Tìm kiếm

Âm lịch

Translate

Lần đầu tiên trong 20 năm, Nhật Bản đổi mẫu tiền giấy trong bối cảnh đồng Yên mất 2/3 giá trị so với năm 1995

Động thái của Nhật Bản với đồng Yên có thể tiêu tốn đến 10 tỷ USD chi phí để máy ATM, máy bán hàng tự động và hệ thống tài chính nhận diện tiền mới.



Tờ Nikkei Asian Review cho hay lần đầu tiên trong 20 năm, Nhật Bản đã thiết kế lại đồng Yên mới trong bối cảnh sức mua của đồng tiền này (Purchasing Power) chỉ còn 1/3 giá trị so với thời kỳ đỉnh cao tháng 4/1995.

Xin được nhắc rằng Nhật Bản là một trong những thị trường ưa chuộng dùng tiền mặt nhất Châu Á bất chấp sự phát triển của công nghệ tại quốc gia này.

Chính phủ cho biết sẽ lưu hành cả 2 loại đồng Yên trên thị trường.

Một số thay đổi nhỏ trong bản thiết kế bao gồm phóng to chữ số Ả Rập trên đồng tiền và đưa chúng dịch vào trung tâm hơn. Ngoài ra, công nghệ in 3D cũng được áp dụng nhằm ngăn chặn nạn tiền giả.


Tỷ lệ không dùng tiền mặt trong thanh toán tại các nền kinh tế năm 2021

Tờ tiền mới có mệnh giá 10.000 yen sẽ in hình ông Eiichi Shibusawa, vốn được biết là "cha đẻ của chủ nghĩa tư bản Nhật Bản".

Tờ tiền mệnh giá 5.000 yen sẽ in hình bà Umeko Tsuda, vốn là một nhà giáo dục có tư tưởng tiến bộ, đi đầu trong trong phong trào giáo dục cho phụ nữ.

Trong khi đó, tờ tiền mệnh giá 1.000 yen sẽ in hình vi nhà sinh vật học Shibasaburo Kitasato, người đã phát triển liệu pháp huyết thanh điều trị bệnh uốn ván.

Mặt còn lại của 3 tờ tiền lần lượt in hình nhà ga Tokyo, hoa tử đằng Nhật Bản và bức tranh núi Phú Sĩ của họa sĩ Katsushika Hokusai.

10 tỷ USD

Báo cáo của Nomura Research Institute ước tính việc phát hành tiền mới này sẽ khiến Nhật Bản tốn thêm 1,63 nghìn tỷ Yên, tương đương 10 tỷ USD chi phí để cập nhật hệ thống, từ máy ATM, máy bán vé tàu xe cho đến các máy bán hàng tự động nhằm nhận diện được tiền mới.

Khảo sát của Bộ tài chính Nhật Bản cho thấy hơn 90% số máy rút tiền tự động ATM và 80-90% máy đếm tiền tại siêu thị sẽ tương thích với tiền mới ngay từ đầu.

Tuy nhiên chỉ có 20-30% các máy bán hàng tự động là được cập nhật để nhận diện ngay được tiền mới. Con số này là 50% tại các trạm bán vé tự động.

Đây là một vấn đề khá nghiêm trọng trong bối cảnh nền kinh tế Nhật Bản có công nghệ tự động hóa cao nhằm tiết kiệm lao động vì dân số lão hóa nhanh. Máy móc không nhận diện tiền mặt mới sẽ khiến nhiều hoạt động giao thương bị ảnh hưởng.


Tuy nhiên một số tập đoàn như Rakuten lại quyết định tập trung vào thanh toán không dùng tiền mặt thay vì tốn thêm chi phí cập nhật máy bán hàng tự động. Đây được cho là một điểm cộng cho động thái phát hành tiền mới của Tokyo.

Tính đến năm 2021, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt của Nhật Bản chỉ ở mức 32,5%, kém xe so với 95,3% của láng giềng Hàn Quốc và 83.8% của Trung Quốc.

Mặc dù con số này đã tăng lên 39,3% năm 2023 nhưng người Nhật Bản vẫn ưa chuộng tiền mặt hơn là thanh toán trực tuyến hay để tiền trong ngân hàng.

Mất giá trị

Động thái của Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh sức mua của đồng Yên tính theo REER đang mất đến 2/3 giá trị so với thời đỉnh cao tháng 4/1995.

REER-Real Effective Exchange Rate là mức giá trị trung bình theo tỷ trọng của đồng tiền một quốc gia trong mối quan hệ với một chỉ số hoặc rổ tiền tệ của các đồng tiền khác đã được điều chỉnh theo ảnh hưởng của lạm phát.

Tờ Nikkei cho hay các hộ gia đình Nhật Bản đã phải tốn thêm 90.000 Yên, tương đương 560 USD mỗi năm cho chi phí nhập khẩu lương thực, năng lượng vì đồng nội tệ mất giá.

Vào tuần trước, đồng Yên đã xuống mức 161,20 Yên đổi 1 USD, mức thấp nhất trong hơn 37 năm qua.

Theo chuyên gia kinh tế trưởng Saisuke Sakai của Mizuho Research & Technologies, sức tiêu dùng của nền kinh tế Nhật Bản sẽ chịu ảnh hưởng nếu đồng Yên tiếp tục mất giá, đẩy giá các mặt hàng lên cao.

Ví dụ điển hình là giá thịt bò chế biến Mỹ nhập khẩu vào Nhật Bản cho món mỳ Guydon phổ biến đã tăng 30% trong 1 năm qua, khiến nhiều nhà nhập khẩu khó lòng theo kịp.


Sức mua của đồng Yên đang xuống mức thấp kỷ lục vì mất giá

Hiện đồng Yên vẫn đang gặp khó do chênh lệch lãi suất tại Nhật Bản so với nhiều đối tác thương mại lớn như Mỹ, đi kèm với đó là chỉ số lạm phát thấp hơn. Việc chính quyền Tokyo duy trì mức lãi suất thấp để kích thích nền kinh tế lại đang gián tiếp làm suy yếu đồng Yên.

Ngoài ra, các quan chức ngân hàng trung ương Nhật Bản cũng muốn giữ đồng Yên yếu để duy trì lợi thế xuất khẩu cũng là một nguyên nhân.

Tuy nhiên theo một số chuyên gia, việc các doanh nghiệp Nhật Bản dịch chuyển nhà máy ra nước ngoài hoặc thuê ngoài (Outsource) khiến ưu thế xuất khẩu nhờ đồng Yên yếu bị xói mòn.

Hiện tại, việc Nhật Bản sẽ làm gì tiếp theo với đồng Yên vẫn đang là một câu hỏi và động thái đổi tiền mới nhất của nền kinh tế này liệu sẽ tác động gì đến tỷ giá và thị trường thì vẫn cần thời gian để trả lời.

*Nguồn: Nikkei