Tìm kiếm

Âm lịch

Translate

Zimbabwe nỗ lực thuyết phục dân dùng loại tiền mới

Sau khi đôla Zimbabwe mất giá trầm trọng, nước này tung ra đồng tiền quốc gia mới trong sự thờ ơ của người dân.

Đầu tháng 4, Zimbabwe tung ra loại tiền tệ có tên Zimbabwe Gold (ZiG), được hỗ trợ bằng vàng. Đây là nỗ lực mới nhất nhằm thay thế đồng đôla Zimbabwe, vốn đã bị mất giá và thường bị từ chối giao dịch thẳng thừng.

ZiG là đồng tiền quốc gia thứ 6 của Zimbabwe trong 15 năm qua. Phát biểu cuối tháng trước, Tổng thống Emmerson Mnangagwa nói ZiG là "bản sắc và phẩm giá quốc gia của chúng ta". Vì vậy, chính phủ đang tìm mọi cách để nó được người dân ủng hộ sử dụng từ mềm mỏng đến cứng rắn.

Sự ra đời của ZiG truyền cảm hứng cho nhạc sĩ Ras Caleb sáng tác bài hát ca ngợi có tựa đề "Zig Mari", phát rộng rãi trên đài phát thanh và truyền hình. Ras Caleb được một doanh nhân thân cận của Tổng thống Emmerson Mnangagwa khen thưởng. Món quà không phải tiền ZiG mà là một chiếc ôtô và 2.000 USD.

Cùng với tuyên truyền bằng âm nhạc, Ngân hàng Dự trữ Zimbabwe và đảng cầm quyền ZANU-PF công khai vận động những người còn hoài nghi về ZiG. Dù vậy, ZiG chỉ giữ giá trên thị trường chính thức và vẫn lao dốc trên thị trường chợ đen, nơi 1 USD có thể đổi được tối đa 17 ZiG.


Một người phụ nữ cầm tiền giấy và đồng xu ZiG trên đường phố Harare, Zimbabwe ngày 30/4. Ảnh: AP

Sau thuyết phục, chính quyền mạnh tay hơn, thông qua việc bắt giữ những người đổi ngoại tệ trên đường phố. Người phát ngôn cảnh sát quốc gia Paul Nyathi cho biết các cơ quan thực thi pháp luật đã bắt giữ hơn 200 người đổi tiền rong, với cáo buộc coi thường các quy định đổi ngoại tệ, phá hoại và phá giá đồng tiền mới bằng cách sử dụng tỷ giá hối đoái cao hơn tỷ giá chính thức.

Chính phủ cũng công bố mức phạt lên tới 200.000 ZiG hoặc khoảng 15.000 USD đối với các doanh nghiệp không tuân thủ tỷ giá hối đoái chính thức. Cơ quan chức năng cũng đã phong tỏa tài khoản ngân hàng của một số doanh nghiệp với cáo buộc từ chối loại tiền mới hoặc giao dịch sử dụng tỷ giá cao hơn tỷ giá chính thức.

Zimbabwe có lịch sử lâu đời về những người buôn bán tiền tệ đường phố với tỷ giá không chính thức thường cao ngất ngưởng. Nhiều cửa hàng và thương gia cũng bỏ qua tỷ giá chính thức và chỉ chấp nhận đồng nội tệ theo tỷ giá của riêng họ. Nhiều đơn vị vẫn niêm yết và chấp nhận thanh toán bằng USD.

Quốc gia châu Phi này đã có nhiều năm bất ổn tiền tệ. Lạm phát 5 tỷ phần trăm vào 2009 là một trong những vụ sụp đổ tiền tệ tồi tệ nhất thế giới. Chính phủ khi ấy đã in tờ tiền giấy trị giá 100.000 tỷ đôla Zimbabwe để theo kịp giá cả tăng vọt, khiến một ổ bánh mì có giá hơn 500 triệu đôla Zimbabwe.

Có thời điểm, giá sẽ thay đổi từ khi khách hàng bước vào cửa hàng tạp hóa cho đến khi họ xếp hàng thanh toán tại máy tính tiền. Các nhà hàng ngừng hiển thị giá trên thực đơn vì giá sẽ tăng lên trong suốt bữa tối. Mọi người kéo lê những chiếc túi nhồi đầy tiền giấy. Tiền tiết kiệm và lương hưu trở nên vô giá trị.

Thống đốc ngân hàng trung ương Zimbabwe John Mushayavanhu tự tin ZiG là bước đầu tiên hướng tới việc phi đôla hóa. USD đang chiếm hơn 80% giao dịch trong nước và ông muốn tỷ lệ này giảm còn 50% vào năm 2026.

Nhưng hiện tại, sức hấp dẫn của USD vẫn còn lớn. Trên khắp Zimbabwe, đồng bạc xanh được sử dụng rộng rãi để trả tiền thuê nhà, học phí và mua đồ tạp hóa. Nhiều công dân, bao gồm cả nhân viên chính phủ, mang thu nhập bằng nội tệ của họ ra thị trường chợ đen để đổi lấy USD.

Chính phủ cho biết đang nghiên cứu các cơ chế bao gồm việc mở các điểm đổi tiền để cá nhân có thể tiếp cận USD cho các giao dịch nhỏ. Trong khi đó, các nhà kinh tế và doanh nghiệp cảnh báo rằng việc sử dụng vũ lực khó có thể khiến ZiG được tin tưởng hơn hoặc ngăn chặn thị trường chợ đen.

Thị trường chợ đen nắm giữ rất nhiều tiền và trước đây hoạt động công khai, với những quầy hàng rong mời chào đổi USD trên đường phố. Nó là nét đặc trưng của đô thị Zimbabwe trong nhiều năm. Kể từ khi xảy ra các vụ bắt giữ, thị trường có xu hướng chuyển sang hoạt động ngầm. Nhà giao dịch sử dụng các ứng dụng như WhatsApp và Facebook để kết nối với khách hàng.

"Họ sẽ có cách để đảm bảo không bị cảnh sát bắt", Sekai Kuvarika, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Quốc gia Zimbabwe phát biểu trong phiên điều trần trước Ủy ban tài chính và công nghiệp của quốc hội nước này gần đây.

Maxwell Chisanga, 28 tuổi, cư dân thủ đô Harare, cho biết cửa hàng nơi anh làm việc trả lương bằng đồng ZiG, nhưng anh cần USD cho các giao dịch hàng ngày. "Chủ nhà trọ lấy tiền thuê bằng USD nên tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc mua nó trên thị trường chợ đen", anh nói.

Bán rau tại chợ Mbare ở thủ đô Harare, Kudzanayi Mande, 56 tuổi, nói thà từ bỏ việc kinh doanh còn hơn chấp nhận ZiG. "Đã có tỷ giá hối đoái chính thức và tỷ giá chợ đen thì giảm. Vì vậy, tôi sẽ chờ thêm để xem giá trị thực của nó là bao nhiêu. USD vẫn là lựa chọn an toàn hơn", bà nói.

Nhà kinh tế Prosper Chitambara cho biết sự thiếu niềm tin vào đồng nội tệ và nhu cầu về USD sẽ tiếp tục thúc đẩy thị trường chợ đen bất chấp các biện pháp đàn áp. "Giải pháp là xây dựng niềm tin công chúng vào đồng nội tệ. Nếu không, các vụ bắt giữ sẽ không hiệu quả chừng nào người dân còn khao khát USD, thứ mà họ không thể kiếm được từ các kênh chính thức", Chitambara nói.

(theo AP)