Tìm kiếm

Âm lịch

Translate

Bác sĩ Hàn Quốc chuẩn bị đình công 'quy mô lớn nhất lịch sử'

Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA), tổ chức bác sĩ lớn nhất nước với hơn 129.000 thành viên, sẽ tổ chức đình công vào ngày 20/6 nhằm phản đối quyết định tăng chỉ tiêu sinh viên y của chính phủ.

Động thái trên cũng nhằm gây sức ép cho giới chức phải hủy bỏ quy định xử phạt hành chính đối với các bác sĩ thực tập và nội trú nghỉ việc hồi tháng 2.

Dự kiến hơn 50.000 bác sĩ trên toàn quốc sẽ tham gia đình công, đánh dấu "hành động tập thể lớn nhất trong lịch sử". Ngoài ra, các giáo sư từ 40 trường y cũng quyết định đình công kéo dài 1 ngày, do Hiệp hội Giáo sư Y khoa Hàn Quốc tổ chức vào ngày 18/6.

Còn giáo sư tại 4 bệnh viện lớn liên kết với Đại học Quốc gia Seoul và 3 bệnh viện lớn của Đại học Yonsei cảnh báo đình công vô thời hạn, bắt đầu từ ngày 17/6. Dù vậy, các bệnh viện tuyên bố phòng cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân nguy kịch tại các bệnh viện sẽ không bị ảnh hưởng.

Trước tình hình trên, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo kêu gọi các bác sĩ hủy bỏ kế hoạch đình công, cho rằng đây là diễn biến có thể làm leo thang trình trạng bế tắc kéo dài 4 tháng nay giữa giới chức và cộng đồng y tế.

Trong cuộc họp với chính phủ, ông Han nhấn mạnh giới chức đã cam kết dừng các quy định xử phạt hành chính đối với bác sĩ thực tập quay trở lại làm việc. Tuy nhiên, rất khó có thể chấp nhận yêu cầu hủy bỏ hoàn toàn chính sách tuyển sinh thêm sinh viên y khoa, việc vốn được thực hiện phù hợp với hiến pháp và pháp luật.

Bất chấp các cuộc đình công, Hàn Quốc đã hoàn tất kế hoạch tăng khoảng 1.500 chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường y trên cả nước trong năm tới, đánh dấu mức tăng lần đầu tiên sau 27 năm.


Các giáo sư y khoa, bác sĩ thực tập sinh và sinh viên Đại học Quốc gia Seoul tổ chức biểu tình, ngày 17/6. Ảnh: Yonhap

Kể từ ngày 20/2, các bác sĩ nội trú và thực tập đình công tập thể để phản đối chính sách tăng 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh của chính phủ. Giới chức cho biết đây là phương phát ứng phó với tình hình dân số già và phân bổ thêm bác sĩ cho vùng nông thôn. Tuy nhiên, giới y khoa nhận định việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh sẽ làm suy yếu chất lượng giáo dục y tế, khiến chi phí y tế của bệnh nhân tăng cao hơn. Họ cho rằng chính phủ trước tiên nên cải thiện chế độ lương thưởng, đãi ngộ cho các bác sĩ, tăng cường bảo vệ về mặt pháp lý trước các vụ kiện về sơ suất y tế.

Đến đầu tháng 5, chính phủ đã có động thái giảm leo thang như hoãn đình chỉ chứng chỉ hành nghề của bác sĩ nội trú, cho trường y linh hoạt tuyển sinh, nhưng các hiệp hội y khoa phản đối. Họ lập luận giới chức cần hủy toàn bộ quyết định tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y, bắt tay ngay vào cải cách y tế thì mới ngồi vào bàn đàm phán.