Tìm kiếm

Âm lịch

Translate

Ngân hàng gene mở ra cơ hội tìm lại tên cho liệt sĩ

Chiến tranh kết thúc đã gần 50 năm nhưng vẫn còn hàng trăm nghìn hài cốt liệt sĩ chưa quy tập được hoặc chưa xác định danh tính; trong đó có hơn 23.000 hài cốt liệt sĩ còn nằm lại rừng sâu, khe lạnh.

Ngày 23.7 Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ra mắt Ngân hàng gen liệt sĩ sau nhiều nỗ lực thu thập. Cụ thể, Bộ đã tri ân hàng nghìn thương bệnh binh và người có công, cùng với đó đề nghị lấy hơn 600.000 mẫu để xây dựng ngân hàng gen tìm kiếm danh tính liệt sĩ.

Ý nghĩa lớn với nhiều thế hệ thân nhân liệt sĩ

Chia sẻ tại lễ ra mắt, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chia sẻ, chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã độc lập, thống nhất nhưng vẫn còn đó biết bao nỗi đau thương, gần 200 nghìn liệt sĩ chưa được quy tập, gần 300 nghìn liệt sĩ chưa xác định được thông tin. Những giọt nước mắt vẫn còn lăn trên má của những người Mẹ; những ánh mắt mòn mỏi ngóng trông, khắc khoải đợi chờ của những gia đình chưa có thông tin, chưa được biết phần mộ của con, của em, của vợ, chồng, của cha, mẹ mình… “ở đâu” là những câu hỏi day dứt.

Đây là việc làm rất có ý nghĩa, rất linh thiêng, phải chạy đua với thời gian, càng làm càng nhanh càng tốt vì thời gian không cho phép chúng ta kéo dài. Song, đây cũng là nhiệm vụ nặng nề, gian nan, chúng ta làm bằng mệnh lệnh của trái tim trong hành trình tìm kiếm, trả lại tên cho các Anh hùng liệt sĩ. Việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và công nghệ ADN sẽ đem lại hy vọng đoàn tụ cho nhiều gia đình, góp một phần xoa dịu những mất mát, hy sinh của các thân nhân liệt sĩ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và các đại biểu kích hoạt ngân hàng gen liệt sĩ chưa xác định thông tin. Ảnh: Phạm Giáp

Đề án 150 (Chính phủ phê duyệt năm 2013) được thực hiện chủ yếu với phương pháp giám định ADN và thực chứng. Phương pháp giám định ADN đã triển khai gần 10.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ. Kết quả, đã so sánh đối khớp được hơn 1.000 danh tính liệt sĩ để báo tin về cho thân nhân liệt sĩ.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, từ nay cho đến hết năm 2026, tất cả những khu nghĩa trang liệt sĩ, những mộ chưa xác định được thông tin có điều kiện sẽ tìm kiếm. Chúng ta sẽ nhập các thiết bị máy móc mới nhất, hoặc liên kết với Mỹ và Hà Lan về xác định ADN. Vừa qua, chúng ta vừa đưa 50 mẫu không thành công đưa đi Hà Lan để nhờ Mỹ giám định thì được 38 mẫu.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, việc ra mắt ngân hàng đặc biệt này tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác định danh tính, trả lại tên cho hơn hàng trăm nghìn liệt sĩ, bớt đi sự day dứt cho gia đình thân nhân liệt sĩ. Việc xây dựng "Ngân hàng gen" cho liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ không chỉ mở ra hy vọng cho hơn 300.000 gia đình người có công mà còn là niềm mong mỏi của toàn Đảng và Nhân dân cả nước rằng tương lai không xa, tất cả các liệt sĩ đã nằm xuống, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc sẽ được quy tập và xác định được danh tính.

Sử dụng công nghệ tiên tiến nhất để xác định ADN liệt sĩ

Về công tác kỹ thuật xác định danh tính liệt sĩ, Chính phủ đã phân công Bộ Quốc phòng được giao hướng dẫn quy trình, điều kiện tiếp cận mẫu hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin để thực hiện giám định ADN xác định danh tính. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính có nhiệm vụ hoàn thành định mức kỹ thuật, đơn giá cho các khâu tìm kiếm, quy tập, giám định ADN với các hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin và thân nhân. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trong đó có Trung tâm giám định ADN nhận việc hoàn thành dự án đầu tư nâng cao năng lực áp dụng các phương pháp mới giám định ADN bằng nguồn vốn ODA.

Nói về vấn đề kỹ thuật, Cục trưởng Cục Người có công, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Lợi nhận định, hầu hết hài cốt liệt sĩ chôn cất trên 50 năm, thực hiện di chuyển một số lần. Vì vậy, nhiều hài cốt không lấy được mẫu để phân tích, hoặc lấy được mẫu nhưng chất lượng ADN tổng hợp được không đạt để so sánh, đối khớp với thân nhân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao chứng nhận kết quả giám định ADN cho thân nhân các liệt sĩ. Ảnh: Phạm Giáp

Trước đây, các đơn vị đang sử dụng công nghệ giám định ADN cho mẫu hài cốt liệt sĩ dựa trên phân tích ADN ty thể. Tuy nhiên, với chất lượng mẫu ngày càng khó khăn, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu ứng dụng giám định công nghệ ADN ty thể vào quy trình giám định thường quy.

Bên cạnh đó, người có quan hệ huyết thống với liệt sĩ đa số đã già yếu, nhiều gia đình thậm chí không còn người để lấy mẫu theo dòng mẹ. Một số cơ sở giám định ADN đã được nâng cấp nhưng chưa đồng bộ với trang thiết bị, máy móc cũ, đội ngũ giám định viên còn thiếu nên ảnh hưởng đến hiệu quả của việc giám định ADN.

Nhưng nay xu hướng thế giới với sự phát triển công nghệ phân tích hiện đại với máy giải trình tự gene thế hệ mới kết hợp công nghệ phân tích vi sinh học, việc giám định ADN từ mẫu xương cổ được phân tích theo gene nhân sử dụng công nghệ mới.

Ứng dụng công nghệ mới về khai thác ADN xương cổ được phối hợp Viện khảo cổ học nhằm xác định nguồn gốc di truyền với mẫu xương có niên đại vài trăm năm đến nghìn năm. Đây là cơ sở tiếp tục phát triển giám định mẫu ADN xương cổ các liệt sĩ có thời gian chôn lấp đưa vào giám định từ 40-80 năm.

Trong lễ ra mắt ngân hàng gene liệt sĩ và thân nhân Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài chia sẻ đầy xúc động, chúng ta tri ân gần 1,2 triệu người con ưu tú đã dũng cảm, xung phong ra trận, anh dũng chiến đấu, hy sinh quên mình. Trong đó, rất nhiều người ở lại với tuổi 18, đôi mươi, để lại phía sau bao ước mơ, hoài bão còn dang dở, những trang sách giảng đường, gia đình, người thân nơi hậu phương lên đường thực hiện nhiệm vụ vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, vì sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân".

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, máu đào và sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang, để đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do và nhân dân được ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay.

Đề cập mục tiêu sớm hoàn thành giám định hơn 20.000 hài cốt liệt sĩ, phấn đấu xác định danh tính 60% liệt sĩ trong các nghĩa trang.

Thủ tướng bày tỏ nỗi xót xa khi thăm nghĩa trang đồi A1 tại Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ vừa qua, thấy rất nhiều mộ liệt sĩ vẫn đề những dòng chữ "mộ liệt sĩ chưa biết tên", "mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin".