2025

Cùng đếm ngược đến năm mới 2025! 🎉

00

Ngày

00

Giờ

00

Phút

00

Giây

Giá vàng nhẫn vượt vàng miếng: Có bàn tay 'làm giá'?

Trong khi vàng miếng SJC được kìm ở vùng giá ổn định suốt hơn 1 tháng thì giá vàng nhẫn vẫn tăng cao và đã 'vượt mặt' vàng miếng. Nhiều người đặt câu hỏi về sự biến động bất thường của giá vàng nhẫn. Không ít ý kiến cho rằng có hiện tượng “làm giá” đẩy giá vàng nhẫn lên cao.

Vàng miếng hạ nhiệt, vàng nhẫn vẫn tăng cao

Từ cuối năm 2023, thị trường vàng trong nước “nổi sóng”, giá vàng miếng và vàng nhẫn liên tục tăng cao, lập kỷ lục mới.

Trước tình trạng giá vàng "tăng nóng", Chính phủ liên tục ra chỉ thị đốc thúc cơ quan quản lý tìm cách bình ổn thị trường vàng, sửa Nghị định 24.

Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm ổn định giá vàng, trong đó có việc đấu thầu vàng. Từ 3/6, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra "liều thuốc" mới là bán vàng miếng thông qua 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước và Công ty SJC. Biện pháp này ngay lập tức đã làm hạ nhiệt giá vàng trong nước.

Và từ phiên 3/6 đến nay, giá vàng miếng SJC được duy trì ở vùng giá 74,98-76,98 triệu đồng/lượng (mua - bán). So với mức giá đỉnh 92,5 triệu đồng/lượng (bán ra) đạt được vào ngày 15/5, giá vàng miếng SJC hiện đã hạ 15,52 triệu đồng/lượng.

Điều đáng nói, trong khi giá vàng miếng SJC "bất động" đã hơn 1 tháng thì giá vàng nhẫn vẫn được điều chỉnh cùng nhịp với diễn biến của giá vàng thế giới.

Có những phiên, giá vàng nhẫn được điều chỉnh tăng tới 1 triệu đồng/lượng. Do đó, khoảng cách giữa vàng nhẫn và vàng miếng SJC ngày càng được rút ngắn.

Từ mức giá bán ra thấp hơn vàng miếng SJC tới 12 triệu đồng/lượng hồi đầu năm, giá vàng nhẫn hiện đã ngang bằng, thậm chí có thương hiệu còn "vượt mặt" vàng miếng SJC. Vàng nhẫn đang được neo ở vùng giá cao nhất trong lịch sử.

Ở phiên giao dịch cuối tuần trước (6/7), giá vàng nhẫn tăng vọt, cao nhất tới 600.000 đồng/lượng, lên sát mốc 77 triệu đồng/lượng. Ở phiên này, giá vàng nhẫn tại Doji, Bảo Tín Minh Châu đã ngang bằng vàng miếng SJC.

Ngày 12/7, giá vàng nhẫn lại tăng mạnh, tới nửa triệu đồng/lượng, vượt mốc 77 triệu đồng/lượng.

Sáng 12/7, SJC niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 75,1-76,7 triệu đồng/lượng. Doji nâng giá vàng nhẫn tròn trơn 9999 lên 76,15-77,4 triệu đồng/lượng (mua - bán). Công ty Bảo Tín Minh Châu đưa giá vàng nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng Long lên mức 75,88-77,18 triệu đồng/lượng. PNJ nâng giá vàng nhẫn lên mức 75,15-76,6 triệu đồng/lượng.

Trong sáng 12/7, giá vàng nhẫn tại Doji đã đắt hơn giá vàng miếng SJC hơn 1 triệu đồng/lượng ở chiều mua và cao hơn 400 nghìn đồng/lượng ở chiều bán. Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng nhẫn tròn trơn cũng cao hơn giá vàng miếng SJC 400 nghìn đồng/lượng ở chiều mua và đắt hơn 200 nghìn đồng/lượng ở chiều bán. Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm vàng nhẫn trong nước lên cao hơn so với vàng miếng SJC.

Từng luôn "dưới trướng" và thấp hơn nhiều so với giá vàng miếng SJC nhưng cùng với đà tăng giá ở thị trường thế giới, giá vàng nhẫn tròn trơn đã cao hơn giá vàng miếng khiến nhiều người bất ngờ. Giá vàng nhẫn đã tăng khoảng 14-15 triệu đồng mỗi lượng so với cuối năm ngoái.

Trước đây, chỉ vàng miếng neo cao so với thế giới. Nhưng từ cuối tháng 10 năm ngoái tới nay, vàng nhẫn ngày càng nới rộng khoảng cách với kim loại quý quốc tế. Hiện giá vàng nhẫn cao hơn vàng thế giới khoảng 4-5 triệu đồng mỗi lượng.

Theo các chuyên gia, vàng nhẫn là kênh đầu tư có hiệu suất tốt nhất từ đầu năm đến nay. Giá vàng nhẫn tăng gần 22%. Trong khi đó, vàng miếng SJC chỉ tăng hơn 4%.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh dự báo rất có thể giá vàng nhẫn sẽ tăng lên ngưỡng 80 triệu đồng/lượng hoặc hơn nếu giá vàng thế giới tiếp tục tăng và nhu cầu với vàng nhẫn ở nước ta không hạ nhiệt.

Có hiện tượng “làm giá” vàng nhẫn?

Lý giải nguyên nhân giá vàng nhẫn tăng cao, nhiều chuyên gia cho rằng giá loại vàng này luôn bám sát theo giá thế giới, giá thế giới có xu hướng tăng nên đã kéo giá vàng nhẫn đi lên.

Hơn nữa, vàng nhẫn vừa đạt được mục đích đầu tư vừa có thể sử dụng cho mục đích thường ngày như món trang sức nên hữu dụng hơn. Trong khi vàng miếng chỉ có mục đích duy nhất là đầu tư nhưng tính thanh khoản lại cao hơn. Vàng nhẫn trao đổi mua - bán không mất phí gia công hoặc mất phí cũng rất thấp, chỉ 10.000 đồng/sản phẩm nên nhiều người ưa chuộng.

Cùng với đó, nhiều người lo ngại những sửa đổi liên quan đến chính sách điều hành, quản lý thị trường (Nghị định 24) đối với vàng miếng nên chuyển sang mua vàng nhẫn đầu tư.

Bên cạnh đó, nguồn cung khan hiếm cũng là yếu tố đẩy giá vàng nhẫn lên cao. Hiện nay, vàng miếng rất khó mua. Số lượng vàng bán ra rất hạn chế, người dân không mua được vàng miếng nên chuyển sang mua vàng nhẫn.

Tuy nhiên, nhiều người cũng băn khoăn về diễn biến của giá vàng nhẫn trong những ngày vừa qua. Bởi trong khi giá vàng miếng SJC được duy trì ở vùng giá ổn định thì giá vàng nhẫn vẫn tăng. Có không ít ý kiến cho rằng các doanh nghiệp kinh doanh vàng đang “làm giá” vàng nhẫn.

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, vấn đề "làm giá" luôn hiện hữu trong thị trường vàng. Giá vàng nhẫn tăng bất thường, các cơ quan chức năng cần theo dõi chặt để kịp thời ngăn chặn những hành vi vi phạm.

Theo ông Hiếu, nếu nguồn nguyên liệu sản xuất vàng nhẫn chưa được giải quyết, đến một ngày nào đó, giá vàng nhẫn sẽ tăng dần lên như vàng miếng SJC.

“Nếu Ngân hàng nhà nước không đáp ứng sự thoả mãn về vàng miếng, người dân sẽ chuyển sang mua vàng nhẫn để tích trữ. Chính điều này đã khiến vàng nhẫn tăng như những ngày gần đây và sẽ tiếp tục tăng nếu không có sự quản lý”, ông Hiếu nhìn nhận.

Ông Hiếu cảnh báo, khi vàng nhẫn tăng đến mức có thể tác động đến nền kinh tế, nó sẽ khơi mào cho hiện tượng vàng hoá nền kinh tế.

Tình trạng thiếu nguồn cung vàng nguyên liệu để chế tác nữ trang và mỹ nghệ đã được Hiệp hội kinh doanh vàng cảnh báo từ nửa cuối năm 2023.

Nhiều chuyên gia đề nghị khi nhu cầu vàng nhẫn tăng cao, nguồn cung hạn chế, các doanh nghiệp có thể gia công vàng trang sức thành vàng nhẫn. Nhưng các doanh nghiệp kinh doanh vàng cho rằng giải pháp này có thể thực hiện được nhưng các tiệm vàng không làm, vì sẽ bị thiệt hại tiền công.

Ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội vàng - cho rằng, ngoài ảnh hưởng từ giá vàng thế giới, một nguyên nhân khác khiến giá vàng nhẫn tăng cao là mặt hàng không được Nhà nước quản lý. Việc này khiến giá vàng nhẫn tiến sát giá vàng miếng.

Ông Khánh cho rằng, về lâu dài cơ quan chức năng phải cho phép nhập khẩu vàng làm nguyên liệu chế tác vàng nhẫn để tăng cung.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, thời gian qua, có những "nhà cái" (các đầu mối vàng sỉ) đang là những kẻ "giật dây", thao túng giá vàng trong nước. Để thị trường vàng bình ổn, ngoài việc đưa những kẻ thao túng giá ra ánh sáng, cũng cần phân rõ vai trò quản lý của những bên liên quan.

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng những “nhà cái” này đã tồn tại và kiểm soát thị trường vàng từ trước khi có Nghị định 24. Những đối tượng này kiểm soát tất cả mọi loại hình vàng, từ vàng miếng đến vàng nhẫn, thậm chí là cả vàng nguyên liệu.

Ngoài việc giải quyết các “nhà cái” thao túng giá vàng, các chuyên gia cũng kiến nghị cần phân vai quản lý rõ ràng và có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành liên quan để bình ổn thị trường vàng.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh, thị trường vàng miếng SJC độc quyền đang do Ngân hàng Nhà nước trực tiếp quản lý. Còn thị trường vàng trang sức do Bộ Công thương quản lý.

“Chỉ có duy nhất vàng nhẫn chưa biết do ai quản lý. Chính điều này đã dẫn đến nhiều ‘biến tướng’ trên thị trường vàng nhẫn trong thời gian qua. Cần phải có sự phân vai rõ ràng, tránh trường hợp để đến khi xảy ra vấn đề thì không có ai đứng ra chịu trách nhiệm”, ông Ánh kiến nghị.

Các chuyên gia khuyến nghị Chính phủ nên xây dựng quy định rõ ràng về vàng nhẫn. Chẳng hạn như nếu coi vàng nhẫn là vàng trang sức thì cần quy định hàm lượng vàng nguyên chất phải dưới 75% hoặc 61%, tránh tình trạng lách luật, biến tướng, mang danh vàng nhẫn nhưng tỷ lệ vàng nguyên chất lên đến hơn 99%.

(Nguồn VNF)