Tìm kiếm

Âm lịch

Translate

Thế yếu của Nga trong hợp tác khí đốt với Trung Quốc

Nga rất cần Trung Quốc đẩy mạnh mua khí đốt để bù đắp nguồn lợi nhuận bị mất từ thị trường châu Âu, song Bắc Kinh cho thấy họ không vội vã.

Trong cuộc họp báo ngày 3/6, khi phản hồi câu hỏi từ hãng thông tấn TASS của Nga về việc liệu dự án khí đốt Sức mạnh Siberia 2 (Power of Siberia 2) có bị trì hoãn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho hay nước này "sẵn sàng hợp tác với Nga" để triển khai đồng thuận giữa hai lãnh đạo về các nội dung đôi bên cùng có lợi.

Cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay Trung Quốc và Nga "tiếp tục thảo luận" về dự án Sức mạnh Siberia 2, song chưa thể công bố các điều khoản thương mại trong quá trình đàm phán.

Giới quan sát cho rằng những phát biểu trên cho thấy Nga và Trung Quốc vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng về "siêu dự án khí đốt" Sức mạnh Siberia 2, vốn được Moskva đặt nhiều kỳ vọng trong chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Vladimir Putin hồi tháng 5.

Phó thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 16/5 thậm chí còn tuyên bố trên truyền hình nhà nước rằng hai bên đang hoàn tất quá trình đánh giá và ký hợp đồng trong tương lai gần để xây dựng Sức mạnh Siberia 2, đường ống khí đốt có công suất 50 tỷ m3 đi qua lãnh thổ Mông Cổ. Trung Quốc trong khi đó hoàn toàn im lặng về dự án này.

Newsweek ngày 3/6 dẫn lời cựu thứ trưởng năng lượng Nga Vladimir Milov cho biết Trung Quốc sẽ không chấp nhận mức giá Nga đưa ra để mua lượng khí đốt tự nhiên lớn như vậy.

"Rõ ràng là Nga không thể kiếm được nhiều lợi nhuận nào bằng cách xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc", Milov, người từng giữ chức thứ trưởng năng lượng Nga từ tháng 5 đến tháng 10/2002, nói. Ông hiện sống ở nước ngoài và có quan điểm phản đối Điện Kremlin.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón Tổng thống Nga Vlaidmir Putin tại Bắc Kinh hôm 16/5. Ảnh: Reuters

Ông cho biết niềm hy vọng rằng Gazprom, một trong những tập đoàn khí đốt lớn nhất thế giới, vẫn là nguồn tạo doanh thu chính cho nền kinh tế và bộ máy quân sự của Nga "gần như đã không còn".

Phát ngôn viên Điện Kremlin Peskov cũng thừa nhận vấn đề thương mại là một trong những phương diện mà hai nước đang phải tiếp tục thảo luận. "Việc mỗi nước quyết bảo vệ lợi ích của mình là điều bình thường", ông nói.

Tổng thống Putin lâu nay vẫn ca ngợi mối quan hệ chặt chẽ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong cuộc gặp thượng đỉnh tháng trước, ông Putin nói rằng Trung Quốc là đối tác chủ chốt của Nga trong lĩnh vực kinh tế và thương mại, chỉ ra các lĩnh vực ưu tiên hàng đầu là năng lượng, công nghiệp và nông nghiệp.

Kim ngạch thương mại song phương đạt kỷ lục 240 tỷ USD vào năm ngoái, tăng hơn 25% so với năm 2022. Một phần rất lớn trong số đó đến từ hoạt động xuất khẩu khí đốt của Nga sang Trung Quốc.

Báo cáo triển vọng kinh tế 2026 được nộp lên Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin hồi tháng 9/2023 cho thấy giá khí đốt trung bình bán cho Trung Quốc năm 2024 là 271 USD mỗi 1.000 m3, bằng một nửa so với mức Nga từng bán cho châu Âu.

Nhưng Bắc Kinh dường như đang mặc cả quyết liệt về giá khí đốt trong dự án Sức mạnh Siberia 2 nối thị trường Trung Quốc với các mỏ khí đốt ở miền tây nước Nga từng cung cấp cho châu Âu. Đây là dự án mà Moskva kỳ vọng sẽ giúp bù đắp nguồn thu mất đi từ thị trường châu Âu sau khi Nga phát động chiến sự tại Ukraine.

Gazprom đã hạn chế dòng khí đốt đến châu Âu vào giữa năm 2022 nhằm gây áp lực lên các đồng minh của Ukraine và trả đũa loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây. Nhưng điều này đã thúc đẩy phần lớn các thành viên EU "đoạn tuyệt" với khí đốt Nga và tìm nguồn cung thay thế.

Financial Times dẫn ba nguồn tin am hiểu vấn đề cho hay Trung Quốc chỉ muốn mua một phần nhỏ trong 50 tỷ m3 công suất hàng năm theo kế hoạch của đường ống Sức mạnh Siberia 2.

Mặt khác, Trung Quốc còn đang yêu cầu mức giá gần bằng giá nội địa được trợ cấp của Nga. Việc Nga thiếu một tuyến đường ống khác trên đất liền để xuất khẩu khí đốt đồng nghĩa Gazprom có thể sẽ phải chấp nhận những điều kiện từ Trung Quốc, giới chuyên gia đánh giá.

"Trung Quốc tin rằng thời gian đang đứng về phía họ. Họ vẫn muốn giành được những điều kiện tốt nhất từ Nga và chờ cho đến khi mối quan tâm của phương Tây đối với quan hệ Trung - Nga chuyển sang nơi khác", Alexander Gabuev, giám đốc Trung tâm Á - Âu Carnegie Nga, trụ sở ở Berlin, nhận xét.

Trong báo cáo tháng trước gửi Hội đồng Đại Tây Dương, viện nghiên cứu có trụ sở tại Washington, Mỹ, Milov cho hay các cơ sở sản xuất khí đốt đầu nguồn của Gazprom đang bị cô lập do thiếu cơ sở hạ tầng kết nối các mỏ phía tây Siberia với thị trường châu Á.

Báo cáo của ông cũng đề cập đến thất bại của Gazprom trong việc xây dựng các nhà máy khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) để định tuyến lại nguồn năng lượng.

Milov cho biết thông báo vào tháng trước về khoản lỗ năm 2023 lên tới 6,9 tỷ USD của tập đoàn Gazprom, bao gồm cả các doanh nghiệp dầu và điện, "là bằng chứng lớn nhất cho thấy chính sách chuyển hướng xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc đang không thành công như kỳ vọng của Nga".

"Hầu hết khí đốt Nga sản xuất đã trở thành một phần của châu Âu, cả về kinh tế và địa lý. Vì vậy, mô hình duy nhất thực sự có ý nghĩa đối với Gazprom là trở thành nhà cung cấp chính cho thị trường châu Âu, nơi tạo ra lợi nhuận", ông giải thích.

"Nhưng viễn cảnh nguồn cung khí đốt của Nga sang châu Âu được khôi phục là rất khó xảy ra", Milov cho hay. "Tôi không thấy bất kỳ triển vọng nào. Không có mô hình thay thế nào khác".

Theo Financial Time, thỏa thuận về đường ống Sức mạnh Siberia 2 là một trong ba yêu cầu mà Tổng thống Putin đề xuất với Chủ tịch Trung Quốc vào tháng trước, và việc giám đốc điều hành Gazprom Alexei Miller vắng mặt trong chuyến thăm là rất đáng chú ý vì ông có vai trò thiết yếu trong các cuộc đàm phán về khí đốt với Bắc Kinh.

Theo Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu (CGEP) thuộc Đại học Columbia, Mỹ, nhu cầu khí đốt nhập khẩu của Trung Quốc có thể đạt 250 tỷ m3 vào năm 2030, tăng từ mức dưới 170 tỷ m3 năm ngoái. Dù vậy, khối lượng này hầu hết có thể được đáp ứng thông qua các hợp đồng cung cấp khí đốt đường ống và LNG hiện tại.

Theo Gabuev, trong bối cảnh hiện nay, "Trung Quốc có thể cần khí đốt của Nga về mặt chiến lược như một nguồn cung cấp an toàn không dựa trên các tuyến hàng hải sẽ bị ảnh hưởng trong trường hợp xảy ra xung đột xung quanh đảo Đài Loan hay Biển Đông".

"Nhưng để làm được điều đó, Trung Quốc thực sự cần một mức giá rất rẻ và các nghĩa vụ linh hoạt theo hợp đồng", ông nhấn mạnh.


Hệ thống đường ống Sức mạnh Siberia 1 (Power of Siberia 1) và Sức mạnh Siberia 2 (Power of Siberia 2) chuyển khí đốt từ Nga tới Trung Quốc. Đồ họa: CNBC