Nhật Bản đau đầu bài toán lao động: Thu nhập gần 500 triệu đồng/năm vẫn 'khó sống', lạm phát nhưng lương không tăng, nhân tài chỉ muốn đi du học

Sự mất giá nhanh chóng của đồng Yên Nhật Bản đang tạo ra nhiều hệ luỵ, nhất là trong vấn đề trả lương và thu hút nhân tài nước ngoài.

Tại buổi thuyết trình vào tháng trước ở Thượng Hải, Masato Sampei, chủ tịch công ty hỗ trợ tuyển dụng châu Á tại Nhật Bản, đã nhận được câu hỏi thẳng thắn từ một sinh viên: “Bạn có thể sống với thu nhập hàng năm 3 triệu yên (19.100 USD, tương đương gần 500 triệu đồng) ở Tokyo không?”. Ngay sau khi nghe ông giải thích ngọn ngành chi phí sinh hoạt ở Tokyo cũng như mức lương hàng năm đầu tiên có thể được nhận tại một công ty Nhật Bản, khuôn mặt chàng sinh viên kia ngay lập tức trở nên chán nản.

Theo lời chia sẻ của một nhân viên bán thời gian 32 tuổi ở quận Saitama, công ty tuyển dụng cô đã đưa ra mức lương thấp hơn thông thường. “Một nhà tuyển dụng đã nói với tôi rằng liệu có thể giảm mức lương khởi điểm được không vì tôi vốn đang làm công việc bán thời gian?”.

Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC), số lượng lao động không thường xuyên ở Nhật đạt tổng cộng 21,01 triệu người vào năm 2022, tăng 260.000 người so với năm trước. Số lượng nhân viên chính thức chỉ tăng 10.000 người, đẩy tỉ lệ người lao động không thường xuyên lên 36,9%. Nguyên nhân là do nhiều người lao động ngắn hạn bị sa thải sau cuộc biến động tài chính toàn cầu.

Thực tế này khác xa so với khoảng 10 năm trước đây, khi mức lương tiềm năng tại các công ty Nhật Bản được coi là điểm sáng để thu hút nhân tài. Ông Sampei nói: “Việc đồng yên mất giá gần đây là đòn giáng cuối cùng”.

Mức lương của Nhật Bản vốn thấp hơn so với các nước phát triển. Theo dữ liệu mới nhất từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, mức lương trung bình của Nhật Bản tính bằng đồng USD chỉ đứng thứ 25 trong tổng số 38 quốc gia, tức tụt lại phía sau cả những nước như Slovenia và Lithuania. Với sự mất giá gần đây của đồng yên, tiền lương cho sinh viên nước ngoài thậm chí còn tệ hơn trước.

Trong bối cảnh cơ hội việc làm suy yếu, giới trẻ Nhật Bản dần chuyển hướng ra thị trường nước ngoài. Takeshi Fukumoto, đến từ quận Nara, đã xin được thị thực và chuyển đến Toronto làm nhà hàng. Thu nhập một giờ rơi vào khoảng 22 đô la Canada. Trung bình làm việc 40 giờ/tuần.


“Mặc dù thời gian làm việc ngắn ngủi nhưng tôi kiếm được rất nhiều tiền”, anh nói. “Nếu tính cả tiền tip, thu nhập hàng tháng của tôi là hơn 400.000 yên”.

“Khi đồng yên tiếp tục suy yếu, ngày càng có nhiều người cố gắng kiếm tiền ở nước ngoài”, đại diện của Hiệp hội lao động Nhật Bản nói và cho biết điểm đến phổ biến nhất là Úc.

Theo chính phủ nước này, 14.398 người Nhật đã được cấp thị thực làm việc trong kỳ nghỉ trong năm kết thúc vào tháng 6 năm 2023, con số cao nhất kể từ năm 2006. Một đại diện hiệp hội lao động cho biết, mức lương tối thiểu theo giờ tại Úc là 23,23 đô la Úc (tương đương 15,27 USD). Nhiều người thậm chí tiết kiệm được 1 triệu đến 2 triệu yên mỗi năm bằng cách làm việc tại các nhà hàng, cửa hàng may mặc hoặc trang trại.

Tuy nhiên, du học - bước đầu tiên để có được một công việc ổn định tại nước ngoài - vẫn là một điều gì đó khá thách thức đối với sinh viên Nhật Bản.

TOEFL iBT, bài kiểm tra trình độ tiếng Anh cần thiết để đi du học Mỹ, có giá 245 USD, tương đương gần 40.000 yên theo tỷ giá hiện tại và gấp khoảng 5 lần so với bài kiểm tra tiếng Anh Toeic trị giá 7.810 yên. Chi phí sinh hoạt cũng đang tăng lên.

“Có lẽ tôi nên đổi tiền sớm hơn”, Mako Watanabe, một cư dân Tokyo, người đã tốt nghiệp đại học vào tháng 3, hiện đang làm việc bán thời gian để chuẩn bị đi du học Hàn Quốc, cho biết.

“Số lượng sinh viên đại học đi du học đang có xu hướng giảm”, đại diện Tạp chí Ryugaku, chuyên hỗ trợ sinh viên Nhật Bản du học, cho biết.

Tình thế trở nên tiến thoái lưỡng nan khi đi du học không được, ở trong nước cũng chẳng xong. Doanh nghiệp Nhật Bản thì tiếp tục phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên toàn thời gian.

Theo một cuộc khảo sát năm 2023 của Teikoku Databank, 52% công ty đã báo cáo tình trạng thiếu nhân viên thường xuyên. Cơ quan việc làm En Japan cho biết, số lượng nhân viên chuyển đổi làm việc thông qua trang web của họ đã tăng gấp 4 lần trong vòng 5 năm tính đến năm 2022.

Lạm phát tăng khiến chất lượng cuộc sống của người dân Nhật đi xuống khi mức lương không đổi, thế nhưng các doanh nghiệp thì lại chẳng muốn gánh nặng thêm chi phí nhân công.

Tình hình nghiêm trọng đến mức vào tháng 12/2022, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã phải hối thúc các công ty nâng lương cho nhân viên để theo kịp đà lạm phát. Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp ủng hộ lời kêu gọi này.

Theo: Nikkei, CNN