Nga tin tưởng bằng chứng Mỹ hạ cánh xuống Mặt trăng

Theo cơ quan vũ trụ Nga điều này có thể chứng minh qua các mẫu đất đá được các phi hành gia Mỹ mang về từ Mặt trăng.

Người đứng đầu cơ quan hàng không vũ trụ Nga Roscosmos Yury Borisov nói, Roscosmos đã đánh giá các thuyết âm mưu xung quanh chương trình Apollo của Mỹ, các kết quả đều cho thấy rằng Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA) đã thành công đưa người lên Mặt trăng.

Kết quả này không chỉ dựa trên hình ảnh do NASA cung cấp mà còn đến từ đất đá Mặt trăng được các phi hành gia Mỹ mang về Trái đất.


Phi hành gia Neil Armstrong, chỉ huy sứ mệnh Apollo 11 trong cú hạ cánh lịch sử xuống Mặt trăng, ngày 20/7/1969. (Ảnh: Getty Images)

Phía Roscosmos cũng tiến hành so sánh các mẫu đất đá Mặt trăng của NASA với các mẫu vật được Liên Xô thu thập trong quá khứ.

“Theo giám định của Viện Hàn lâm Khoa học Roscosmos, các mẫu đất đá của NASA đến từ Mặt trăng”, ông Borisov nói, đồng thời nhấn mạnh rằng các mẫu đất đã được phân tích ở nhiều quốc gia, không chỉ riêng Nga.

Tuyên bố trên được ông Borisov đưa ra bên thềm một cuộc họp của quốc hội Nga hôm 3/7.

Trước đó, cựu giám đốc Roscosmos Dmitry Rogozin tỏ ra hoài nghi về các sứ mệnh Apollo của Mỹ, đồng thời cho rằng một số quan chức Roscosmos đang giúp NASA che đậy sự thật.

Theo ông Rogozin, một số học giả thậm chí còn tức giận chỉ trích ông vì làm phức tạp quan hệ quốc tế và làm suy yếu "hợp tác với NASA".

Mặc dù tất cả các sứ mệnh không gian của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh đều được Liên Xô theo dõi chặt chẽ, những người hoài nghi vẫn đặt câu hỏi về tính xác thực của chương trình Apollo kể từ khi phi hành gia Neil Armstrong đặt chân lên Mặt trăng vào ngày 20/7/1969.

Những người theo thuyết âm mưu cho rằng các cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng thực chất là do NASA dàn dựng, và họ cần phải nhanh chóng phản ứng lại việc Liên Xô đưa phi hành gia đầu tiên của thế giới Anh hùng Yury Gagarin vào không gian vào ngày 12/4/1961.

Tuy nhiều thuyết âm mưu đã bị bác bỏ trong những năm qua, nhưng theo nhiều cuộc thăm dò, vẫn có từ 5% đến 20% người Mỹ tin rằng chương trình thám hiểm mặt trăng của đất nước họ chỉ là một trò lừa bịp.

Tại Nga, một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Dư luận (WCIOM) thực hiện năm 2020 cho thấy gần 50% người được hỏi cho rằng chính phủ Mỹ đã "làm giả" các cuộc đổ bộ của Apollo, chỉ có 31% cho biết họ tin các cuộc đổ bộ là thật.

NASA đã ngừng gửi tàu đổ bộ lên Mặt trăng sau khi sứ mệnh Apollo 17 kết thúc vào tháng 12/1972.

Đầu năm nay, một tàu vũ trụ do Mỹ chế tạo đã hạ cánh xuống Mặt trăng lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ, đánh dấu "sự trở lại Mặt Trăng của Mỹ". Tuy nhiên, chương trình Artemis của NASA vẫn chậm tiến độ so với kế hoạch và phải đến tận 2026 họ mới có thể đưa người trở lại vệ tinh tự nhiên của Trái đất.