển lặng”.

Trong thời gian qua, việc NHNN tổ chức tới 9 phiên đấu thầu vàng miếng và sau đó là để 4 ngân hàng thương mại nhà nước bán vàng là nhằm mục đích tăng cung ra thị trường. Song song với đó, NHNN cũng đã phối hợp với các bên liên quan để thanh kiểm tra các cơ sở kinh doanh vàng, trong đó nổi bật là 4 ông lớn SJC, PNJ, DOJI và Bảo Tín Minh Châu và 2 ngân hàng; kiểm soát việc nhập lậu nhằm tăng tính minh bạch cho thị trường.Nhiều cửa hàng vàng, công ty kinh doanh vàng nằm trong diện thanh tra.

Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng NHNN đang tự đẩy mình vào thế khó khi đặt ra hai nhiệm vụ là bình ổn và minh bạch thị trường vàng cùng lúc.

Chia sẻ trong một bài phỏng vấn, PGS – TS Nguyễn Hữu Huân nhận định, minh bạch thị trường sẽ tiết giảm nguồn cung trong khi muốn ổn định thị trường vàng lại cần phải tăng nguồn cung. Rõ ràng, hai mục tiêu này mâu thuẫn với nhau. Chính vì thế, trong điều kiện hiện nay của thị trường vàng Việt Nam, chúng ta cần tách bạch rõ ràng và cần ưu tiên 1 mục tiêu trước.

Giải thích cụ thể, ông Huân cho hay, việc thanh tra, kiểm tra hàng loạt khiến nhiều cửa hàng vàng e dè, phải tạm dừng kinh doanh, thậm chí là đóng cửa. Chưa kể, từ năm 2012 đến nay, NHNN không thực hiện nhập khẩu vàng chính ngạch khiến nguồn cung vàng chủ yếu dựa trên việc mua đi, bán lại. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn cung vàng trên thị trường giảm, gia tăng sự khan hiếm và đẩy cho giá vàng trong nước tăng cao theo quy luật cung – cầu.

Theo ông Huân, “nếu chúng ta tập trung vào việc bình ổn thị trường vàng, mục tiêu minh bạch thị trường nên đặt ở ưu tiên số hai”.

Để bình ổn thị trường vàng, PGS – TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng NHNN nên nhập khẩu một lượng vàng đủ để ổn định thị trường. Tuy nhiên, cần phải cân nhắc và có các biện pháp can thiệp để ổn định tỷ giá bởi nhập khẩu vàng sẽ gây áp lực không nhỏ lên tỷ giá.

Về lâu dài, nhiều chuyên gia cho rằng nhiệm vụ quan trọng nhất vẫn là sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng miếng. Theo phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, nếu Nghị định 24 chưa được sửa, độc quyền vàng miếng SJC vẫn còn thì dù có nhập khẩu vàng cũng “không có ý nghĩa gì nhiều”.

“Phải kết hợp vừa sửa Nghị định 24 về độc quyền vàng miếng, vừa cho phép doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu vàng thì giá vàng mới sớm bình ổn”, ông nói.

(Nguồn VNF)