Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết người có doanh thu và thu nhập từ livestream bán hàng sẽ phải kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân.
Tại họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 1/6, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết livestream bán hàng trên mạng có thể phát sinh doanh thu, thu nhập. Do đó, đây là hoạt động kinh tế, phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật về thuế, như với thương mại điện tử nói chung.
Cụ thể, cá nhân có doanh thu và thu nhập từ hoạt động này sẽ phải kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân. Còn hộ kinh doanh gia đình thực hiện theo thuế khoán hoặc kê khai thuế định kỳ.
Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi trả lời tại họp báo Chính phủ, chiều 1/6. Ảnh: Phạm Dự
Hình thức bán hàng qua livestream, đặc biệt trên các sàn giao dịch thương mại điện tử ngày càng trở nên phổ biến. Theo dự báo của công ty tư vấn McKinsey & Company, mua sắm trực tiếp qua livestream có tiềm năng thúc đẩy tới 20% tổng doanh số bán hàng thương mại điện tử vào đầu năm 2026.
Thực tế, hoạt động này mang lại doanh thu lớn cho người bán và cả người được thuê livestream. Theo Luật Thuế thu nhập cá nhân, đây là một nguồn thu nhập chịu thuế. Do đó, cá nhân có thu nhập từ 100 triệu đồng một năm trở lên phải kê khai nộp loại thuế này.
Tại thông cáo phát đi ngày 1/6, Bộ Tài chính cũng thừa nhận các hình thức kinh doanh trên thương mại điện tử ngày càng đa dạng. Để tăng quản lý thuế với lĩnh vực này, ngành thuế đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có đề xuất sửa quy định theo hướng yêu cầu chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử cho đặt hàng trực tuyến phải khai, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên sàn.
Theo Bộ Tài chính, giải pháp này sẽ góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm đầu mối kê khai thuế, chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho toàn xã hội. "Sẽ chỉ cần một đầu mối là sàn giao dịch thương mại điện tử khai, nộp thuế, thay vì hàng chục nghìn cá nhân", cơ quan này cho hay.
Ngoài ra, theo Bộ Tài chính, các sàn nắm được đầy đủ thông tin về người mua, các giao dịch bán hàng thành công, doanh thu, chi phí của các tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Đây là cơ sở để họ có thể làm thay người bán hàng.
"Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục nghiên cứu giải pháp này đảm bảo khả thi, hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế", Bộ Tài chính thông tin.
Tại phiên họp Quốc hội hôm 23/5, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết năm nay ngành tài chính tập trung thu thuế sàn thương mại điện tử trong nước, kinh doanh mua bán online.
Hiện ngành thuế đã bước đầu hoàn thành kết nối dữ liệu với các cơ quan như công an, ngân hàng bước theo hình thức điện tử. Việc này sẽ góp phần hỗ trợ quản lý kênh thương mại điện tử, kiểm soát các khoản thanh toán trên thương mại điện tử.
Bộ trưởng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tăng thanh toán không dùng tiền mặt để kiểm soát được nguồn thu trong lĩnh vực này.
Năm 2023, doanh thu quản lý thuế qua kênh thương mại điện tử là 3,5 triệu tỷ đồng (khoảng 146 tỷ USD), với số thuế đã nộp 97.000 tỷ, tăng 14% so với một năm trước đó. Ngành thuế cũng rà soát hơn 31.000 đối tượng, xử lý vi phạm hơn 22.000 trường hợp, số thuế tăng thêm trong lĩnh vực này gần 3.000 tỷ đồng.